Ao làng dậy sóng

Tôi vẫn nghĩ và tự cho mình là một kẻ vô thần. Ấy vậy mà vẫn cứ bị ám ảnh về một thời thơ dại khi bọn trẻ chúng tôi reo hò, nhảy cẫng lên khi chứng kiến cảnh người ta đập phá những đình, chùa đã tồn tại từ mấy trăm năm để làm kho chứa phân đạm, thóc giống và ném những pho tượng Phật xuống ao làng.

Những pho tượng Phật không biết cử động khi bị ném xuống ao, chẳng khác nào như người ta khi bị trói. Chỉ biết sủi tăm, sủi bong bóng ùng ục trên mặt ao làng trong vắt. Những pho tượng Phật được ném tới tấp khiến mặt nước ao làng bỗng trở nên dậy sóng.

Thằng Tớp là đứa thấp lùn nhất trong bọn trẻ chúng tôi bị ướt hết cả cái quần đùi đứt dây chun, phải buộc bằng dây chuối khô bởi những đợt sóng khi đứng dưới bậc đá thứ hai của ao làng. Mỗi pho tượng Phật trước khi được “hạ thủy” đã được tung lên đến độ cao của những cánh tay vâm váp, quyết liệt với tinh thần kiên quyết bài trừ mê tín dị đoan.

Một thế năng chừng vài ba mét, những pho tượng Phật trước khi vĩnh viễn về với thủy cung đã được thăng thiên để có thể hít thở bầu không khí dương trần như một ân huệ cuối cùng. Những cột nước tung lên, tỏa ra như một màn pháo “nước” lấp lánh đến diệu kỳ… Lũ trẻ chúng tôi khi ấy quả là được “đã đời” cho hai con mắt và được một phen gào thét, như để kiểm tra, thi thố âm thanh, âm vực của thanh quản khi bước vào cái tuổi bắt đầu vỡ giọng.

Người lớn đã bắt đầu khỏa nước ùm ùm rửa chân, rửa tay khi kết thúc chiến dịch. Trên bờ ao làng bây giờ chỉ còn lại lũ trẻ chúng tôi, săng sái chạy đi chạy lại và đưa ngón tay chỉ chỉ trỏ trỏ. Những pho tượng Phật dường như đã hụt hơi, họa hoằn lắm mới thấy sủi lên vài giọt tăm yếu ớt rồi tắt hẳn. Thằng Tớp cứ thắc mắc mãi về điều này. Tôi cốc vào đầu nó một cái rõ đau và bảo:

- Mày ngu bỏ mẹ. Chết ngóm hết cả rồi thì còn thở làm sao được nữa! Nếu mày không tin để chúng tao dìm thử, chỉ một lúc thôi mày cũng sẽ hết sủi tăm rồi.

Bây giờ thì có vẻ như thằng Tớp mới tin là những pho tượng Phật đã chết thật. Tôi hô bọn trẻ:

- Chúng mày ơi, “đánh bí” thằng này cho nó bớt ngu đi.

Lúc đi tắm ao hay ở mương thủy lợi, chúng tôi thường chơi trò chơi “đánh bí”. Mỗi bên hai thằng, nâng vai, hông và chân lên rồi hô: Một, hai, ba. Cả bốn đứa đều nâng thằng nằm ngửa rồi cùng ném ra xa. Tất cả mọi đứa đều được đánh bí. Đứa thì toàn bộ phần lưng giáng xuống mặt nước nghe tiếp bốp đến đau rát, đứa thì bị giỗng đầu nghe thụp một cái, chúi xuống tận sát mặt bùn rồi vội ngoi lên và thấy sống mũi cay xè vì nước.

Chẳng biết là thằng Tớp khi bị “đánh bí” rơi xuống mặt nước ở tư thế nào mà chúng tôi chờ mãi không thấy nó ngoi lên. Chờ rồi lại chờ. Chúng tôi tái mặt vì biết thằng này cũng chỉ mới đây thôi đã phải nghiến răng, ứa nước mắt khi cho chuồn chuồn chuối cắn rốn. Cả bọn hốt hoảng lao xuống ao. Lặn. Hụp. Cả lũ mặt cắt không còn hạt máu, ủ rũ như những con gà giò chưa đủ lông cánh, lông đuôi đứng giữa trời mưa khi không tìm thấy thằng Tớp ở nơi bị “đánh bí”.

…Cả lũ thất kinh khi nghe một đứa bảo: “Nhìn kìa!”.

