Ảnh vệ tinh cho thấy núi băng trôi lớn nhất thế giới biến mất

Núi băng trôi một thời có diện tích lớn nhất thế giới hiện không thể quan sát từ vệ tinh sau khi bị tan chảy thành nhiều mảnh nhỏ.

A68 là núi băng trôi một thời có kích thước lớn nhất thế giới, với diện tích 6.000 km2 khi vừa vỡ khỏi Nam Cực năm 2017. Diện tích của A68 lớn hơn 32 quốc gia khác, theo BBC.

Nhưng ảnh vệ tinh mới đây cho thấy núi băng trôi khổng lồ A68 đã biến mất. Theo Trung tâm nghiên cứu băng tuyết Mỹ, A68 đã vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và không còn cần tiếp tục theo dõi.

Biến mất khỏi ảnh vệ tinh

A68 ban đầu là một phần của thềm băng Larson C, tại bờ rìa của Nam Cực gần Nam Mỹ. Khi tách ra khỏi Larson C vào tháng 7/2017, núi băng này hầu như không di chuyển nhiều trong suốt một năm. Sau đó, A68 bắt đầu trôi về phía bắc với tốc độ tăng dần, do tác động của dòng hải lưu mạnh và gió biển.

Hành trình của núi băng nặng hàng tỷ tấn cũng giống với nhiều núi băng trôi khác. Nó xoay tròn ra khỏi Nam Cực, trôi vào vùng biển Nam Đại Tây Dương, hướng về phía South Georgia, một lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh.

South Georgia là nơi vô số núi băng trôi đã hướng đến và hoàn toàn biến mất. Mắc kẹt trong vùng biển nông, những núi băng này không tránh khỏi số phận dần tan chảy.

 Núi băng trôi A68 từng có diện tích lớn nhất thế giới. Ảnh: CPL PHIL DYE RAF/CROWN.

Núi băng trôi A68 từng có diện tích lớn nhất thế giới. Ảnh: CPL PHIL DYE RAF/CROWN.

Nhưng A68 thì khác. Số phận của núi băng một thời lớn nhất thế giới bị định đoạt bởi sóng biển, nước ấm và nhiệt độ cao tại phía Nam Đại Tây Dương. Thay vì tan chảy hoàn toàn, A68 đã vỡ thành những mảnh băng đá nhỏ hơn.

"Thật kinh ngạc, A68 đã tồn tại được lâu đến như vậy", Andrian Luckman, nhà khoa học từ Đại học Swansea, Anh, cho biết.

Dù rộng hàng nghìn km2, núi băng trôi A68 chỉ có độ dày trung bình khoảng 230 m, khiến nó được miêu tả giống như một "tờ giấy A4 trôi nổi giữa đại dương".

"Núi băng này cực kỳ mong manh khi di chuyển trên đại dương. A68 đã tồn tại nhiều năm, nó cuối cùng vỡ thành 4-5 mảnh. Nhưng mảnh này sau đó tiếp tục vỡ ra", ông Luckman cho biết.

Trung tâm nghiên cứu băng tuyết Mỹ là cơ quan được cộng đồng quốc tế công nhận chức năng truy dấu và đặt tên các núi băng trôi có nguy cơ đe dọa tới vận chuyển hàng hải.

Những núi băng trôi được liệt kê trong danh sách của Trung tâm nghiên cứu băng tuyết Mỹ phải có chiều dài tối thiểu 18,5 km, hoặc tổng diện tích ít nhất 68,5 km2.

Giờ đây, không mảnh nhỏ nào vỡ ra từ A68 đủ điều kiện kích thước để được liệt kê trong danh sách núi băng trôi. Mảnh vỡ lớn nhất, được đặt tên A68a, được đo hôm 16/4 chỉ có kích thước hai chiều lần lượt là 5,4 km và 3,6 km.

Các nhà khoa học nói gì?

A68 từng nổi danh khắp toàn cầu khi lần đầu xuất hiện, núi băng trôi này là ngôi sao trên mạng xã hội.

Người dân khắp thế giới chia sẻ hình ảnh vệ tinh về núi băng này, đặc biệt khi A68 trôi về phía đảo South Georgia.

Khi va chạm với hòn đảo này, núi băng A68 làm gián đoạn cuộc sống của hàng nghìn con chim cánh cụt tại South Georgia, tạo ra tin tức thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.

Nhưng không chỉ có ý nghĩa giải trí, A68 là đối tượng nghiên cứu nghiêm túc của giới khoa học.

Nguồn gốc của núi băng này, thềm băng Larsen C, là một tảng băng trôi khổng lồ, hình thành từ hai sông băng. Larsen C đã tách khỏi đất liền và trượt vào đại dương.

A68a là mảnh vỡ lớn nhất còn sót lại. Trong ảnh, A68a bên cạnh đám băng vụn bị tan ra trước đó. Nguồn: BBC.

Số phận của A68 giúp các nhà khoa học hiểu rõ thêm về sự hình thành của các thềm băng như Larsen C, cũng như nguyên nhân chúng vỡ ra, tạo nên những núi băng trôi.

"Một kết quả khoa học cần nhắc tới là những gì chúng ta đã nghiên cứu được về những đứt gãy nơi các sông băng trên đất liền gặp nhau, tạo ra những thềm băng trôi nổi", Christopher Shuman, chuyên gia từ Đại học Maryland, cho biết.

"Bởi chúng ta đã có những thiết bị cảm biến mới, chúng tôi có thể quan sát sự đứt gãy tiến triển thường xuyên hơn, điều không thể quan sát được trong nhiều thập kỷ trước", ông Shuman nói thêm.

Đa phần giới nghiên cứu coi A68 là sản phẩm của một quá trình hết sức tự nhiên. Các thềm băng sẽ duy trì sự cân bằng. Việc giải phóng các núi băng là một cách để chúng cân bằng với lượng tuyết hấp thụ, cũng như lượng băng tuyết nhận được từ các sông băng Nam Cực.

Dù vậy, các nhà khoa học đều thừa nhận A68 thực sự là ví dụ của những quá trình giúp con người nhận thức rõ ấm lên toàn cầu có thể phá hủy các cấu trúc băng giá trên Trái Đất.

Một trong những quá trình như thế có tên "cắt phá thủy lực". Trong quá trình này, hiện tượng ấm lên sản sinh ra nước tan chảy trên bề mặt, chúng sau đó sẽ lấp đầy các vết nứt và lỗ hổng, khiến những khe nứt này ngày càng rộng, ăn mòn vào tận lõi của tảng băng.

Trong khoảng thời gian tồn tại cuối cùng của A68, quá trình cắt phá thủy lực đã khiến những mảng băng lớn bị xé nhỏ chỉ sau một đêm.

"Đây là một ví dụ nữa về sự biến đổi của núi băng trôi, cho thấy các thềm băng có thể sụp đổ nhanh chóng khi thế giới trở nên ấm hơn", Ted Scambos, chuyên gia từ Đại học Colorado, cho biết.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-ve-tinh-cho-thay-nui-bang-troi-lon-nhat-the-gioi-bien-mat-post1205634.html