Áo dài nam và câu chuyện bảo tồn

Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế thử nghiệm cho cán bộ nam mặc áo dài ngũ thân đi làm vào các ngày đầu tuần của tuần đầu tháng. Thử nghiệm này gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, người ủng hộ, cho rằng đó là một cách để lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Người phản đối thì đưa ra các lý do vì sự bất tiện của áo dài trong cuộc sống hiện đại, gợi lại những tàn dư của văn hóa phong kiến.

Từ câu chuyện áo dài nam ở Huế

Trong khi áo dài nữ được tôn vinh và hiện diện rộng rãi trong đời sống hiện đại, trong các sự kiện văn hóa, trong sinh hoạt hàng ngày thì áo dài nam gần như vắng bóng, nếu không nói là bị lãng quên. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa, lý do một số người phản đối việc nam mặc áo dài truyền thống vì một thời kỳ, mọi người xem các giá trị đó là cổ hủ, tàn dư của văn hóa phong kiến. Thậm chí, áo dài nam bị sử dụng một cách méo mó trên sân khấu truyền thống, gắn liền với hình ảnh của những lý trưởng, cường hào ác bá. Thế nên dư luận sẽ có cách nhìn nhận sai khi thấy nam giới mặc áo dài.

Nam công chức ở Huế mặc áo dài để giữ gìn văn hóa truyền thống.

Nam công chức ở Huế mặc áo dài để giữ gìn văn hóa truyền thống.

Theo ông Hoa, áo dài truyền thống dành cho nam giới rất trang trọng, uy nghiêm vào thời nhà Nguyễn. Những vị quan trong triều hoặc người có chức sắc trong làng xã đều mặc áo dài. Cùng đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cũng cho rằng: “Tôi ủng hộ đề xuất của Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên -Huế, tôi thấy ý kiến phản đối của mọi người là vì họ chưa hiểu về áo dài, không biết đến áo dài ngũ thân truyền thống đúng kiểu phong cách Huế của nhà Nguyễn. Mọi người chỉ biết đến áo dài qua những vở kịch, bộ phim, áo dài nam ở đó không phải truyền thống mà đã biến đổi, cách tân. Như áo dài ông lý trưởng mặc trong vở “Quan âm Thị Kính" khác xa với áo dài ngũ thân truyền thống. Đi guốc mộc cũng chỉ là hình tượng trên sân khấu, ta áp đặt cho áo dài mà thôi”.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên- Huế, áo dài nam ngũ thân được sinh ra ở Huế với cuộc cải cách trang phục vào năm 1744 của chúa Nguyễn Khoát. Chiếc áo dài ngũ thân dành cho mọi tầng lớp trong xã hội bên cạnh lễ phục. Đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã đưa áo dài ngũ thân dành cho nam thành quốc phục và từ đó, nam giới từ Bắc tới Nam đều mặc, không phân biệt tuổi tác, chức sắc. Vì thế, việc cán bộ nam mặc áo dài ngũ thân ngày nay là bình thường. “Áo dài ngũ thân rất thoải mái, dễ chịu, không hề gây cản trở trong công việc như mọi người nghĩ. Tôi thường mặc áo dài trong những buổi tiếp khách nước ngoài và họ rất thích vì Việt Nam vẫn giữ được bản sắc riêng của mình”, ông Hải khẳng định.

Nhóm xẩm Hà Thành đưa xẩm vào đời sống đương đại.

Nhà thiết kế áo dài Đức Hùng, người luôn chọn áo dài truyền thống khi tham gia các sự kiện quan trọng cho rằng: “Áo dài Việt cần được gìn giữ và phát triển. Đó là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Việc các cán bộ nam ở Huế mặc áo dài ngũ thân là cơ hội quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam, chúng ta nên khuyến khích để áo dài Việt và văn hóa Việt luôn được hiện diện đậm đặc trong đời sống hôm nay”.

Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế thử nghiệm cho các cán bộ nam mặc áo dài nam truyền thống với mong muốn đưa các giá trị văn hóa cổ truyền sống trong đời sống hiện đại. Bởi văn hóa truyền thống chỉ thực sự sống và có giá trị khi nó hiện diện trong đời sống hôm nay theo một cách nào đó. Nếu không chúng ta chỉ để trưng bày trong bảo tàng và đứng từ xa để ngắm mà thôi. Vấn đề đặt ra ở đây là bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống như thế nào để phù hợp với dòng chảy đương đại khi đời sống luôn thay đổi.

Đến việc bảo tồn các giá trị truyền thống

Văn hóa truyền thống và những giá trị của nó sẽ góp phần làm nên bản sắc của một cá nhân, rộng hơn là một dân tộc. Đó là cách một cá nhân, một dân tộc định vị mình trong xu hướng toàn cầu hóa để hòa nhập mà không bị hòa tan. Truyền thống chỉ có giá trị khi nó được hiện diện trong đời sống hôm nay. Đó là một bài toán khó đối với những người làm văn hóa.

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, cách tôn vinh truyền thống tốt nhất chính là đưa truyền thống vào cuộc sống đương đại; khi làm được điều đó, truyền thống ấy sẽ mang lại giá trị to lớn cho hiện tại. Anh cho rằng: “Nếu góp được phần bảo tồn chiếc áo dài nam truyền thống mà những công chức ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên - Huế chịu một chút xíu bất tiện (nếu có) trong một ngày của một tháng thì nó có đáng để đánh đổi không?”.