Hướng theo tay nó chỉ, một pho tượng Phật vừa mới nổi lên với cái đầu nhấp nhô, nhấp nhô. Trong ánh nắng gần xế trưa, đầu tượng được thiếp nhũ vàng ánh lên thứ ánh sáng linh dị. Loang lổ trên đầu tượng là những mảng đỏ như máu, mỗi khi đầu tượng nhô lên lại nhểu xuống mặt nước những giọt đỏ như người ta cắt tiết gà.

Pho tượng Phật xoay một vòng rồi lừ lừ bơi về phía cầu ao nơi chúng tôi đang há hốc mồm, bủn rủn chân tay. Cả lũ hét lên những tiếng thất kinh rồi bỏ chạy thục mạng, quên hẳn việc thằng Tớp còn nằm ở dưới đáy ao chưa được vớt lên.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Tôi húc đầu qua hai cánh cổng tre khép hờ của nhà mình, băng qua một vuông sân nhỏ lát gạch Bát Tràng, ngã dúi dụi ở nền nhà rồi bất tỉnh. Bà nội tôi đang nheo mắt ngồi xâu kim, vá cho tôi những chiếc áo, quần liên tục sứt chỉ và rách tướp vì vải đã sờn mủn, miệng lẩm lẩm: “Cha bố cái thằng phá hại”.

…Bà vứt vội đống áo quần cũ nát rồi tru tréo:

- Ới bố bòi, mẹ bòi ơi! Nhanh lên! Thằng Triệu nó bị trúng gió rồi! (quê tôi, từ xa xưa, nhà nào sinh con trai đầu lòng đều được gọi là bố bòi, mẹ bòi. Nhà nào sinh con gái đầu lòng thì được gọi là bố đĩ, mẹ đĩ).

Cha tôi lao từ ngoài vườn vào nhà, bế thốc tôi lên với chiếc quần đùi còn ướt sũng đặt lên chiếc chõng tre. Mẹ tôi hớt hải chạy xuống bếp giã vội một củ gừng, vớ một nắm tóc rối cài ở phên vách, tay run bần bật đánh gió cho tôi.

- Phật biết bơi. Phật biết bơi!

Đấy là tất cả những gì được phát ra từ cái miệng bị sứt một chiếc răng cửa do đùa nghịch, ngã vấp mặt vào chiếc cối đá của tôi. Lúc rên rỉ, lúc thì hú hét.

Bà tôi bảo:

- Thằng này bị ma nhập. Bố bòi ra vườn chặt cho tôi bảy chiếc roi dâu. Nhanh lên!

Tiếng roi dâu vun vút của bà. Tiếng mẹ tôi khóc nấc. Những ngón tay thô, ráp của cha tôi liên tục lay gọi và sức nóng của vị gừng đã làm tôi tỉnh lại. Tôi ngơ ngác nhìn những gương mặt thân quen, ngỡ như mình vừa từ một thế giới khác trở về.

- Thằng Tớp bị chết đuối ở ao làng.

Mẹ tôi xác nhận đây là câu nói đúng khi tôi ngồi nhỏm dậy, vặn mình và nghe tiếng những đốt xương kêu răng rắc.

- Thầy nó chạy sang nhà thằng Tớp xem sao?

Khi cha tôi và bố thằng Tớp được nghe lại lời khẳng định của tôi thì dọc con đường làng từ nhà tôi cho đến ao làng, những tiếng kêu thất thanh, thảng thốt được lan nhanh như những sóng âm. Người người, nhà nhà đứng chật bờ ao làng. Hàng chục người lặn hụp tìm kiếm. Thêm một lần nữa ao làng lại dậy sóng. Người ta quần đảo khiến ao làng vốn trong veo bỗng vẩn lên màu bùn, màu sơn son, thiếp vàng của những pho tượng Phật bị rã ra hòa với nhau thành một màu nhờ nhờ như máu loãng.

Hơn mấy tiếng đồng hồ mà xác thằng Tớp vẫn chưa tìm thấy.

Gia đình thằng Tớp đã thuê thầy về lập đàn tràng, lấy một cành tre làm cành phan và bắc chiếc cầu bằng bẹ chuối để cho linh hồn và thân xác thằng Tớp ngụ về. Thầy cúng bảo:

- Sau ba tuần nhang, người nhà để ý nếu thấy một con cá chép to nổi lên, bơi lừ đừ, rồi ngửa lên trắng bụng thì tìm đúng vị trí ấy sẽ tìm thấy xác thằng Tớp.

