'Áo khoác vàng' tuần 18 ở Paris: Bạo lực và nạn hôi của bùng phát

Cảnh sát Pháp phải dùng đạn hơi cay để giải tán những đám đông biểu tình được cho là quá khích. Hàng chục người bị bắt trong các vụ đập phá cửa hiệu, tấn công lực lượng an ninh.

Sau nhiều tuần thoái trào, làn sóng biểu tình "áo khoác vàng" tại Pháp đã tăng nhiệt trở lại vào ngày 16/3 với một cuộc biểu tình quy mô lớn ngay giữa thủ đô Paris. Cuộc tuần hành ôn hòa nhanh chóng leo thang bạo lực với hàng loạt vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Ảnh: AFP.

Sau nhiều tuần thoái trào, làn sóng biểu tình "áo khoác vàng" tại Pháp đã tăng nhiệt trở lại vào ngày 16/3 với một cuộc biểu tình quy mô lớn ngay giữa thủ đô Paris. Cuộc tuần hành ôn hòa nhanh chóng leo thang bạo lực với hàng loạt vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Ảnh: AFP.

Bạo lực bùng phát tập trung tại khu vực đại lộ Champs-Elysees, điểm nóng nhất trong 18 tuần biểu tình liên tiếp của phong trào "áo khoác vàng". Người biểu tình đập phá và hôi của tại nhiều cửa hàng dọc theo đại lộ trung tâm thành phố, gần Khải Hoàn Môn. Trong ảnh, nhà hàng Fouquet bị người biểu tình phá hoại. Ảnh: AFP.

Những nhóm lãnh đạo phong trào "áo khoác vàng" muốn khôi phục lại bầu không khí của cuộc biểu tình đã kéo dài suốt gần 4 tháng qua. Lần biểu tình mới nhất trùng với thời điểm chấm dứt hai tháng "tranh luận xã hội" mà Tổng thống Emmanuel Macron tổ chức nhằm giảm bức xúc của người dân. Ảnh: AFP.

Cuộc biểu tình của làn sóng "áo khoác vàng" ngày 16/3 được đặt tên là "Hành động thứ 18 - Tối hậu thư - Toàn thể nước Pháp trong lòng Paris". Người biểu tình bày tỏ bức xúc rằng những thông điệp từ ngày đầu tiên, kêu gọi bình đẳng kinh tế và xã hội, chăm lo nhiều hơn cho đời sống của tầng lớp bình dân vẫn không được lắng nghe. Thay vào đó, chính quyền chỉ đáp trả bằng vũ lực. Ảnh: AFP.

Cuộc biểu tình tuần này còn trùng với hàng loạt sự kiện tuần hành khác tại Paris khiến số người tham gia biểu tình tăng đột biến, trong đó có sự kiện "Tuần hành thế kỷ" về các vấn đề biến đổi khí hậu và "Tuần hành đoàn kết" phản đối cảnh sát lạm dụng vũ lực và các hình thức phân biệt chủng tộc. Cảnh sát đã được tăng cường để đảm bảo an ninh trong ngày 16/3. Ảnh: AFP.

Theo hãng tin AP, cảnh sát Paris đã bắt giữ ít nhất 20 người biểu tình tính đến trưa 16/3. Lực lượng an ninh còn phong tỏa nhiều tuyến đường, bố trí lực lượng rải rác tại khu vực bờ tây sông Seine. Số người biểu tình tuần trước trên toàn nước Pháp được ước tính khoảng 28.000 người, chỉ gần bằng 1/10 số người tham gia cuộc biểu tình đầu tiên vào ngày 17/11. Ảnh: AFP.

Người biểu tình xem đợt xuống đường lần này tại Paris là "tối hậu thư" để Tổng thống Macron đáp ứng các yêu sách về phúc lợi xã hội và bình đẳng kinh tế. Nhiều nhà quan sát lo ngại phong trào sẽ chuyển hướng bạo lực mạnh mẽ hơn trong các tuần kế tiếp, tương tự như giai đoạn đầu tiên của phong trào "áo khoác vàng". Ảnh: AFP.

Gần 5.000 cảnh sát đã được điều động tại Paris. Lực lượng an ninh còn thiết lập một hành lang bảo vệ xung quanh đại lộ Champs-Elysees. Họ còn sử dụng vòi rồng để giải tán các đám đông. Lực lượng an ninh tập trung ở khu vực gần Khải Hoàn Môn và đài tưởng niệm liệt sĩ để ngăn người biểu tình đập phá các di tích quốc gia. Ảnh: AFP.

Nhóm người biểu tình quá khích thường mang mặt nạ đen trùm kín đầu, đập phá các cửa hiệu dọc theo đại lộ Champs-Elysees, tấn công cảnh sát bằng gạch đá. Nhiều người còn hung hăng đe dọa sẽ đến tận phủ tổng thống gần đó để bắt ông Macron. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner lên án các hành vi bạo lực được thực hiện và tổ chức bởi "các thành phần gây rối chuyên nghiệp" đã trà trộn vào cuộc biểu tình ngày 16/3. Ông cho biết đã yêu cầu cảnh sát đáp trả "với mức độ cứng rắn cao nhất", gọi những hành vi bạo động là không thể chấp nhận được. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Macron hồi tháng 12/2018 đã nhượng bộ người biểu tình khi cam kết giải ngân 11,2 tỷ USD ngân sách thông qua các biện pháp miễn giảm thuế và phúc lợi. Ông còn mở chương trình "cuộc thảo luận lớn" trên Internet và các cuộc hỏi đáp để lấy ý kiến người dân. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, những người ủng hộ "áo khoác vàng" dường như đã hết kiên nhẫn. Họ cho rằng ông Macron vẫn ưu ái cho giới nhà giàu và tìm cách trì hoãn đáp ứng nguyện vọng của tầng lớp bình dân. "Chúng tôi đã kiên nhẫn đủ rồi, giờ chúng tôi muốn kết quả", Laurent Casanova, một kỹ sư tham gia biểu tình, trả lời AFP. Ảnh: Reuters.

90s: Paris - kinh đô ánh sáng thành bãi chiến trường trong bạo loạn Paris và các công trình nổi tiếng của nó trở thành "nạn nhân" trước cuộc bạo loạn "áo khoác vàng" phản đối chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron.

Thanh Danh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ao-khoac-vang-tuan-18-o-paris-bao-luc-va-nan-hoi-cua-bung-phat-post926148.html