'Anna Karenina': Từ phim câm đến phim bom tấn Hollywood

Tiểu thuyết Anna Karenina của đại văn hào Nga Lev Tolstoy đã được chuyển thể thành phim hơn 30 lần. Câu chuyện tình bi thảm này được dựng phim không chỉ ở Nga mà còn ở Đức, Anh Pháp, Mỹ, Argentina, Ai Cập và thậm chí Ấn Độ.

Nhân dịp kênh truyền hình Nga Rossia-1 vừa giới thiệu bộ phim nhiều tập của đạo diễn Karen Shakhnazarov Anna Karenina. Câu chuyện của Vronsky, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu những bộ phim nổi bật nhất được chuyển thể theo mô típ của cuốn tiểu thuyết này.

Anna Karenina trong thời đại phim câm

Lev Tolstoy trở thành nhà văn cổ điển khi còn sống: vào cuối thế kỷ XIX, các tác phẩm của ông đã chinh phục không chỉ nước Nga mà tất cả độc giả trên thế giới. Lần đầu tiên, Anna Karenina được chuyển thể điện ảnh ở Đức vào năm 1910, nửa năm trước khi nhà văn qua đời. Rất tiếc, bộ phim câm này đến nay không còn nữa.

Gần như đồng thời với người Đức, ở Moskva đạo diễn Maurice Maître cũng làm phim Anna Karenina. Người ta biết rất ít về bộ phim này: vai Anna do nữ diễn viên Sorochtina đóng, còn vai bá tước Vronsky do Nikiolai Vasilyev. Lần thứ hai ở Nga, cuốn tiểu thuyết của Tolstoy được hãng “Timan và Reyngardt” chuyển thể năm 1914. Vai Anna do diễn viên sân khấu lão luyện Maria Germanova thực hiện, về sau bà sang Pháp sinh sống. Chính trong bộ phim này, nữ diễn viên Vera Kholodnaya lần đầu tiên tham gia vai phụ, về sau bà trở thành “nữ hoàng điện ảnh câm của nước Nga”. Nhờ bộ phim này mà sự nghiệp đạo diễn của diễn viên Vladimir Gardin bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Cuộc tình và Anna Karenina với Greta Garbo, năm 1927 và 1935

Nữ diễn viên huyền thoại Mỹ gốc Thụy Điển Greta Garbo hai lần đóng vai Anna Karenina. Lần đầu tiên lúc còn phim câm năm 1927, trong phim Cuộc tình. Nhóm biên kịch của bộ phim đã viết hai đoạn kết: một bi thảm để phát hành ở châu Âu và một có hậu để phát hành ở Mỹ. Trong phương án Mỹ, Aleksey Karenin (Brandon Hurst) chết và góa phụ Anna Karenina tái giá với tình nhân của mình Aleksey Vronsky (John Gilbert)

Con trai của nhà văn xuất dương sang Mỹ, Ilya Tolstoy, phản đối đoạn kết có hậu. Các nhà biên kịch đã gặp ông và mời tham gia biên tập kịch bản vì họ rất muốn ghi tên ông để quảng cáo phim. Phụ đề của bộ phim viết rằng “con trai của nhà văn vĩ đại và nhà biên kịch cho rằng cuốn tiểu thuyết không bị thiệt hại khi chuyển thể thành phim”, thực ra điều này không đúng. Các nhà nghiên cứu điện ảnh nhận xét rằng ngay cả trong phương án châu Âu cũng rất ít điểm chung với cuốn tiểu thuyết của Tolstoy: câu chuyện phim diễn ra không phải trong những năm 1870, khi cuốn sách được sáng tác, mà trong những năm 1920. Hơn nữa, Karenina gặp Vronsky không phải trên sân ga, mà khi đi qua sân ga trên xe trượt tuyết. Tuy nhiên, mặt mạnh của Cuộc tình là dàn diễn viên. Cặp đôi Greta Garbo và John Gilbert đã hóa thân vào các nhân vật một cách hoàn hảo - hai diễn viên thực sự có cảm tình với nhau. Họ dự định sau khi hoàn thành bộ phim sẽ tổ chức lễ cưới, nhưng Garbo đã bỏ trốn.