Quả đúng như lời thầy phán. Một con chép to dài đến mấy gang tay sau những lời lầm rầm niệm chú của thầy bỗng nổi lên mặt nước với dáng mệt mỏi, rã rời rồi lật ngửa, phơi cái bụng trắng hếu cùng hai mang ngáp ngáp. Đúng là một thầy pháp cao tay.

Thêm một lần nữa ao làng lại dậy sóng.

Không chỉ duy nhất có một lần con cá chép nổi lên. Ao làng đục nhờ nhờ như máu loãng có đến hàng chục lần cá các loại nổi lên, trắng bụng… và kết cục thì người ta vẫn chưa tìm được xác của thằng Tớp.

*

Ba Đắc không biết uống rượu ở đâu, say ngất ngưởng khi về tới ao làng, bỗng thấy hương đăng, chuông mõ cùng những tiếng niệm chú bèn dừng lại. Thế này thì loạn hết còn gì. Là một Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp kiêm Kế toán trưởng, bát cơm hằng ngày của mấy trăm hộ dân với phương án, cân đối ăn chia hết thảy đều do một tay Đắc định đoạt. Sáng nay, khi phải nhận nhiệm vụ “tổng chỉ huy” chiến dịch bài trừ, chống mê tín dị đoan, Đắc cũng đã thấy chờn chờn. Nhưng mà cờ đến tay ai thì người đó phải phất mà không thể chối từ. Đắc đã phải tự mình bê bát hương chi chít chân nhang, ngang một vòng tay ôm đặt trước sân chùa rồi tuyên bố:

- Sau khi tôi đánh ba hồi trống và đập vỡ bát hương, tất cả phải vào cuộc. Ai chống đối, không làm thì vụ này sẽ bị cắt giảm phương án ăn chia.

Tiếng trống ngũ liên từ tay Đắc như đê sắp bị vỡ. Tiếng trống ngũ liên từ tay Đắc như keo vật hội làng thúc giục các đô vào sới…

Thế mà vừa mới sáng nay, bây giờ đã lại…

Đắc và bố Tớp vốn có họ hàng rất gần về bên ngoại, chết còn phải chở tang nhau. Nén giận lắm, Đắc mới chỉ tay vào mặt bố Tớp mà bảo:

- Thế này thì bác coi thường lãnh đạo chúng tôi quá!

- Nhưng mà cậu ơi! Tôi thương con tôi đến đứt từng khúc ruột!

- Bác phải báo cáo lãnh đạo chúng tôi chứ! Bác làm thế này thì có khác nào vả vào mặt tôi? Dẹp! Dẹp hết ngay.

Dường như để khẳng định cái vị thế, uy quyền mà Đắc chưa bao giờ chịu lép, Đắc hào hùng tuyên bố:

- Tôi sẽ điều lực lượng thanh niên, dân quân trong thôn ra tìm vớt. Cái ao làng bé như cái lòng bàn tay này thì có xá gì.

Bố Tớp vừa sợ sệt, vừa thầm cảm ơn cái miệng “có gang có thép” của cậu Đắc. Đắc đứng trên bờ hai tay chống nạnh, miệng quát tháo như một vị chỉ huy:

- Tất cả dàn hàng ngang ra như thể kéo lưới. Còn mấy cậu kia, ra đây để làm mô hay sao mà đứng đực ra thế? Về ngay Văn phòng hợp tác bảo cô Là chuẩn bị dầu hỏa, đèn măng xông thắp sáng cả đêm nay.

Chiếc lưới vét bằng những thân người quét đi, quét lại không biết đã mấy chục lần khiến ao làng sôi lên ùng ục và lại một lần dậy sóng. Đêm ấy trăng lu. Mặt trăng từ lúc nhô lên khỏi rặng tre đã đỏ quạch và có một quầng màu hoàng thổ như báo hiệu một điềm gở. Đám thanh niên, dân quân dường như đã quá mệt mỏi và chán nản cứ lần lượt rồi bỏ hết lên bờ… Đến như bố thằng Tớp cũng được người nhà dìu về để khỏi phải ngất xỉu bên ao làng.

