Ảnh vệ tinh tiết lộ về các 'thuộc địa' chưa từng được biết đến của chim cánh cụt

11 quần thể mới của chim cánh cụt hoàng đế được phát hiện ở Nam Cực nhờ vào công nghệ bản đồ vệ tinh hiện đại.

Với khám phá trên, dân số thực tế của quần thể loài này tăng 10% các con số dự đoán trước đây.

Tiến sĩ Phil Trathan, trưởng Bộ phận sinh học bảo tồn tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) cho biết mặc dù đây là tin tốt, nhưng các quần thể mới được tìm thấy đều là những địa điểm nằm ở các vị trí dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Các bãi phân màu nâu đỏ cho thấy sự tồn tại của quần thể chim cánh cụt. (Ảnh: BAS)

Các bãi phân màu nâu đỏ cho thấy sự tồn tại của quần thể chim cánh cụt. (Ảnh: BAS)

"Chúng ta cần phải theo dõi những địa điểm này cẩn thận vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới chúng", ông này cho hay.

Để đi tới phát hiện này, các nhà khoa học sử dụng các hình ảnh chụp từ các vệ tinh Copernicus Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu chụp vào các năm 2016, 2018 và 2019. Trong quá khứ, việc khám phá nơi sinh sống của chim cánh cụt hết sức khó khăn vì chúng thường sống ở nhưng nơi xa xôi, lạnh giá nên rất khó tiếp cận.

Các nhà nghiên cứu cho biết, 11 quần thể mới nâng số quần thể chim cánh cụt sinh sống trên khắp Nam Cực lên 61.

"Đây là một khám phá thú vị. Các hình ảnh vệ tinh mới về đường bờ biển của Nam Cực cho phép chúng tôi tìm thấy các quần thể này. Các quần thể này khá nhỏ nên số lượng của chim cánh cụt chỉ tăng 5% -10%, nâng tổng số chim cánh cụt lên hơn nửa triệu con", nhà địa lý học của BAS - Tiến sĩ Peter Fretwell cho hay.

Với đôi tai màu vàng cùng bộ lông 2 màu đen trắng, chim cánh cụt hoàng đế là loài chim cánh cụt lớn nhất, nặng tới 40kg và có thể sống trong khoảng 20 năm.

Chúng sinh sản trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt nhất với con đực chịu trách nhiệm ấp trứng.

Diệu Hoa (Nguồn: ITV News)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/anh-ve-tinh-tiet-lo-ve-cac-thuoc-dia-chua-tung-duoc-biet-den-cua-chim-canh-cut-ar562082.html