Áo ghi-lê vàng và vòng lẩn quẩn của nước Pháp

Phong trào Áo ghi-lê vàng phản đối chính phủ Pháp tăng giá nhiên liệu đã biến thành cuộc biểu tình quy mô lớn nhắm vào chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron trong những tuần gần đây.

Phong trào "Áo ghi-lê vàng" phản đối chính phủ Pháp tăng giá nhiên liệu đã biến thành cuộc biểu tình quy mô lớn nhắm vào chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron trong những tuần gần đây.

Được thúc đẩy bởi sự giận dữ của người dân tại các vùng nông thôn nghèo của Pháp, làn sóng biểu tình phản đối tăng thuế nhiên liệu và tình trạng bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng đã biến thủ đô Paris thành "chiến trường" của các vụ đụng độ bạo lực, với đỉnh điểm là những gì xảy ra hôm 1-12. Ít nhất 3 người thiệt mạng, 260 người bị thương và hơn 400 người bị bắt trong các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều địa phương trong hơn 3 tuần qua.

Phong trào "Áo ghi-lê vàng" có tên gọi như thế vì người ủng hộ mặc áo ghi-lê an toàn màu vàng có trên mọi chiếc xe ở Pháp. Ra đời vào tháng rồi, phong trào này dường như không có người đứng đầu, thiếu sự tổ chức chặt chẽ và dựa chủ yếu vào truyền thông xã hội. Thành phần chủ yếu là người dân lao động giận dữ trước sự sụt giảm của chất lượng sống và biện pháp tăng thuế nhiên liệu giống như giọt nước tràn ly.

Những thông tin được đăng tải lên mạng xã hội của phong trào này nhắm vào hàng loạt vấn đề xã hội như thuế, trợ cấp nhà ở, luật lao động, an sinh xã hội, tình trạng thất nghiệp đang tăng trong giới trẻ, chi phí sống ngày một cao... Tuy nhiên, vấn đề nóng thổi bùng làn sóng phản đối ra khỏi vùng nông thôn và trở thành phong trào chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron là chi phí nhiên liệu và các loại thuế mà người điều khiển phương tiện phải gánh ngày càng tăng. Không ít người chỉ trích ông chủ Điện Elysee ưu ái người giàu và đô thị lớn, và kêu gọi ông từ chức. Ông Rémy Heitz, công tố viên Paris, cho biết những người biểu tình bị bắt giữ chủ yếu là nam giới trong độ tuổi 30-40. Một số người trong số này thuộc hai phe cực hữu và cực tả.

Thách thức mà chính quyền ông Macron đang đối mặt là những phe phái khác nhau của phong trào đang có thêm những đòi hỏi khác nhau bên cạnh yêu cầu chung là chất lượng sống tốt hơn. Một số người giận dữ gọi các chính sách thuế của Paris là không công bằng, có lợi cho người giàu và không giúp ích gì cho người nghèo. Trong khi đó, nhiều người khác tập trung vào đòi hỏi tăng lương tối thiểu và giảm chi phí an sinh xã hội cùng các dịch vụ liên quan.

Tình hình có nguy cơ xấu thêm bởi có nhiều người ủng hộ phong trào trên nhiều khả năng sẽ đổ ra đường biểu tình. Nhiều học sinh trung học hôm 3-12 bắt đầu xuống đường để cùng với các thành viên phong trào "Áo ghi-lê vàng" trút giận lên chính quyền.

Trở về từ Hội nghị Cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 2-12 đối mặt cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng. Sau khi thị sát cảnh tượng hoang tàn tại đại lộ Champs-Élyseés, ông Macron cam kết sẽ đưa những người bạo động ra trước công lý. Ngoài ra, người phát ngôn chính phủ Benjamin Griveaux cho biết đang cân nhắc áp đặt tình trạng khẩn cấp để ngăn bạo động tái diễn.

Phong trào "Ghi-lê vàng" làm rúng động nước Pháp

Ông Macron không ít lần tuyên bố sẽ không nhượng bộ các cuộc biểu tình mà rút lại những chính sách được ông quảng bá là giúp biến đổi và đưa đất nước thoát khỏi tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng (tỉ lệ thất nghiệp hiện ở mức gần 10%) và kinh tế tăng trưởng khiêm tốn chậm trong nhiều thập kỷ qua (dự báo 1,6% năm 2018). Vấn đề là những chính sách như thế bị xem là làm mất lòng tầng lớp người lao động và sức ép đang tăng lên ông Macron trong việc lắng nghe, xoa dịu người biểu tình. Trước mắt, nhà lãnh đạo này đã đề xuất một số nhượng bộ nhỏ, như xem xét thuế nhiên liệu trong trường hợp giá dầu thế giới tăng.

