Anthony Bourdain, một Hemingway trong làng ẩm thực

Tất cả những gì mà tôi có thể suy nghĩ được khi nghe tin Anthony Bourdain qua đời, đó là Ernest Hemingway - so sánh phù hợp nhất mà tôi có thể tưởng tượng.

Anthony Bourdain năm 2017 - Ảnh: Steve Mack/FilmMagic

Anthony Bourdain đã sống một cuộc đời vĩ đại. Ông nấu nướng, viết lách, du lịch, ghi dấu ấn trên truyền hình và có nhiều fan hâm mộ nhiệt thành. Hôm nay, thứ sáu ngày 8.6.2018, ông đã tự vẫn tại Strasbourd (Pháp), ở tuổi 61.

Thi thể của Bourdain được phát hiện bởi đầu bếp Eric Ripert, bạn thân của ông. Bourdain đang làm dở một tập phim trong serie của ông trên CNN, có tên gọi là Parts Unknown (những vùng đất xa lạ).

“Thật buồn, chúng tôi có thể xác nhận cái chết của Anthony Bourdain, người bạn và đồng nghiệp của chúng tôi,” CNN cho biết trong một thông báo. “Tình yêu của Anthony Bourdain về những hành trình tuyệt vời, những người bạn mới, ẩm thực tinh tế và những câu chuyện ấn tượng trên khắp thế giới khiến ông ấy trở thành người kể chuyện độc nhất vô nhị.”

Giới ẩm thực và viết lách đều bất ngờ vì sự việc này.

Tất cả những gì mà tôi có thể suy nghĩ được khi nghe tin này, đó là Ernest Hemingway, so sánh phù hợp nhất với Bourdain mà tôi có thể tưởng tượng.

Giống như Hemingway, Bourdain là người phiêu lưu. Giống như Hemingway, Bourdain có nhiều vợ và bạn khác giới. Giống như Hemingway, Bourdain được biết đến nhiều nhất về tài viết lách của mình, nhưng ông lại dùng nó như đòn bẩy để tạo nên một cá tính lớn hơn rất nhiều.

Và thật đáng buồn, cả hai người này đều qua đời vì tự tử, ở độ tuổi gần như ngang bằng nhau.

Tôi biết đến Bourdain thông qua ký sự khám phá năm 2000 của ông ấy, Kitchen Confidential, tác phẩm thổi bay mọi điều kỳ bí về cuộc sống bên trong một căn bếp của nhà hàng.

Ký sự này xuất phát từ một bài báo đăng trên New Yorker năm 1999 có tựa đề “Don’t eat before reading this” (đừng ăn trước khi đọc bài báo này), khiến cho Bourdain phải để tâm và viết ra một tác phẩm vượt lên những cuốn tiểu thuyết trước đó mà ông từng xuất bản.

Việc viết lách của Bourdain khiến cho ông được nhiều người hâm mộ và càng được chú ý nhiều hơn khi ông xuất hiện trên kênh truyền hình Food Network.

Sau đó, ông chuyển sang kênh Travel Channel, rồi CNN. Tại đây, một phiên bản dài hơn về chương trình ẩm thực của Bourdain, có tên gọi là “Parts Unknown” (những vùng đất xa lạ), trở thành mũi nhọn chủ lực trong sản xuất phóng sự của CNN.

Sự nghiệp của Bourdain cũng bao gồm việc diễn thuyết, nơi mà ông là người có tài bẩm sinh trong ngôi nhà giải trí lớn, đầy ắp người hâm mộ.

Tôi đã chứng kiến Bourdain trình bày tại Nhà hát Michigan ở Ann Arbor từ những ngày đầu trong sự nghiệp diễn thuyết của ông ấy, khi ông đang quảng cáo cho A Cooks Tour, ký sự năm 2001 tiếp sau Kitchen Confidential.

Tôi đã tưởng sẽ nhìn thấy đám đông ẩm thực tại Ann Arbor. Nhưng điều khiến tôi bất ngờ là nhà hát hôm đó được phủ kín bởi những người trẻ tuổi.

