Áo dài Việt Nam cần một hành lang an toàn

Thông tin chiếc áo dài Việt Nam bị thương hiệu thời trang hàng đầu Trung Quốc - Nei Tiger đưa lên sàn diễn với sự hào hứng 'phong cách Trung Quốc', đã khiến những người yêu vẻ đẹp trang phục truyền thống phụ nữ Việt Nam không kiềm nén được bức xúc...

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhà tạo mẫu Minh Hạnh chia sẻ: "Không chỉ có Nei Tiger, nhiều bộ sưu tập áo dài khác cũng đã và đang được giới thiệu ở Trung Quốc như là thành quả sáng tạo của họ!".

Nhãn hàng thời trang Nei Tiger thuộc tập đoàn may mặc do ông Zhang Zhifeng thành lập 1982 và đăng ký thương hiệu từ năm 1992. Nei Tiger có thị phần lớn nhất trong các nhãn hàng thời trang nội địa của Trung Quốc. Tại tuần lễ thời trang xuân - hè 2020 Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, nhãn hàng thời trang Nei Tiger đã tung ra các bộ sưu tập với những sản phẩm áo dài y hệt của người Việt Nam nhưng được xưng tụng "phong cách Trung Quốc".

Cuộc trình diễn áo dài ấy có nên xem như "cơn bão trong tách trà" không? Hoàn toàn không! Văn hóa không phải chuyện đùa, và không nên xem là chuyện đùa. Trung Quốc muốn chiếm dụng chiếc áo dài của Việt Nam chăng? Không thể dùng "thuyết âm mưu" để nói về một hiện tượng chưa rõ ràng.

Nam Phương hoàng hậu trong trang phục áo dài.

Nam Phương hoàng hậu trong trang phục áo dài.

Thế nhưng, nếu hôm nay người Việt Nam không có cách bảo vệ chiếc áo dài, thì ngày mai chưa chắc còn được thế giới công nhận bản quyền thuộc về nước ta. Số phận của chiếc áo dài có thể cũng sẽ giống như cây đàn bầu cách đây vài năm đã được Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quang Hải cảnh tỉnh về việc Trung Quốc đề nghị UNESCO công nhận là nhạc cụ dân tộc của họ!

Chiếc áo dài Việt Nam đã rất quen thuộc trong mắt bạn bè quốc tế. Thế nhưng, để xác lập bản quyền cho chiếc áo dài lại không hề đơn giản. Bản vẽ đầu tiên của chiếc áo dài với tên gọi Lemur được họa sĩ Nguyễn Cát Tường công bố trên báo Phong Hóa số 90, ra ngày 23/3/1934. Ngay lập tức áo dài Lemur trở thành một cơn sốt.

Từ cửa hiệu nhỏ của vợ chồng họa sĩ Nguyễn Cát Tường tại Hà Nội, chiếc áo dài đã bay khắp Việt Nam, len từ khu phố bình dân đến cung đình. Hoàng hậu Nam Phương cũng sắm hàng chục chiếc áo dài để chưng diện thường xuyên. Chiếc áo dài được xem là một cuộc cách tân lớn cho trang phục phụ nữ Việt Nam. Trên báo Phong Hóa số ra ngày 30/1/1935, nhà văn Thạch Lam viết: "Y phục mới bây giờ hơn y phục xưa ở vẻ dịu dàng và tươi vui.

Ngày trước cốt che khuất thân thể, che khuất cái dáng tự nhiên của thân thể, thay vào là cái dáng của quần áo lụng thụng. Bây giờ cốt làm cho cái dáng điệu thân thể tự nhiên phô bày, hay chữa cái dáng ấy cho được uyển chuyển hơn". Còn trên báo Ngày Nay số ra ngày 20/3/1935, ký giả Phan Thị Nga viết: "Phong trào sửa đổi y phục tiêu biểu cho hình thức đã rõ rệt. Vì sao phong trào ấy mới sôi nổi mà đã có sức tràn chóng thế? Cũng bởi người ta sinh ra dù mọi rợ đến đâu đi nữa cũng có bản năng chuộng cái hoàn mỹ. Kiểu áo dài Cát Tường đã làm cho chị em thêm vẻ diễm lệ ở nét mặt, thêm phần thướt tha, đầy đặn ở hình vóc, thêm bề yểu điệu và uyển chuyển cho dáng đi".

Theo thời gian, nhiều người cũng góp phần hoàn thiện thêm chiếc áo dài về kiểu dáng, nhưng thần thái vẫn dựa trên thiết kế của họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Ngày 17/2/1946, họa sĩ Nguyễn Cát Tường qua đời ở độ tuổi 34. Cả 5 người con của họa sĩ Nguyễn Cát Tường đều không nối nghiệp cha, nên đến nay vẫn không ai đăng ký sở hữu trí tuệ đối với chiếc áo dài Lemur.

Trong nước, không ai giành bản quyền với họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Còn ngoài nước thì sao? Dù chiếc áo dài đã xuất hiện ở nhiều nơi trên hành tinh, nhưng duy nhất được thừa nhận ngoài biên giới là cuốn "Đại từ điển Danh nhân Thế giới" do Nhật Bản ấn hành năm 2013, ghi nhận họa sĩ Nguyễn Cát Tường là tác giả của chiếc áo dài Việt Nam: "Chính ông khởi xướng việc cách tân y phục phụ nữ truyền thống của dân tộc mình. Những kiểu áo dài do ông nghĩ ra có ảnh hưởng lớn đến lối thiết kế áo dài hiện đại".