Greta Garbo vai Anna Karenina trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Clarence Brown phiên bản 1935

Tám năm sau, Greta Garbo lại tham gia phim Anna Karenina của đạo diễn Clarence Brown. Vai Vronsky do Fredric March thực hiện. Quan hệ giữa hai diễn viên ban đầu không suôn sẻ, nhưng điều đó không ngăn cản đoàn làm phim hoàn thành bộ phim được cả các nhà phê bình lẫn khán giả thích thú. Với vai diễn này, Garbo được trao giải của Hội phê bình phim New York NYFCC (New York Film Critics Circle) trong đề cử vai nữ chính và Giải Mussolini trong đề cử Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại LHP Venice.

Anna Karenina với Vivien Leigh, năm 1948

Năm 1948, người Anh bắt đầu làm phim Anna Karenina: trên màn ảnh xuất hiện bộ phim do Vivien Leigh đóng vai chính. Vào thời điểm đó, bà đã là một nữ diễn viên nổi tiếng từng đoạt giải Oscar với vai nữ xuất sắc nhất trong phim Cuốn theo chiều gió. Bản thân nữ diễn viên không hài lòng với diễn xuất của mình: trong một bài trả lời phỏng vấn bà thừa nhận rằng không cảm thấy sự gần gũi nội tâm với nữ nhân vật. Mặc dù trong chính cuộc đời Leigh đã diễn ra một câu chuyện tương tự - một lần bà đã phải lựa chọn giữa chồng và tình nhân.

Vivien Leigh vai Anna Karenina trong phiên bản phim 1948

Anna trong cách thể hiện của Vivien Leigh hoàn toàn đối lập với Anna của Greta Garbo. Nàng trở thành một người mẹ yêu đời, vui vẻ, thương con và một người vợ mẫu mực. Chính vì sự không phù hợp của bộ phim với cuốn tiểu thuyết này mà nhiều nhà phê bình điện ảnh phê phán bộ phim. Tuy nhiên, bộ phim đã thành công ngoài sự mong đợi – khán giả thực sự tấn công các rạp chiếu phim.

Anna Karenina của Vivien Leigh ngay cả hiện nay cũng là một bữa tiệc thực sự mãn nhãn. Trang phục của các nhân vật được thiết kế bởi nhà nhiếp ảnh và tạo mẫu nổi tiếng Cecil Walter Hardy Beaton. Cuối những năm 1940, ở Anh thiếu vải, vì vậy để may váy cho Vivien Leigh Beaton đã phải sang Pháp.

Anna Karenina với Tatyana Samoylova, năm 1967

Năm 1967, đạo diễn Liên Xô Aleksandr Zarhi bắt đầu làm phim theo mô típ tiểu thuyết của Tolstoy và mời nữ diễn viên Tatyana Samoylova đóng vai chính. Bà đã thành công trong phim Đàn sếu bay quaBức thư không gửi của Mikhail Kalatozov. Tuy vậy, nhiều người khuyên đạo diễn đừng chọn Samoylova: với ngoại hình hơi mập, thấp, mắt xếch, bà không hề giống nhân vật Karenina tinh tế của Tolstoy. Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh sự đúng đắn của Zarhi: không những khán giả mà ngay cả các nhà phê bình điện ảnh trong và ngoài nước cũng hết sức thán phục diễn xuất của Tatyana Samoylova.

Vai Vronsky được giao cho Vasily Lanovoy, vốn là chồng cũ của Tatyana Samoylova, họ đã chia tay nhau 10 năm. Sau này Lanovoy nhớ lại: “Chúng tôi diễn Anna và Vronsky dễ dàng vì đã từng trải qua nhiều cảnh ngộ tương tự”.

Phiên bản phim Anna Karenina năm 1967

Anna Karenina với Maya Plisetskaya, 1974

Năm 1967, lần đầu tiên ngôi sao vũ ba lê Maya Plisetskaya tham gia bộ phim chuyển thể của Aleksandr Zarhi, bà đóng vai nữ công tước Betsi bạn gái của Karenina. Nhạc phim do Rodion Schedrin (chồng của Maya Plisetskaya) viết, mấy năm sau, được cải biên thành vở ba lê Anna Karenina hoàn chỉnh và năm 1972, Maya Plisetskaya đã đóng vai chính trong tác phẩm này trên sân khấu Nhà hát lớn. Ngoài diễn xuất tuyệt vời của Plisetskaya, phim Anna Karenina còn nổi tiếng bởi đích thân nhà tạo mẫu Pháp Pierre Cardin đã thiết kế trang phục cho bộ phim – đây là một sự kiện lớn đối với nền công nghiệp điện ảnh Xô viết.

