Áo dài - Di sản văn hóa bị bỏ quên? (*): Nên công bố áo dài là quốc phục

Dù áo dài được cả thế giới nhìn nhận là trang phục truyền thống người Việt nhưng Việt Nam chưa hề có văn bản pháp lý công nhận áo dài là quốc phục

Trong ngôn ngữ tiếng Anh, "Áo dài" là cụm từ không phiên dịch ra bằng từ ngữ tiếng Anh khác có nghĩa tương đương để thay thế. Điều đó khẳng định "chủ quyền" của trang phục này là của người Việt. Trong mắt không ít bạn bè thế giới, "Áo dài" được xem là quốc phục Việt Nam nhưng về mặt pháp lý, áo dài chưa có được giấy khai sinh ngay ở quốc gia nơi nó chào đời.

Hoa hậu H’Hen Niê truyền cảm hứng về áo dài trong Lễ hội Áo dài TP HCM 2019. Ảnh: NHẬT VŨ

Hoa hậu H’Hen Niê truyền cảm hứng về áo dài trong Lễ hội Áo dài TP HCM 2019. Ảnh: NHẬT VŨ

Nỗ lực của cá nhân chưa đủ

Nhiều năm qua, các nhà thiết kế thời trang, đặc biệt là thời trang áo dài như Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung, Công Trí, Việt Hùng, Thuận Việt… đã nỗ lực khôi phục hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam trong đời sống người Việt và cả với bạn bè thế giới. Rất nhiều cuộc triển lãm tập thể và cá nhân về trang phục áo dài của họ được diễn ra hằng năm tại Việt Nam và một số quốc gia. Trong đó, nhà thiết kế Minh Hạnh có nhiều buổi triển lãm, trình diễn áo dài do bà thiết kế ở nước ngoài nhiều nhất. Cộng đồng người Việt ở các quốc gia trên thế giới cũng rất ý thức vai trò "đại sứ" áo dài của người Việt làm đẹp hơn hình ảnh chiếc áo dài truyền thống Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng kể lại, cách đây khoảng 11 năm, ông đến Nhật Bản có xem cuộc triển lãm lịch sử 5.000 năm trang phục Trung Quốc, phát hiện trong tủ kính cuối cùng trưng bày bộ áo dài lụa Việt Nam màu xanh ngọc, có cả nón lá và đôi guốc gỗ, ghi rất rõ "Trang phục hiện đại Trung Quốc". Sửng sốt, bức xúc, khi trở về nước, ông luôn cảnh báo về điều này, luôn nhắc về câu chuyện mình được tận mắt nhìn thấy trong rất nhiều buổi nói chuyện về áo dài của mình ở khắp các nơi nhưng có vẻ cảnh báo này không được chú ý. "Tôi luôn nhấn mạnh với các em trẻ, các em sinh viên, học sinh rằng việc mặc áo dài không phải chỉ là đẹp, mà nó còn là trách nhiệm công dân, ý thức về dân tộc". Ngay tại Bảo tàng Quốc gia Singapore, khách tham quan cũng dễ dàng nhìn thấy những mẫu áo tương tự như áo dài với phụ kiện guốc mộc, được trưng bày tại bảo tàng và ghi chú "trang phục hiện đại Trung Quốc".

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng sử dụng kinh phí cá nhân xây dựng Bảo tàng Áo dài để biến nơi đây thành điểm hẹn văn hóa cho du khách trong và ngoài nước có điều kiện đến tham quan và hiểu hơn về lịch sử phát triển của áo dài truyền thống của Việt Nam. Với ông, dù cho chưa có một văn bản nào xác nhận áo dài là quốc phục của Việt Nam, song chỉ cần thấy bóng dáng áo dài ở đâu đó bên ngoài mảnh đất hình chữ S, ai cũng có thể nhận ra người mặc chắc chắn mang dòng máu Việt. Vì vậy, áo dài có tính biểu tượng rất cao, đồng thời nó cũng nâng lên lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người khi mặc áo dài.

