Anita Louise Hummel: 'Vì giáo dục, ai cũng có thể làm việc nghĩa!'

Bà Anita Louise Hummel là công dân Mỹ, nhưng gần hai thập kỷ qua đã gắn bó với đất nước Việt Nam.

Trong tầng trệt ngôi nhà bà Anita sống tại Hà Nội chứa những món hàng quyên góp của tổ chức Project Sprouts.

Trong tầng trệt ngôi nhà bà Anita sống tại Hà Nội chứa những món hàng quyên góp của tổ chức Project Sprouts.

Doanh nghiệp Mondoro do bà làm chủ tịch, chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác. Tuy nhiên, còn một việc ý nghĩa khiến bà Anita thêm gắn bó với Việt Nam, đó là giúp đỡ các trường học và học trò nghèo khó vùng cao miền Bắc.

Giúp đỡ người khác là tạo nên thay đổi

Bà Anita trao quà cho trẻ em nghèo miền núi phía Bắc.

Tại Việt Nam, tổ chức thiện nguyện mang tên Project Sprouts(https://project-sprouts.com/) đặt tại Hà Nội do bà Anita Louise Hummel sáng lập nhiều năm qua đã tập hợp những người nước ngoài, người Việt Nam chung tay đóng góp công sức, hàng hóa và tiền để ủng hộ học sinh nghèo vùng cao Việt Nam.

Cụ thể là các học trò miền núi ở Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Với khẩu hiệu “Giúp một học trò là giúp một ngôi trường”, tổ chức Project Sprouts hàng năm quyên tặng 2.000 bộ đồ dùng học tập, hàng trăm áo khoác, cặp, túi đi học, ủng cao su cho các em học trò miền núi.

Anita Louise Hummel đã thực sự vui mừng khi Công ty Cổ phần may Xuất khẩu Ninh Bình đã quyết định may tặng 500 áo jacket, 500 túi đi học cho Project Sprouts để thực hiện chương trình từ thiện năm 2020.

Và vào tháng 12 tới đây, số hàng này sẽ được đưa đến tặng các em học trò tại các bản làng xa xôi thuộc hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái (trong đó có một trường gồm 120 em học trò mồ côi tại Yên Bái). Kế hoạch của Project Sprouts trong năm nay là quyên góp số hàng hóa trị giá 15.000 USD để giúp đỡ trò nghèo và một số thầy cô giáo vùng cao.

Những học trò vùng cao nhận quà tặng của Project Sprouts.

Tổ chức Project Sprouts bao gồm những người nhiệt huyết, cam kết dành thời gian và công sức của mình để hành động, góp phần giảm bớt khó khăn cho những học trò nhỏ nghèo khổ và các trường học còn thiếu thốn muôn phần tại vùng cao phía Bắc Việt Nam. Bà Anita tâm niệm: “Chúng ta không nhất thiết phải làm tất cả mọi việc, nhưng ai cũng có thể làm việc nghĩa.

Với 100 USD, ta có thể giúp được 10 đứa trẻ. Và giúp được một đứa trẻ, là ta đã giúp được một ngôi trường. Không nhất thiết phải có nhiều tiền mới có thể trao tặng, ngay cả khi có ít, chúng ta vẫn có thể cho đi. Khi giúp đỡ, chăm sóc người khác, là chúng ta đang tạo nên sự thay đổi, khiến cuộc sống này tốt đẹp lên.”

Với công việc thiện nguyện này, Anita đã đến một số làng bản xa xôi, tận mắt thấy cảnh sống, học tập của các em nhỏ vùng cao, và điều đó khiến bà chấn động sâu sắc. Bà chứng kiến cảnh một bé gái mới mười hai tuổi tại Lào Cai đã không còn được đến trường vì phải chăm sóc hai em nhỏ hơn. Em đã phải rời bỏ trường học khi mới chín tuổi.

Và ước mơ lớn nhất khi đó là được đi học. Trong khi đó, tại Mỹ đất nước quê hương Anita, có biết bao học trò cùng tuổi cô bé Việt Nam này, đang được đến trường với điều kiện đầy đủ, thì lại không muốn học tập. Anita cũng tự hỏi, tại Việt Nam, còn có bao nhiêu cô bé giống như thế, sẵn sàng làm mọi việc có thể, để được tới trường học.

Vì chất lượng cuộc sống cao hơn

Các thành viên Project Sprouts bán hàng tại cafe Joma để thu tiền mua áo ấm cho trò nghèo vùng cao.