Anna Karenina với Sophie Danìele Sylvie Marceau, 1997

Phim Anna Karenina của đạo diễn Mỹ Bernard Rose là một trong những chuyển thể nổi tiếng nhất và đồng thời gây tranh cãi nhất của cuốn tiểu thuyết. Nhiều nhà phê bình điện ảnh cảm thấy câu chuyện phim được kể qua loa và quá vội vàng. Các chuyên gia cũng rất bất bình bởi sự sai lệch nghiêm trọng giữa bộ phim và cuốn tiểu thuyết: ví dụ, trong phim, Karenina bị sẩy thai, mặc dù trong tiểu thuyết nàng đã sinh một con gái từ Vronsky. Họ còn ngạc nhiên vì đạo diễn mô tả Anna là một người nghiện morphine. Trong sách của Tolstoy, chỉ một lần bà xin morphine lúc sinh để giảm đau, trong phim bà dùng morphine thường xuyên.

Cảnh trong phim Anna Karenina phiên bản 1997

Bộ phim cũng bị lên án vì có quá nhiều cảnh chăn gối giữa cặp tình nhân: các nhà phê bình có ấn tượng rằng giữa Anna và Vronsky chỉ có sự đam mê tình dục và không có tình cảm gì. Thế nhưng, khán giả lại yêu thích bộ phim này vì bối cảnh đẹp, trang phục, âm nhạc sang trọng và Sophie Danìele Sylvie Marceau tinh tế với cái bờm kỳ cục mà trong những năm 1870 không thể có.

Trong số những bộ phim nước ngoài chuyển thể cuốn tiểu thuyết, quần áo và tư trang trong Anna Karenina của Rose là hợp mốt thế kỷ XIX nhất, được thiết kế bởi họa sĩ trang phục Ý nổi tiếng Maurizio Millenotti.

Anna Karenina với Tatyana Drubich, năm 2008

Ban đầu đạo diễn Sergey Solovyev định biến phim Anna Karenina thành phần tiếp theo phim Assa của mình. Nhưng trong quá trình viết kịch bản, Anna Karenina trở thành một chuyển thể trọn vẹn và độc lập của cuốn tiểu thuyết. Vai nữ chính do Tatyana Drubich đảm nhiệm - vào thời điểm đó, nữ diễn viên đã 49 tuổi, mặc dù theo cuốn tiểu thuyết Karenina chưa đến 30. Bộ phim là vai diễn cuối cùng của Aleksandr Abdulov (Stiva) và một trong những phim cuối cùng của Oleg Yanovsky (Karenin).

Nhưng dàn diễn viên xuất sắc không cứu vãn bộ phim trước sự tấn công của các nhà phê bình và khán giả - ngay lập tức nó bị coi là một trong những bộ phim kém nhất trong lịch sử. Chuyển thể của Solovyev bị phê phán bởi cốt truyện thiếu mạch lạc, bối cảnh tẻ nhạt và sự lạnh lùng của Drubich. Diễn xuất của Yaroslav Boyko trong vai Vronsky cũng không thuyết phục - ông bị chê là thiếu những đặc điểm cần thiết đối với bá tước trẻ như dáng dấp, chất quý tộc, sức cảm hóa của một sĩ quan.

Anna Karenina với Keira Knightley, năm 2012

Đạo diễn Joe Wright xây dựng bộ phim thử nghiệm và chuyển tất cả các sự kiện vào bối cảnh sân khấu: hậu trường là các đường phố, còn địa điểm xảy ra câu chuyện được thể hiện bằng các slide phong cảnh Petersburg và Moskva trước cách mạng. Hơn nữa, Wright đã đơn giản hóa cốt truyện và tính cách các nhân vật – vì thế ông bị các nhà phê bình và khán giả phê phán. Nhưng đạo diễn không có kỳ vọng chuyển thể cuốn tiểu thuyết một cách chính xác: Anna Karenina đối với ông chỉ là cái cớ để bàn về sự mục nát của xã hội thượng lưu và tiếng vọng của một cuộc cách mạng đang đến gần. Vì vậy, thậm chí tên tuổi của Lev Tolstoy cũng không được viết đầu tiên trên phụ đề, mà ở vị trí thứ hai sau biên kịch Tom Stoppard.

Keira Knightley vai Anna Karenina trong phiên bản phim 2012

Trần Hậu

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/anna-karenina-tu-phim-cam-den-phim-bom-tan-hollywood-20485.html