Ankara không ngại 'quay lưng'

Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump vẫn bảo vệ quan điểm rằng trong quan hệ với các đối tác hay ngay cả đồng minh, sự công bằng và lợi ích của nước Mỹ luôn là những ưu tiên hàng đầu. Nay thì dường như quan điểm ấy lại được các đồng minh đem ra áp dụng trong quan hệ với cường quốc số 1 thế giới.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận cung cấp hệ thống S-400. Ảnh: Sputnik

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận cung cấp hệ thống S-400. Ảnh: Sputnik

Tháng 12-2017, Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận mua S-400 với Nga bằng bản hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD. Gần như cùng thời điểm đó, Ankara cũng đạt được thỏa thuận mua 100 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ. Cứ theo kế hoạch thì chỉ cuối năm nay, cả hai hợp đồng này sẽ được bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì đã chẳng nên chuyện. Lâu nay, Mỹ vẫn luôn phản đối thỏa thuận S-400 nói trên vì cho rằng các thành viên NATO, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ nên mua vũ khí từ các quốc gia trong nội bộ khối. Ngoài ra, Mỹ cũng lập luận rằng việc đặt hệ thống S-400 xuất xứ từ Nga bên cạnh các vũ khí do Mỹ sản xuất không chỉ làm suy giảm khả năng phối hợp tác chiến của NATO, mà còn tạo kẽ hở để Moscow tiếp cận mạng lưới phòng không của NATO và khai thác các bí mật quân sự của Mỹ.

Sâu xa hơn, có lẽ Mỹ không muốn hợp đồng S-400 trở thành cánh cửa mở ra “tuần trăng mật mới” giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tạo điều kiện để quân đội Nga “cắm rễ” trên mảnh đất NATO và dần dà phá vỡ liên minh này.

Thế nên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số quốc gia trực thuộc NATO kiên quyết ngăn cản, gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải “khai tử” thỏa thuận S-400 nói trên. Cùng với quyết định tạm dừng kế hoạch chuyển giao 100 máy bay chiến đấu F-35, Washington đe dọa sẽ áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nếu quốc gia đồng minh vẫn “cứng đầu”. Gần đây nhất, Lầu Năm Góc cảnh báo Ankara sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục theo đuổi kế hoạch sở hữu hệ thống S-400.

Song, những “tối hậu thư” ấy chẳng làm chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nao núng. Ngày 9-3 vừa qua, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga hoàn toàn không liên quan tới NATO, dự án máy bay chiến đấu F-35 cũng như an ninh của Mỹ, mà nhằm phục vụ lợi ích an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không phải nô lệ của bất cứ quốc gia nào, do đó có quyền tự đưa ra các bước đi trong mọi lĩnh vực. Và, không ai có thể buộc Ankara phải phá vỡ thỏa thuận S-400 nói trên. Thậm chí, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ còn tuyên bố sau hợp đồng mua S-400, nước này có thể tính tới việc tiếp tục mua thêm hệ thống phòng không thế hệ mới S-500 của Nga.

Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận làm buồn lòng đồng minh, chứ không quay lưng lại với thỏa thuận S-400, hay nói cách khác là không quay lưng lại với lợi ích của chính nước này.

Bản thân Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng từng tuyên bố, những "hành động đơn phương" của Mỹ chống lại nước này sẽ làm tổn hại lợi ích của Washington và buộc Ankara có thể tìm kiếm những người bạn và đồng minh mới. “Trước khi quá muộn, Washington phải từ bỏ quan niệm sai lầm rằng mối quan hệ của chúng ta có thể không bình đẳng và chấp nhận thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có lựa chọn thay thế. Trong trường hợp không thể đảo ngược xu hướng đơn phương và thiếu tôn trọng này, chúng tôi phải bắt đầu tìm kiếm những người bạn và đồng minh mới”, ông Recep Tayyip Erdogan nêu rõ trong bài viết đăng trên tờ The New York Times vào tháng 8-2018.

Hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ không thể đảo ngược, bởi thời điểm bàn giao cũng đã cận kề. Nhưng sau hợp đồng, quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tiếp tục căng thẳng với những cuộc đấu khẩu mới, mà ở đó mỗi bên đều có những lý lẽ riêng về lợi ích quốc gia và sự công bằng trong các mối quan hệ quốc tế.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ankara-khong-ngai-quay-lung-568814