Ảo ảnh Vương quốc Mông

Có những người Mông, chỉ sau một vài lời kích động, dụ dỗ của những đối tượng xấu bên kia biên giới đã rời bỏ quê hương tham gia thành lập 'Nhà nước Mông'. Sau khi vượt biên trái phép sang bên kia biên giới, không chỉ phải sống chui lủi, khốn khổ trong rừng, mà còn bị bọn cầm đầu đe dọa nếu không nghe lời chúng hoặc bỏ trốn sẽ bị bắn chết, họ mới 'tỉnh mộng' và hối không kịp về con đường đã chọn.

Cán bộ Biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, tại chợ biên giới. Ảnh: CTV

Cán bộ Biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, tại chợ biên giới. Ảnh: CTV

Sảy chân lỡ bước

Câu chuyện về Sùng A Dia, sinh năm 1983, trú tại bản Suối Khang, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La và Lý A Dờ, sinh năm 1991, trú bản Sín Chải, xã Pa Vậy Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là ví dụ điển hình cho sự sa chân lỡ bước đi theo ảo ảnh Vương quốc Mông.

Chuyện bắt đầu vào một ngày cuối năm 2014, Dia gặp Vàng A Lầu ở bản Chà, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La và được rủ tham gia tổ chức thành lập “Nhà nước Mông” ở Lào. Lầu vẽ ra viễn cảnh: “Sang bên Lào có nhiều đất tha hồ làm nương. Sau khi thành lập “Nhà nước Mông” rồi, có đất rồi thì tao sẽ cho mày về Việt Nam đón vợ con sang”. Chỉ với lời hứa đó, Dia đồng ý vượt biên trái phép sang Lào tham gia thành lập nhà nước ly khai, tự trị dưới sự chỉ dẫn của Lầu. Cùng đi với Dia còn có 5 người dân tộc

Mông khác ở Sơn La

Cũng trong dịp Tết năm 2014, Lý A Dờ và anh trai Lý A Trừ được Kênh Thờ (Lý A Dế) gọi điện rủ đi tham gia “Nhà nước Mông” ở bên Lào và hướng dẫn cụ thể đường đi nước bước. Qua điều tra của BĐBP được biết, Dế cầm đầu nhóm ở Mường Chà, tỉnh Điện Biên tích cực tuyên truyền lừa bịp thành lập “Nhà nước Mông”. Thời điểm đó, Dế đang lẩn trốn ở Trung Quốc đã kết nối Dờ với Mùa A Kỷ - chỉ huy một nhóm vũ trang ở Lào. Đến cuối tháng 3-2015, Dờ và Trừ bắt xe từ Lai Châu qua Sơn La sang Lào bằng hộ chiếu. Trong vụ việc này, Lầu có vai trò lôi kéo, dụ dỗ người dân tộc Mông Việt Nam sang Lào hoạt động phỉ. Khi Kỷ bị Công an Lào bắn chết, Lầu đã được gọi sang Lào đảm nhận phụ trách nhóm thay Kỷ.

Dờ, Dia và nhóm người đi cùng sau khi sang đất Lào được các đối tượng trong nhóm của Kỷ đón và đưa vào “bản doanh” trong rừng. Theo kết quả điều tra của BĐBP, Kỷ quê xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La là “phó” nhóm vũ trang nói trên, còn “trưởng” nhóm là Thào A Sỉ. Nhóm này lẩn trốn trong rừng sâu, sử dụng nhiều vũ khí như súng CKC, AK, M79, mìn cướp bóc tài sản để sinh tồn.

Kỷ nói với nhóm người Mông Việt Nam mới gia nhập nhóm là: Đưa mọi người sang đây để thành lập quân đội nhằm đấu tranh giành lại đất đai. Khi có đất, thành lập được “Nhà nước Mông” rồi sẽ chia đất cho mọi người, lúc đó tha hồ làm nương. Vì vậy, mọi người phải ra sức đóng góp công sức cho việc xây dựng quân đội và thành lập “Nhà nước Mông”, phải cố gắng khi nào máu trên người chảy xuống, quần áo mặc trên người rách hết, lúc ấy “Nhà nước Mông” sẽ được thành lập.

Sau những lời khích lệ tinh thần, Kỷ đe dọa: “Đã sang đây thành lập “Nhà nước Mông” rồi thì có khó khăn, vất vả như thế nào cũng phải ở lại, nếu ai bỏ về sẽ bị bắn chết...”. Bọn chúng còn tuyên truyền rằng, Sỉ rất giỏi võ và bắn súng, lại thông thuộc địa hình rừng núi, đá đập vào đầu không vỡ, súng bắn không chết. Khi đã ở rừng theo Sỉ thì không được bỏ về, không được ra ngoài làm hộ khẩu, nếu Sỉ biết đươc ai bỏ đi sẽ giết chết người đó.