Tổ chức Project Sprouts hiện có khoảng 30 người, gồm người nước ngoài và người Việt Nam, thực sự gắn bó trong hoạt động thiện nguyện hướng tới học trò và các trường vùng cao phía Bắc Việt Nam với niềm tin rằng, giúp đỡ các em nhỏ nơi đây là việc làm quan trọng. Họ tập trung vào việc quyên góp hàng, tiền, và tập hợp mua sách vở, áo ấm mùa đông, túi, ba lô đi học, ủng cao su – là những vật dụng thiết yếu cho trẻ đến trường.

“Mỗi ngày, mỗi trẻ nhỏ vùng cao phải vượt qua con đường hơn mười cây số đến trường, các em đi bộ, chân trần, áo không đủ ấm trong tiết trời lạnh 14oC, thậm chí lạnh hơn. Điều đó thật sự khiến tôi lo lắng. Chúng tôi đã nỗ lực để có thể mang tới cho các em áo ấm, ủng, và sách vở, bút giấy, vài thứ thiết yếu nhất”, Anita nói.

Và điều ý nghĩa sâu xa, lan tỏa trong cộng đồng không chỉ về việc làm thiện nguyện của Tổ chức Project Sprouts, mà qua đó, đã thu hút được thêm nhiều người Việt Nam cùng tham gia. Nhiều người Việt Nam trong lòng rất muốn giúp đỡ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhưng giúp bằng cách nào lại là điều khiến họ cân nhắc và khi chưa tìm được cách phù hợp, họ chưa hành động. Khi người Việt sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, thì cả cộng đồng sẽ phát triển đến chất lượng sống cao hơn, an ổn hơn.

Cách làm của bà Anita và Tổ chức Project Sprouts rất linh hoạt. Có những người nước ngoài sau khi kết thúc thời gian làm việc ở Việt Nam, họ muốn trao tặng những đồ dùng tại Việt Nam, không muốn mang về nước. Project Sprouts thu gom lại và tổ chức bán để lấy tiền mua áo ấm, túi, ủng, đồ dùng học tập cho học trò.

Có buổi nhóm tổ chức bán hàng tại quán cà phê Joma (Hà Nội) rất thành công, trong vòng một buổi sáng đã bán được số tiền 15 triệu đồng. Nhưng cũng có lần, Anita thấy trong số hàng quyên tặng, có tấm váy công chúa nhỏ rất đẹp. Bà băn khoăn, rằng liệu có nên bán tấm váy đó không? Bởi học trò vùng cao chắc hẳn không có dịp để dùng đến váy công chúa. Nhưng rồi bà đã giữ lại, mang tấm váy ấy tặng cho một bé gái học trò vùng cao.

Những trò nghèo vùng cao phía Bắc Việt Nam là đối tượng được Project Sprouts giúp đỡ.

Cô bé này thật sự ngạc nhiên và hạnh phúc vô bờ khi chạm vào tấm váy công chúa, một món đồ đẹp đẽ mà cả đời em chưa một lần nhìn thấy tận mắt. Nhìn vào đôi mắt cô bé nghèo vùng cao lúc ấy, bà Anita hiểu rằng, cho dù là ai, xuất thân thế nào, kể cả cô bé nghèo ở bản hẻo lánh ấy, cũng có quyền biết đến những nàng công chúa, tấm váy lộng lẫy của công chúa và hoàn toàn xứng đáng mặc nó.

Lần khác, Anita gặp một cô giáo, dạy một lớp chỉ có 5 học trò ở một bản trên núi cao. Hàng ngày, cô giáo dạy học và chăm các em, biết tính nết các em như hiểu rõ con ruột của mình vậy. Buổi tối, cô ngủ trên nền nhà lớp học trong cái lạnh thấu xương của núi rừng phía Bắc. Sở dĩ, cô giáo không về nhà hàng ngày, vì đường quá xa, có đoạn đường không thể đi xe máy, phải đi bộ, leo núi.

Cô chỉ về nhà mình vào cuối tuần. Bà Anita lần ấy cũng đã tặng cô giáo một bộ đồ dùng giảng dạy và chăn ấm để cô dùng ngủ lại trường. Hình ảnh cô giáo chăm học trò như chăm con, ngủ trên sàn nhà lớp học vùng núi cao đó luôn ám ảnh Anita.

Bà xúc động vô cùng trước tình yêu của cô giáo ấy, với nghề, với học trò. Tình yêu ấy đã truyền cho bà sức mạnh, tiếp tục dấn bước làm việc nghĩa cho học trò vùng cao phía Bắc Việt Nam. Bà tin rằng, giáo dục là một trong những cách hiệu quả nhất để giúp giảm bớt nạn đói nghèo trên toàn thế giới.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/anita-louise-hummel-vi-giao-duc-ai-cung-co-the-lam-viec-nghia-tfnowVAGR.html