Bourdain bước lên sân khấu, đặt những mẩu giấy nhớ lên thanh gỗ ngang và bắt đầu trò chuyện trong khoảng hai giờ đồng hồ. Vào thời điểm đó, ông ấy rõ ràng chưa lên bất kỳ cấu trúc nào trong đầu. Bourdain lan man từ chủ đề này đến chủ đề khác, dành khoảng thời gian nhiều đến mức vô lý để nói về kênh truyền hình Food Network và Rachael Ray, người sau đó bắt đầu tự tạo nên tên tuổi của mình. Tôi có thể thấy từ xa phía sau rằng, Bourdain đã thực sự kết nối với khán giả trung thành của mình và chỉ có một chiều phát triển đó là đi lên.

Qua nhiều năm, Bourdain chuyển sang làm việc cùng các đầu bếp, bao gồm Ripert và Mario Balati, đồng thời cũng mang đến cái nhìn về hàng trăm địa điểm ẩm thực ở Mỹ và trên toàn thế giới.

Bourdain có niềm ham thích đặc biệt với những thành phố gan góc như Baltimore, Cleveland và đặc biệt là Detroit, nơi mà ông đã tái hiện trong một tập của serie truyền hình No Reservations (không đặt bàn trước). Chương trình này giới thiệu cho tôi biết đến một trong những nhà hàng yêu thích của mình, Al-Ameer tại Dearborn, Michigan, nơi làm nổi bật nét độc đáo của ẩm thực Li-băng và có đất nước Trung Đông khác.

Năm 2016, Al-Ameer nhận giải thưởng James Beard và không nghi ngờ gì về tầm nhìn và đánh giá mà Bourdain đã dành cho nhà hàng này. Nhân lên gấp nhiều lần số lượng các cửa hàng mà Bourdain từng ghé thăm, nhà cung cấp thực phẩm mà ông từng phỏng vấn và số lượng các quốc gia mà ông từng đến du lịch và thưởng thức ẩm thực, Bourdain có sức ảnh hưởng vô cùng lớn.

Bản thân Bourdain không theo đuổi đế chế nhà hàng, giống như nhiều người bạn đầu bếp nổi tiếng của mình. Dù được đào tại tại Học viện ẩm thực Mỹ (Cuminary Institute of America), ông đã ngừng nấu ăn khi sự nghiệp truyền thông bắt đầu cất cánh.

Kế hoạch của ông về một khu ẩm thực tại New York đã sụp đổ do kế hoạch chịu “thách thức ở mọi hướng.”

Nhưng trước khi qua đời, Bourdain đã để mắt tới phong trào #MeToo. Ông lên tiếng phản đối Harvey Weistein, người bị cáo buộc lạm dụng tình dục đối với diễn viên Asia Argento, cũng chính là bạn gái của Bourdain.

Sau đó, ông chuyển cơn tức giận của mình sang ngành nhà hàng, nơi mà nhiều người từng là bạn của ông, bao gồm John Besh và Batali, đang chịu cáo buộc về hành động không đúng mực với phụ nữ.

Bản thân Bourdain cũng thừa nhận rằng đã có hành động thô lỗ và tin rằng Argento là người đã nâng cao ý thức cho ông ấy.

“Tôi bước ra từ một ngành kinh doanh bóc lột tàn bạo và trong lịch sử không hề thân thiện đối với phụ nữ,” Bourdain nói với Trevor Noah của The Daily Show. “Tôi biết rất nhiều phụ nữ, hóa ra họ có những câu chuyện trải nghiệm riêng, về những người mà tôi cũng quen biết, những người không đem lại cảm giác đủ tin tưởng để họ giãi bày tâm sự.”

Chúng ta có thể không bao giờ biết vì sao Bourdain tự tử. Nhưng những gì ông ấy để lại, giống như Hemingway, sẽ là những tác phẩm viết và serie truyền hình, sẽ còn được thảo luận trong nhiều năm tới.

Tác giả MICHELINE MAYNARD

Nguồn Forbes: http://forbesvietnam.com.vn/loi-song/anthony-bourdain-mot-hemingway-trong-lang-am-thuc-3871.html