…Bây giờ chỉ còn lại mình Đắc. Vốn chưa bao giờ bị thua, bị thất bại kể cả khi phải đấu đá nhau trong ban quản trị, bao giờ Đắc cũng có thế thượng phong. Những kẻ ban đầu tỏ ra chống lại Đắc đã phải nhanh chóng quy hàng nếu còn muốn có những đặc quyền, đặc lợi. Vậy mà… Đắc linh cảm dường như trong chuyện này hình như có ma xui, quỷ ám. Ý nghĩ ấy khiến Đắc thấy lành lạnh ở nơi gáy. Dọc sống lưng mồ hôi chảy xuống ròng ròng. Đắc bước đi và cảm nhận nó không thật trên đôi chân của chính mình. Chiếc đèn măng xông lắc lư, lắc lư. Đến gốc gạo ở góc ao, nơi có một ngôi miếu cổ, chiếc đèn bỗng phụt tắt. Chẳng biết là đã hết hơi do được bơm từ chiếc pistông hay vì đã bị rụng mạng. Trời tối om. Từ trong ngôi miếu cổ, những vảy địa y, những mảng rêu phong khô kiệt phát ra thứ ánh sáng lân tinh ma quái, soi rõ hình một ngôi tượng Phật vừa lấp lánh nhũ vàng, vừa loang lổ những khoảng sơn son đỏ như màu máu. Đắc hoảng sợ, quăng vội chiếc đèn măng xông định ù té chạy. Một tiếng cạch vang lên đến rợn người và chẳng hiểu vì sao, chiếc đèn bật lại ngay chính bước chân làm Đắc ngã nhoài. Đắc lồm cồm bò dậy rồi cố lấy hết sức can đảm chạy một mạch về nhà. Bàn tay Đắc run lên bần bật, dễ phải mấy phút sau, que diêm trên tay Đắc mới châm được vào ngọn bấc để chiếc đèn tọa đăng tỏa sáng. Sau khi định thần trước ánh đèn tọa đăng, Đắc cũng kịp nhận ra dưới đũng quần của mình ướt sũng, sền sệt một bọc chất lầy nhầy, khăm khẳm.

*

Ngày ấy, các loại giấy tờ hay thư từ gửi qua đường bưu điện nhanh thì cũng phải một tuần, lâu hơn nữa thì cũng phải nửa tháng mới nhận được. Đúng cái đêm ấy thì tôi nhận được giấy báo nhập học Trường Trung cấp Sư phạm của tỉnh. Cha tôi đôn đáo, van vỉ mãi mới mượn được một chiếc xe đạp để đưa tôi đến trường. Người cho mượn xe giao hẹn chỉ cho mượn một buổi sáng, thành ra hai cha con phải dậy từ lúc ba giờ. Trời vẫn tối om, đường làng chẳng có lấy một bóng ma nào. Lúc qua ao làng tôi phải ngoảnh mặt đi, không dám nhìn xuống mặt nước trong đêm đen như màu hắc ín rồi lặng lẽ lấy tay lau nước mắt.

Trước lúc ra về, cha đưa cho tôi mấy hào bạc và dặn:

- Con phải cố gắng mà học. Chủ nhật, ngày nghỉ cũng không phải về nhà, về có đi làm thì cũng chẳng ai người ta chấm công cho, vừa tốn tiền đi lại và cũng lại tốn thêm mấy bữa cơm của cả nhà. Các em anh chúng nó cũng còn đang phải chịu đói.

Cha về rồi, một mình tôi ôm mặt khóc. Khóc chán, tôi định bỏ về không học nữa. Nhưng…

Tới trường, tôi có thêm những bạn bè mới. Tuổi trẻ thường dễ quên, nhưng những niềm đau thì không thể. Tôi rất ít về nhà, ngay cả những tháng hè. Mỗi lần từ bến xe phố huyện về nhà tôi, bắt buộc phải qua ao làng, khi trở về trường tôi từng mất ngủ tới cả tuần. Vì tôi ít về nên nhiều khi bà nội vẫn chửi cha tôi:

- Mày là thằng mang con bỏ chợ!

…Rồi tôi cũng ra trường, được điều động về một tỉnh miền núi xa xôi.

Dường như có một thời thế hệ chúng tôi đã phải sống ì ạch, thiếu thốn mọi thứ trong đó có thông tin.

Thằng Tớp vẫn sống sờ sờ. Mới đây, sau khi đã nghỉ hưu mới gặp lại, nó cười phớ lớ mà bảo:

- Ngày trước mày cốc vào đầu tao, bảo tao là “Mày ngu bỏ mẹ”. Bây giờ thì đến lượt tao. Chẳng lẽ bạn bè lâu ngày mới gặp nhau, tao lại đấm thẳng vào mặt mày và bảo “Mày mới là kẻ ngu lâu!”. “Cạch”. Hai cái đầu tóc đã hoa râm cùng ngửa lên, uống cạn chén rượu sau nửa thế kỷ gặp nhau của hai kẻ giữa cõi âm - trần.