Chỉ thấy đói khổ

Những lời đe dọa của Kỷ khiến cho Dờ và Dia cảm thấy sợ hãi hơn là hy vọng về một tương lai tốt đẹp, nhưng đã “đâm lao phải theo lao”. Theo lời Dia, 5 tháng đầu sang Lào, cả nhóm được huấn luyện bắn súng và cách thức vận động trong rừng khi bị Công an Lào truy quét. Mỗi ngày cả nhóm tập khoảng 2 giờ. Các thành viên trong nhóm còn được giao thay phiên nhau canh gác, hướng dẫn phương thức liên lạc, tập hợp lại lực lượng nếu bị truy quét. Hằng ngày, ngoài lực lượng gác, số còn lại chia nhau đi kiếm thức ăn trong rừng hoặc ăn trộm lương thực tại các lán nương của người dân. “Nhóm thường xuyên bị đói không có muối và các nhu yếu phẩm khác” – Dia cho biết.

Một thôn bản yên bình của người Mông ở Điện Biên. Ảnh: Bích Nguyên

Cũng theo lời Dia, Lầu bảo, nếu tham gia tổ chức “Nhà nước Mông”, mỗi tháng sẽ được 1 triệu đồng, nhưng từ khi sang Lào, Sỉ chỉ trả cho 200 nghìn kíp Lào/tháng (khoảng 500 nghìn đồng). Những người khác còn được trả ít hơn, chỉ 50 nghìn đến 100 nghìn kíp Lào/tháng và 2 tháng mới được nhận một lần.

Các hoạt động cướp bóc, tấn công các trụ sở cơ quan chức năng Lào do nhóm phỉ gây ra khiến người dân Lào hết sức sợ hãi và bức xúc. Để đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng chức năng Lào đã tăng cường truy quét, tiêu diệt một số tên, trong đó có Kỷ và anh trai của Dờ. Sau khi Kỷ chết, Lầu được Sỉ giao lãnh đạo nhóm. Để tồn tại, Dờ, Dia và cả nhóm phải đi phục khích cướp xe khách, mỏ quặng bạc của người Trung Quốc.

Từ lời khai của Dờ và Dia, lực lượng trinh sát BĐBP đã điều tra, xác định có 21/26 đối tượng người Mông Việt Nam tham gia hoạt động thành lập “Nhà nước Mông”, chống chính quyền địa phương tại khu vực rừng giáp ranh tỉnh Xiêng Khoảng và Xay Sổm Bun, Lào. Nhóm vũ trang này đã tiến hành 5 vụ tập kích, phục kích bắn chết 4 công an, bộ đội và một số dân thường của Lào. Cuối năm 2018, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã xét xử 13 đối tượng người Mông Việt Nam tham gia trong nhóm này, 6 đối tượng đang bị truy nã. Trong đó, Dia và Dờ chịu mức án 8 năm tù giam vì hành vi "Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân".

Điều kiện sinh hoạt khó khăn, cực khổ và tận mắt chứng kiến những người thân và người cùng nhóm trốn trong rừng bị lực lượng chức năng Lào truy quét gắt gao, Dia và Dờ đã thức tỉnh, rủ nhau cùng trốn về Việt Nam.

Cả hai đi bộ trong rừng theo hướng mặt trời khoảng 3 tháng thì về tới khu vực biên giới Việt – Lào, sau đó theo đường mòn băng rừng qua khu vực mốc 114 về Việt Nam thì bị lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang bắt giữ với nhiều súng, đạn và thiết bị liên lạc mang theo bên người.

Câu chuyện của Dia và Dờ cho thấy bản chất lừa gạt của các tổ chức phản động kêu gọi thành lập “Nhà nước Mông”. Hoạt động của chúng thực ra là cướp bóc, bạo loạn, chống đối chính quyền sở tại, gây rối loạn an ninh trật tự, kích động ly khai sang Lào để lập “Nhà nước Mông”. Nó cũng cho thấy, chỉ vì thiếu hiểu biết, nghe lời kẻ xấu chống phá chính quyền nhân dân, họ đã phải chịu những ngày sống chui lủi, khổ cực, xa vợ con, gia đình, nhiều người phải trả giá bằng tính mạng và những án tù.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ao-anh-vuong-quoc-mong/