Ảnh vệ tinh hé lộ nhà máy bí ẩn bên sườn đồi ở Wollo-ri của Triều Tiên

Hình ảnh vệ tinh hé lộ Triều Tiên có những hoạt động mới tại cơ sở hạt nhân bí mật Wollo-ri, vốn được giới quan sát nghi ngờ là nơi chế tạo đầu đạn hạt nhân của nước này.

Ảnh chụp vệ tinh được thu thập bởi Planet Labs, qua phân tích của các chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (MIIS), cho thấy cơ sở hạt nhân bí mật của Triều Tiên tại Wollo-ri vẫn đang tích cực hoạt động.

Cơ sở này nằm gần thủ đô Bình Nhưỡng và chưa từng được chính phủ Triều Tiên công bố. Giới chuyên gia cho rằng đây là cơ sở chế tạo đầu đạn hạt nhân hoặc các thành phần để chế tạo đầu đạn, theo CNN.

 Cơ sở hạt nhân tại Wollo-ri, gần thủ đô Bình Nhưỡng, nghi là nơi sản xuất đầu đạn cho chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Ảnh: Planet Labs.

Cơ sở hạt nhân tại Wollo-ri, gần thủ đô Bình Nhưỡng, nghi là nơi sản xuất đầu đạn cho chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Ảnh: Planet Labs.

Nhà máy vũ khí hạt nhân bí mật?

Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chống phổ biến hạt nhân James Martin phát hiện ra nhà máy ở Wollo-ri từ năm 2015. Tuy nhiên, Lewis và các cộng sự những năm qua chọn không công bố phát hiện độc lập của mình vì không thể xác định rõ nhà máy đóng vai trò gì trong chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Theo Ankit Panda, chuyên gia về Triều Tiên và làm việc cho Hiệp hội Khoa học gia Mỹ, giới nghiên cứu đoán nhà máy tại Wollo-ri có liên quan đến chế tạo đầu đạn hạt nhân. Nơi này cũng có thể là địa điểm cất trữ vũ khí hạt nhân vì ông Kim Jong Un nhận thấy kho vũ khí cần được phân tán "để ứng phó hiệu quả hơn khi khủng hoảng".

"Địa điểm này có đủ mọi dấu hiệu của một cơ sở hạt nhân Triều Tiên - vành đai an ninh, nơi ở ngay trong khuôn viên, tượng đài, các chuyến thăm không công khai của lãnh đạo, và một cơ sở ngầm", Jeffrey Lewis, chuyên gia của MIIS, lưu ý rằng một nhà máy nước đóng chai lân cận không xuất hiện những đặc điểm an ninh như trên.

Theo vị chuyên gia, bên trong khuôn viên nhà máy có một vài chung cư cao tầng. Trong các đăng tải của Triều Tiên, nước này thường nhấn mạnh nơi ở cao cấp là một trong những đặc quyền dành cho các nhà khoa học và kỹ sư tham gia chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa. Việc bố trí sẵn nhà cửa đồng thời tách biệt nhân sự của nhà máy với cộng đồng dân cư trong khu vực.

"Điểm nổi bật nhất là xe cộ ra vào - ôtô, xe tải, xe container. Nhà máy làm việc liên tục. Hoạt động tại nhà máy không hề giảm - kể cả khi đàm phán diễn ra lẫn hiện nay. Nhà máy vẫn đang sản xuất vũ khí hạt nhân", ông Lewis trả lời CNN.

"Chúng tôi đã theo dõi địa điểm này trong một thời gian dài và biết nó có liên quan đến chương trình hạt nhân", ông nói.

Ông Lewis còn chỉ ra rằng có những tượng đài trong khuôn viên nhà máy cho thấy lãnh đạo Triều Tiên từng đến thăm. Tuy nhiên, truyền thông nước này chưa từng nhắc đến chuyến thăm chính thức nào của các lãnh đạo Triều Tiên tại Wollo-ri. Đây là một trong những điểm đặc trưng tại các cơ sở hạt nhân Triều Tiên.

"Địa điểm này còn nằm dựa vào một sườn đồi, đủ lớn để đặt thêm một cơ sở ngầm", báo cáo của MIIS suy đoán một số tòa nhà trong khuôn viên nhà máy có thể đang được dùng làm lối ra vào hầm ngầm.

Giới chuyên gia nhận định Triều Tiên vẫn bí mật phát triển vũ khí hạt nhân trong giai đoạn đàm phán với Mỹ, sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore vào tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Mối đe dọa hạt nhân vẫn còn

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Lầu Năm Góc từ chối bình luận về cơ sở bí ẩn ở Triều Tiên và vai trò của nó trong chương trình hạt nhân nước này.

Năm 2018, Tổng thống Donald Trump tự tin tuyên bố Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân. Công bố mới nhất của Jeffrey Lewis và các cộng sự tại MIIS cho thấy tuyên bố nổi tiếng này đã không hoàn toàn chính xác.

Thông tin về nhà máy ở Wollo-ri xuất hiện giữa lúc đàm phán hạt nhân Bình Nhưỡng - Washington đang bế tắc. Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 7/7 đã bác bỏ khả năng nối lại trao đổi với Mỹ. Kwon Jong Gun, vụ trưởng phụ trách các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, khẳng định nước này không có ý định ngồi lại đối thoại trực tiếp nữa.

Trong khi đó, Phó ngoại trưởng Mỹ Steve Biegun ngày 8/7 nói Washington vẫn sẵn sàng khởi động lại đối thoại với Triều Tiên, với điều kiện ông Kim Jong Un chỉ định một trưởng đoàn đàm phán có sự chuẩn bị và có tiếng nói.

"Đối thoại có thể dẫn đến hành động, nhưng không thể có hành động nếu không có đối thoại", ông nhấn mạnh.

Thực tế là nhà lãnh đạo Kim Jong Un chưa bao giờ chính thức đồng ý với khái niệm phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Giới chức tình báo Mỹ cũng giữ nguyên đánh giá rằng Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc đầu năm 2020 ghi nhận Triều Tiên tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân trong năm qua, bất chấp các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an. Một đoạn của báo cáo nhấn mạnh chương trình tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên đang theo đuổi "mang đặc trưng về cường độ, tính đa dạng và sự gắn kết".

Theo các chuyên gia, các phương tiện giao thông đến và rời khỏi nhà máy Wollo-ri thời gian qua cho thấy hoạt động sản xuất vẫn tiếp diễn kể cả trong quá trình đàm phát hạt nhân Mỹ - Triều. Hoạt động này kéo dài từ hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất của ông Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump tại Singapore vào tháng 6/2018, đến cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo ở khu phi quân sự liên Triều (DMZ) vào tháng 6/2019.

"Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy xe cộ tiếp tục ra vào, có thể Triều Tiên tiếp tục sản xuất đầu đạn hạt nhân hoặc các bộ phận đầu đạn", MIIS đánh giá.

Triều Tiên công bố video văn phòng liên lạc với Hàn Quốc nổ tung Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên vừa công bố đoạn video phá hủy văn phòng liên lạc giữa 2 miền, tại khu công nghiệp Kaesong, nằm gần biên giới với Hàn Quốc.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-ve-tinh-he-lo-nha-may-bi-an-ben-suon-doi-o-wollo-ri-cua-trieu-tien-post1104777.html