Ở Việt Nam nhiều năm qua, ngành văn hóa vẫn loay hoay câu chuyện làm thế nào để bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống. Chúng ta tự hào là một đất nước giàu bản sắc văn hóa, nhưng trước sự xâm lăng mạnh mẽ của văn hóa nước ngoài, liệu chúng ta có đứng vững nếu không có những quyết định mạnh mẽ hơn về vấn đề bảo tồn và phát triển?

Những họa sắc Việt từ tranh hàng trống.

Trở lại câu chuyện mặc áo dài nam ở Huế. Thực ra, áo dài nam rất phù hợp với không gian trầm mặc của Huế. Không có lý do gì để không thử nghiệm và chắc chắn, trong quá trình sử dụng sẽ không tránh khỏi những bất tiện. Vấn đề là thái độ ứng xử của chúng ta đối với các giá trị cổ truyền như thế nào để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Như câu chuyện Hội An là một minh chứng sống động cho vấn đề này. Thực tế, hiện nay chỉ có phố cổ Hội An làm tốt điều đó, khi giữ lại được những ngôi nhà cổ và không gian văn hóa đặc trưng của Hội An và phát triển du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước. Câu hỏi đặt ra là, vì sao ở một đất nước có rất nhiều làng cổ đẹp, có giá trị như Đường Lâm, Cự Đà, nhưng chỉ có Hội An làm được điều đó? Chính những người dân Hội An phải chấp nhận hy sinh những tiện nghi của cuộc sống hiện đại, để bảo vệ và giữ nguyên nếp nhà xưa của mình. Còn Cự Đà, Đường Lâm đã biến đổi trong cơn lốc đô thị hóa. Đó là một mất mát lớn về văn hóa.

Nhìn rộng ra câu chuyện bảo tồn, các thế hệ họa sĩ thành danh của Việt Nam như họa sĩ Tô Ngọc Vân, họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Thành Chương… đều lấy nền tảng văn hóa truyền thống để kể câu chuyện của mình. Và vì thế, họ thành công và đi ra được thế giới. Phát triển văn hóa truyền thống không phải bê nguyên truyền thống đưa vào đương đại mà tiếp biến nó để phát triển. Đó là cách nhiều bạn trẻ hôm nay đang thực hiện. Nhóm Họa sắc Việt, do kiến trúc sư Nguyễn Thu Trang làm thủ lĩnh chọn cách tiếp cận truyền thống rất hiện đại. Thế hệ hôm nay ít người biết đến các dòng tranh dân gian Việt Nam như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống…

Bên cạnh bảo tồn và duy trì phát triển làng nghề (công việc này do các nghệ nhân làm), nhóm Họa sắc Việt đã nghiên cứu và chi tiết hóa các họa sắc của dòng tranh dân gian để đưa vào vỏ kẹo, bao bì, khăn, túi,… Các bạn trẻ đã chọn cách thổi hồn đương đại vào các giá trị truyền thống, để thấy truyền thống luôn hiện diện nhưng đã tiếp biến, thay đổi. Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận của nhóm Họa sắc Việt trong hành trình bảo tồn và phát triển di sản.

Nhóm Xẩm Hà Thành cũng có những nỗ lực đáng ghi nhận khi đưa xẩm - một loại hình nghệ thuật gần như bị lãng quên đến gần hơn với khán giả trẻ. Ngoài việc phục hồi lại những bài xẩm cũ, mực thước (bảo tồn), nhóm Xẩm Hà Thành còn sáng tác những bài xẩm mới dựa trên các làn điệu của xẩm tàu điện, xẩm chợ… để đưa hơi thở hôm nay vào xẩm. Những bài xẩm “Tiểu trừ cướp biển”, “Hà Nội bốn mùa hoa”, “Xẩm trà đá vỉa hè”… được nhiều bạn trẻ đón nhận.

Có rất nhiều cách để văn hóa truyền thống vẫn hiện diện trong cuộc sống đương đại. Nỗ lực của Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế hay của những người yêu văn hóa Việt, đang âm thầm nghiên cứu để đưa văn hóa cổ truyền vào cuộc sống hiện đại đều đáng được ghi nhận và ủng hộ hơn là chê bai, chỉ trích. Điều quan trọng là trong nỗ lực giữ gìn, phát triển ấy, chúng ta không làm bóp méo, biến dạng văn hóa truyền thống mà vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Đó là cách chúng ta bảo tồn và phát triển bền vững nhất.

Khi tôi viết bài này thì trên trang facebook của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình đưa hình ảnh một đôi vợ chồng trẻ người Việt đang chụp ảnh cưới ở phố cổ Hà Nội trong trang phục truyền thống của Trung Quốc. Anh viết: “Nếu trang phục Việt bị lu mờ thì trang phục Hán sẽ thay thế”. Và ai cũng hiểu, có lẽ, sâu xa hơn câu chuyện trang phục còn là câu chuyện của văn hóa Việt.

Linh Nguyễn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/ao-dai-nam-va-cau-chuyen-bao-ton-612348/