Áo cam kết hỗ trợ 50 triệu USD cho các nước chịu thảm họa liên quan đến khí hậu

Hôm qua, Bộ Khí hậu Áo thông báo nước này sẽ cung cấp 50 triệu euro trong 4 năm tới để giúp các nước đang phát triển đối phó với những tổn thất và thiệt hại khó tránh khỏi do biến đổi khí hậu.

Cam kết trên của Áo đã đưa nước này vào nhóm nhỏ các nước châu Âu đề xuất hỗ trợ tài chính cho mục đích tương tự.

Theo Bộ khí hậu Áo, khoản tiền này có thể hỗ trợ “Mạng lưới Santiago," một cơ chế của Liên hợp quốc nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phải đối mặt với những thiệt hại do thảm họa thiên nhiên liên quan đến khí hậu, và một chương trình cung cấp các hệ thống cảnh báo sớm cho các quốc gia thường xuyên phải chịu đựng điều kiện khí hậu cực đoan.

Biến đổi khí hậu đẩy thêm 120 triệu người đến cảnh nghèo đói vào năm 2030. (Ảnh minh họa)

Biến đổi khí hậu đẩy thêm 120 triệu người đến cảnh nghèo đói vào năm 2030. (Ảnh minh họa)

Bà Leonore Gewessler - Bộ trưởng Khí hậu Áo cho biết: “Các nước dễ bị tổn thương nhất ở Nam Bán cầu đang đặc biệt phải chịu đựng hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng khí hậu và đang đòi hỏi chính đáng sự hỗ trợ nhiều hơn từ các nước công nghiệp phát triển." Bà cho biết thêm: “Áo sẽ bổ sung 10 triệu euro vào ngân sách năm nay dành cho tài chính khí hậu," đồng thời nhấn mạnh "Áo sẽ chịu trách nhiệm".

Đền bù liên quan đến thời tiết cực đoan và nóng lên toàn cầu là một trọng tâm trong chương trình nghị sự tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), đang diễn ra tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập.

Dưới sức ép của các nước đang phát triển, các nước tham gia hội nghị đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên về các tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu, ghi lại những cam kết mà các nước giàu thải nhiều khí sẽ chi cho các nước nghèo hơn đang phải đối mặt với những thiệt hại không tránh khỏi do lũ lụt, hạn hán tồi tệ và tình trạng nước biển dâng.

Ngoài Áo, hiện có 4 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Bỉ, Đan Mạch, Đức và Scotland (Anh) đã đưa ra những cam kết nhỏ, trong khi các nước giàu có khác phản đối khoản chi này vì lo ngại những nghĩa vụ pháp lý đặt ra đối với việc họ góp phần lớn gây ra biến đổi khí hậu. Đến nay, tổng lượng tiền cam kết quá thấp so với hàng tỷ USD thiệt hại mà các nước dễ bị tổn thương đã phải chịu đựng do những trận lũ lụt, đợt hạn hán và bão lũ cực đoan.

Theo thống kê, bão Idai đã gây thiệt hại tổng cộng 1,4 tỷ USD và tổn thất 1,39 tỷ USD khi đổ bộ vào Mozambique vào năm 2019. Một số nghiên cứu cho thấy đến năm 2030, mức thiệt hại liên quan đến khí hậu mà các nước dễ bị tổn thương phải đối mặt có thể lên tới 580 tỷ USD/năm.

Ông Saleemul Huq - một cố vấn của Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương vì khí hậu (CVF) gồm 58 quốc gia, đã hoan nghênh cam kết của Áo, bày tỏ hy vọng Áo và các nước khác sẽ ủng hộ một thỏa thuận tại COP27 về lập quỹ bù đắp những thiệt hại và tổn thất do biến đổi khí hậu.

Các nước đang phát triển cần 2.400 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm

Đây là nội dung trong báo cáo do chính phủ hai nước Anh và Ai Cập cùng thực hiện và được công bố tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ngày 8/11.

Báo cáo mang tên Tài trợ cho Hành động Khí hậu nêu rõ các nước phát triển, các nhà đầu tư và các ngân hàng phát triển đa phương nên đóng góp khoảng 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, các nguồn quỹ công và tư nhân tại các nước đang phát triển nên đóng góp số tiền còn lại - khoảng 1.400 tỷ USD.

Theo báo cáo dài 100 trang, các nước đang phát triển cần số tiền trên để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ khác phát thải ít carbon, cũng như đối phó với tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Việc tài trợ cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp ở các nước đang phát triển sẽ giúp hàng tỷ người thoát nghèo, tạo việc làm và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Các nước đang phát triển cũng cần khoản đầu tư trên để thích ứng với tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, như thực hiện các biện pháp bảo vệ và xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc hơn bao gồm cả đê điều và hệ thống cảnh báo sớm.

Đối với những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu mà các nước phải chịu thiệt hại, số tiền trên sẽ giúp cứu trợ nhóm người gặp rủi ro, sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu và phục hồi các dịch vụ như y tế và giáo dục tại các nước này.

Đây là một trong số những báo cáo đầu tiên vạch ra khoản đầu tư cần thiết vào 3 lĩnh vực lớn được đề cập tại COP27 gồm: giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên, thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và bồi thường cho những nước nghèo và dễ bị ảnh hưởng bởi những thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Ông Nicholas Stern- chuyên gia kinh tế và là một trong những tác giả của báo cáo trên cho rằng: "Các nước giàu nên nhận ra rằng việc đầu tư vào hành động khí hậu ở các nước mới nổi và đang phát triển là một vấn đề công bằng, vì lợi ích sống còn bởi lượng khí thải cao trước đây và hiện nay của họ gây tác động nghiêm trọng. Trong thập kỷ tới, cơ sở hạ tầng và việc tiêu thụ năng lượng được dự báo gia tăng chủ yếu tại các nước mới nổi và đang phát triển. Nếu các nước này tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và phát thải, thế giới sẽ không thể tránh khỏi tình trạng biến đổi khí hậu nguy hiểm, gây thiệt hại cũng như hủy hoại hàng tỷ sinh mạng và sinh kế ở cả các nước giàu và nghèo”.

An Như

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ao-cam-ket-ho-tro-50-trieu-usd-cho-cac-nuoc-chiu-tham-hoa-lien-quan-den-khi-hau-73211.html