…Lúc bị chúng mày “đánh bí”, tao vẫn đ... tin là những pho tượng Phật đã chết. Tao lặn một hơi về góc ao nơi các tượng Phật bị ném xuống để kiểm chứng. Tao rúc đầu vào cả một đống bùn nhão nhoét quờ quạng… Không thể chịu lâu hơn được nữa nên mới ngoi lên, chỉ ngửa mỗi cái mũi để lấy hơi rồi lại lặn tiếp. Lúc tao bơi về phía cầu ao, nghe thấy chúng mày hét lên rồi chạy mất. Đúng là một lũ nhát gan.

Tao thấy khắp thân mình như được phủ một lớp keo mà cọ mãi cũng không sạch, rồi tao trốn vào ngôi miếu cổ. Đang đói bụng, thấy có đĩa xôi, nải chuối của nhà ai vừa mới thắp hương nên chén sạch, sau đó chui vào gậm ban thờ lăn ra đánh một giấc. Lúc tỉnh dậy, thấy có ánh đèn măng xông rồi bỗng dưng phụt tắt, lại nghe như tiếng có một cây chuối đổ và những bước chân hoảng hốt thình thịch chạy, tao mới ba chân bốn cẳng chạy về nhà. “Cạch”. Hai cái đầu tóc đã hoa râm cùng ngửa lên, uống cạn chén rượu sau nửa thế kỷ gặp nhau của hai kẻ giữa cõi âm - trần.

- Mày đã góp phần làm cho ao làng dậy sóng!

- Mày đi khỏi làng đã lâu nên không biết hết chuyện. Cái mà mày bảo là ao làng dậy sóng ngày xưa chỉ là chuyện ấu trĩ của một thời.

Cách đây khoảng chục năm, đất đai ở vùng này đội giá lên kinh khủng. Đúng là tấc đất tấc vàng. Người ta đã cho lấp ao làng với mục đích giãn dân. Thực ra cũng không nằm ngoài toan tính của những kẻ trục lợi. Họ đã “đi đêm” với nhau hết cả rồi. Nhiều nhà đông con, có nhu cầu cấp thiết về đất ở, nhưng đem vặn răng của tất cả cha con, ông cháu cũng không đào đâu ra ba trăm triệu đồng cho một lô sáu mươi mét vuông với giá khởi điểm đấu thầu. Một đội ngũ quân xanh, quân đỏ lẫn lộn được hình thành. Ấy là chưa kể chuyện kiểm phiếu không khác gì trò cờ bạc bịp. Ba Đắc là một tay ăn bẩn nhất. Những người được Đắc hứa sau khi trúng thầu và làm hợp đồng chuyển nhượng sẽ được trả công ba mươi triệu đồng. Không đủ tiền mua, đến dự và bỏ thầu chừng hơn một tiếng đồng hồ đã có ba mươi triệu đồng thì ai chả muốn. Trò đời tham thì thâm. Ba Đắc đã không nuốt trôi năm lô đất vì bội ước. Chuyện vỡ lở, dường như ở đâu chuyện đất ao làng vẫn là đề tài khởi đầu và nóng bỏng. Những lá đơn nặc danh, cá nhân hay có chữ ký của tập thể gửi vượt cấp liên tục khiến huyện, tỉnh phải vào cuộc.

Đây mới chính là con sóng lớn nhất của ao làng từ trước đến nay.

- Thế rồi xử lý ra sao?

- Mày về quê lần này, đi qua ao làng chắc là không để ý. Một nửa ao bây giờ là nhà trẻ liên thôn, một nửa ao là nhà văn hóa.

- Còn lão Đắc bây giờ thế nào?

- Sau vụ ấy, chắc là tiếc của nên lão mắc chứng trầm cảm. Bây giờ lẩn thẩn, cả ngày cứ ra ngẩn vào ngơ. Kể cũng tội.

Sau khi đã cơm no, rượu say, tôi và Tớp thả bộ ra vị trí của ao làng rồi cùng ngồi bệt trước cổng nhà trẻ. Nơi cái cầu ao kê bằng những phiến đá tảng đã chứng kiến một thuở thiếu thời của chúng tôi và ao làng đã từng dậy sóng.

Cả hai đứa cùng phanh áo ngực, đón ngọn gió rười rượi và hây hẩy.

Truyện ngắn của Triệu Văn Đồi

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/ao-lang-day-song-510546/