Chiếc áo dài vượt qua ý nghĩa trang phục, để lan tỏa vào đời sống tinh thần người Việt Nam như một biểu tượng thẩm mỹ. Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã cảm tác: "Tháng giêng em áo dài trang nhã/ Tỉnh lỵ còn nguyên nét Việt Nam/ Đài các chân ngà ai bước khẽ/ Quyện theo tà lụa cả phương Đông". Còn thi sĩ Nguyên Sa đã run rẩy: "Có phải em mang trong áo bay/ Hai phần gió nổi một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn sương trắng bay".

Chiếc áo dài Việt Nam được nhân loại đánh giá sự đặc trưng ngang với kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc và sườn xám của Trung Quốc. Cụ thể hơn, chiếc áo dài được ghi rõ "ao dai" cùng với hai từ nữa là "pho" (phở) và "banh mi" (bánh mì) được giữ nguyên âm tiếng Việt trong từ điển Oxford, như một đặc trưng văn hóa Việt Nam.

Mẫu áo dài đầu tiên do họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ năm 1934.

Thế nhưng, nếu Trung Quốc muốn chiếm dụng luôn chiếc áo dài thì chúng ta phải làm sao? Hãy nhớ rằng, nền văn minh Trung Quốc có kỹ thuật tơ lụa rất sớm, sư tổ ngành dệt của họ là Hoàng Đạo Bà từ thế kỷ 12 đã thiết lập thị trấn vải Ô Nê Kinh lừng lẫy.

Hơn nữa, công tác bảo tồn và bảo tàng của Trung Quốc rất tinh vi. Trung Quốc bây giờ vẫn còn lưu giữ nhiều loại vải sợi có tuổi đời hàng trăm năm. Nếu muốn tạo ra lịch sử khác, họ có thể chế tác ngay một mẫu áo dài mà đem ra phân tích bằng công nghệ hóa nghiệm hiện đại nhất thế kỷ 21 vẫn chứng minh được chất liệu ấy có tuổi đời trước chiếc áo dài Lemur của họa sĩ Nguyễn Cát Tường.

Vậy, cách nào để bảo vệ chiếc áo dài Việt Nam? Chỉ còn cách nhanh chóng công nhận chiếc áo dài là quốc phục Việt Nam. Nhà tạo mẫu Việt Hùng quan niệm: "Khi muốn đưa một sự việc nào đó ra ánh sáng, chúng ta phải nói có sách, mách có chứng rõ ràng. Nhưng hiện tại, áo dài vẫn chưa được công nhận trên mặt giấy tờ. Hiện tại, chúng chỉ là trang phục mang tính đại chúng, được người Việt Nam mặc nhiều nhất. Vì thế, tôi nghĩ công nhận áo dài là quốc phục của người Việt Nam là việc rất cần thiết. Khi chưa công nhận áo dài là quốc phục trên giấy tờ thì những tranh cãi sẽ còn kéo dài. Cuộc chiến văn hóa trong thời kỳ tranh sáng, tranh tối này quả thật sẽ rất khó khăn".

Trách nhiệm công nhận chiếc áo dài là quốc phục Việt Nam, không thể do bất kỳ cá nhân nào gánh vác, mà ngành văn hóa, Chính phủ và Quộc hội phải có những động thái đúng đắn và phù hợp. Nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng nhấn mạnh: "Tôi đã được đi tham dự chương trình giới thiệu ngày văn hóa Việt Nam tại nhiều quốc gia, tôi nhận thấy tư thế của Việt Nam sau khi thoát ra khỏi chiến tranh vẫn còn nhiều bộn bề, khó khăn. Hầu như các cuộc tiếp xúc ngoại giao từ các nước đều nhằm tìm kiếm các nguồn quỹ về kinh tế. Điều khiến thế giới trọng nể nước ta ngoài bề dày chiến thắng trong lịch sử còn về văn hóa, và áo dài là một trong những tín hiệu dễ nhận biết, thu được cảm tình ngay lập tức. Người ta không chỉ dừng lại ở sự chiêm ngưỡng, lưu giữ mà còn muốn mặc nó. Với áo dài Việt thì tôi "thương" chứ không phải "yêu".

Nếu "yêu", thì sẽ có lúc hết "yêu" nhưng "thương" thì lại khác, nó nặng tình nặng nghĩa, như cha mẹ với con cái trong gia đình vậy, không bao giờ chia lìa được. Dù cho chưa một văn bản nào xác nhận áo dài là quốc phục của Việt Nam, song chỉ cần thấy một bóng áo dài ở đâu đó bên ngoài mảnh đất hình chữ S thì ai cũng có thể nhận ra ngay người mặc chắc chắn mang dòng máu Việt. Vì vậy, áo dài có tính biểu tượng rất cao, đồng thời nó cũng nâng lên lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người khi mặc áo dài".

Tuy Hòa

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/ao-dai-viet-nam-can-mot-hanh-lang-an-toan-578924/