Người phát ngôn chính phủ hôm 2-12 khẳng định ông Macron vẫn để ngỏ khả năng đối thoại nhưng không đảo ngược các cải cách chính sách của mình. Hiện vẫn còn quá sớm để biết liệu Tổng thống Pháp đương nhiệm có chịu nhượng bộ lâu dài các cuộc biểu tình ngoài đường phố như những người tiền nhiệm hay không.

"Ông Emmanuel Macron nghĩ rằng các tổng thống trước mình đã cải cách thất bại vì chịu khuất phục trước sức ép của làn sóng biểu tình ngoài đường phố. Ông nghĩ rằng phong trào này sẽ suy yếu và bạo lực bùng phát sẽ khiến họ mất uy tín trong mắt dư luận" - nhà sử học Gérard Noiriel, nhận định.

Dù vậy, ông Bernard Sananès, Chủ tịch tổ chức thăm dò Elabe, chỉ ra rằng cái khó của ông chủ Điện Élyseé là "hiện tồn tại 2 nước Pháp, trong đó có một nước Pháp đang cảm thấy bị bỏ lại phía sau và đi xuống về kinh tế - xã hội".

Nhiều cuộc thăm dò dư luận công bố tuần rồi cho thấy 70%-80% người Pháp đồng cảm với nhận định của phong trào "Áo ghi-lê vàng", theo đó chính quyền ông Macron chỉ tập trung đối phó biến đổi khí hậu bằng cách thúc đẩy sử dụng nhiên liệu hiệu quả và tăng thuế nhiên liệu. Mục tiêu này bị xem là quá xa vời so với nỗi lo cơm áo gạo tiền của tầng lớp lao động.

Những hoạt động biều tình của "Áo ghi-lê vàng" trên nước Pháp

Không ít người trong số này buộc phải chuyển đến vùng ngoại ô của các thành phố lớn để giảm bớt chi phí sinh hoạt. Điều này khiến họ càng phụ thuộc nhiều hơn vào ôtô để đi làm và phục vụ những mục đích khác.

Vì thế, bất kỳ biện pháp tăng thuế nhiên liệu nào cũng tác động không nhỏ đến cuộc sống của người sống ở ngoại ô hoặc các ngôi làng nhỏ xa xôi. Giới chức Pháp đã đề xuất tăng hỗ trợ tiền mua xe tiết kiệm nhiên liệu và lắp đặt hệ thống sưởi ít gây ô nhiễm hơn nhưng phe biểu tình cho rằng như thế vẫn chưa đủ.

Các cuộc biểu tình đang khiến uy tín ông Macron xuống thấp kỷ lục và đẩy ông vào thế khó. Ông Gael Sliman, chủ tịch Viện thăm dò Odoxa, cho rằng nhà lãnh đạo này chỉ có 2 lựa chọn "từ thua đến thua": Một là ông chịu nhượng bộ người biểu tình và đối mặt nguy cơ bị các đối thủ chính trị chỉ trích là yếu đuối. Một lựa chọn khác là trấn áp người biểu tình, đe dọa khiến khủng hoảng leo thang.

Cảnh sát Pháp cởi bỏ mũ bảo hiểm làm hòa với người biểu tình

Người biểu tình đã kêu gọi giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Tuy nhiên, kịch bản này khó xảy ra bởi ông Macron vẫn còn 3,5 năm cầm quyền và nắm đa số ghế tại quốc hội. Ông Jerome Saint-Mariecho, giám đốc tổ chức nghiên cứu Pollingvox, cho biết hiện chưa rõ các cuộc biểu tình kéo dài đến đâu nhưng sự bất mãn, giận dữ đối với các chính sách chính phủ "sẽ không sớm tan biến".

Thực hiện:

Phương Võ - Lê Duy - Thanh Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

[eMagazine] - Đinh Ứng Phi Trường: Gã nghiện đỏ đen, thừa chất ngôn tình

[eMagazine] Chống dịch covid-19: Thế giới nói gì về Việt Nam? [PHẦN CUỐI]

[eMagazine] Chống dịch Covid-19: Cân não giành sự sống cho phi công người Anh [PHẦN 3]

[eMagazine] Chống dịch Covid-19: Điều khó tin ở TP HCM (PHẦN 2)

[eMagazine] Chống dịch Covid-19: Việt Nam khiến thế giới kinh ngạc!

Chỉ cần những thao tác đơn giản, người tiêu dùng sẽ có cơ hội nhận cả ký vàng

Dũng "chíp" đăng quang Quả bóng vàng xứng đáng

[eMagazine] Nhạc sĩ Phú Quang - "Thổ dân" của Hà Nội

Những điều đặc biệt về chuyến bay mang tên Bác Hồ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ao-ghi-le-vang-va-vong-lan-quan-cua-nuoc-phap-20181204163550032.htm