Trình diễn áo dài trong Lễ hội Áo dài TP HCM 2019. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Danh chính thì ngôn thuận

Bà Huỳnh Ngọc Vân - người phụ trách Bảo tàng Áo dài - cho rằng: "Sự ra mắt của Bảo tàng Áo dài, Lễ hội Áo dài được quảng bá rất tốt khi hoạt động trình diễn áo dài diễn ra khắp mọi nơi nhưng như thế vẫn chưa đủ. Nhà nước vẫn chưa quyết liệt trong quảng bá văn hóa áo dài như việc có văn bản pháp lý công nhận áo dài là quốc phục (khẳng định áo dài là sở hữu của Việt Nam). Những kêu gọi mặc áo dài truyền thống vẫn chưa đủ mạnh để lấn át áo dài cách tân quá độ như gần đây. Chúng ta cũng chưa có quy định cụ thể về thiết kế áo dài, sáng tạo đến đâu thì không được coi là áo dài quốc phục nữa".

"Không phải chuyện tôi có tin áo dài là quốc phục hay không mà là các cơ quan quản lý nhà nước phải tin nó là quốc phục chứ? Khi đã là quốc phục thì có pháp chế để cổ xúy và ràng buộc" - nhà thiết kế Sĩ Hoàng đặt vấn đề.

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng qua sự việc nhãn hàng thời trang Trung Quốc Ne-Tiger nói mẫu thiết kế nhìn y chang áo dài Việt Nam là sáng tạo mới mẻ của họ giống như việc chúng ta bị "việt vị" vì những lần phát hiện bản đồ có "đường lưỡi bò" trong GPS xe hơi, trong phim ảnh… "Theo tôi, phía Việt Nam mà cụ thể là nhà nước phải công bố áo dài là quốc phục. Nếu chúng ta không làm vậy, ngày nào đó, áo dài Việt Nam trở thành thường phục của một nơi nào đó chưa chắc đã không xảy ra. Tôi lấy ví dụ thế này, với tầm ảnh hưởng của mình (Ne-Tiger là một trong những thương hiệu có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực thời trang ở Trung Quốc), Ne-Tiger hoàn toàn có thể biến áo dài của Việt Nam trở thành thường phục của người dân một tỉnh nào đó ở Trung Quốc nếu chúng ta không đăng ký sở hữu trí tuệ" - bà Minh Hạnh cảnh báo.

Theo nhà thiết kế Việt Hùng, một khi áo dài chưa được công nhận là quốc phục của Việt Nam, giả sử một ai đó ở nước ngoài ăn cắp ý tưởng, có lẽ chúng ta cũng khó mà kiện được vì trước hết thiếu tính pháp lý. Áo dài được công nhận quốc phục Việt Nam là mong ước lớn nhất của các nhà thiết kế thời trang áo dài như anh.

Sự im lặng khó hiểu

Khi ngôi sao người Mỹ Kim Kardashian West đặt tên cho dòng sản phẩm đồ lót định hình của mình bằng cái tên Kimono, nhiều người dân Nhật Bản đã bức xúc phản đối và buộc tội cô không tôn trọng trang phục truyền thống của dân tộc họ. Chính phủ Nhật Bản đã can thiệp kịp thời để kimono là quốc phục - biểu tượng văn hóa của Nhật có từ thế kỷ XV không trở thành tên nhãn hàng đồ lót. Còn áo dài thì sao? Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch luôn im lặng mặc cho áo dài bị bôi bẩn về hình ảnh, bị ngoại bang chiếm đoạt bản quyền sáng tạo như thời gian qua.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-11

Kỳ tới: Hồ sơ còn trong hộc bàn cơ quan quản lý?

Thùy Trang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/ao-dai-di-san-van-hoa-bi-bo-quen-nen-cong-bo-ao-dai-la-quoc-phuc-20191125220015565.htm