Anh và EU tiếp tục bất đồng về vấn đề Brexit

Cuộc đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về việc Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), dự kiến sẽ diễn ra trong tuần tới, được cho là sẽ vô cùng căng thẳng khi tới nay, đôi bên vẫn cho thấy những lập trường khác biệt, đặc biệt trong các vấn đề tự do đi lại và việc Anh phải tuân thủ mọi quy định mới của EU trong giai đoạn chuyển tiếp.

Ngày 29-1, EU đã thông qua phương hướng đàm phán của mình về giai đoạn chuyển tiếp sau khi nước Anh rời EU. Theo đó, trong thời kỳ chuyển tiếp được xác định từ ngày 30-3-2019 đến 31-12-2020, Vương quốc Anh sẽ vẫn phải tuân thủ nghĩa vụ như một nước thành viên EU, nhưng không có quyền quyết định trong đời sống chính trị của EU. Lập trường đàm phán chính thức mà EU vừa công bố cũng yêu cầu duy trì tự do đi lại cho tới cuối giai đoạn chuyển tiếp. Được biết, Ngoại trưởng của 27 nước thành viên EU đã đưa ra các chỉ thị cho Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU, ông Michel Barnier, để trong tuần này có thể bắt đầu tiến trình thương lượng với người đồng cấp Anh, ông David Davis, về giai đoạn chuyển tiếp.

Theo ông Michel Barnier, Anh cần phải tuân thủ tất cả các quy định của EU trong giai đoạn chuyển tiếp nếu nước này muốn đạt được thỏa thuận, song “xứ sở sương mù” sẽ không có tiếng nói đối với bất kỳ điều luật mới nào được đưa ra.

Vẫn còn những luồng quan điểm trái chiều về việc Anh rời khỏi mái nhà chung châu Âu. Ảnh: The Guardian

Tương tự, bà Ekaterina Zaharieva, Phó thủ tướng Bulgaria, nước Chủ tịch luân phiên EU, nhấn mạnh rằng luật của EU sẽ vẫn được áp dụng trong giai đoạn chuyển đổi, tuy nhiên nước Anh không có quyền tham gia vào các thể chế châu Âu cũng như tham gia vào việc ra quyết định của EU. Cụ thể, Anh sẽ tiếp tục phải tuân thủ các phán quyết của Tòa công lý châu Âu và đóng góp cho ngân sách chung EU, song sẽ không còn đại diện tại các thể chế châu Âu, không được quyền tham dự vào hầu hết các cuộc họp của EU, ngay cả những cuộc họp có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nước Anh.

Đáp lại, Chính phủ Anh cùng ngày cho biết, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ bác bỏ đề xuất của EU về giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời EU. Nhiều khả năng Thủ tướng Theresa May sẽ không chấp nhận việc tự do đi lại hoàn toàn trong giai đoạn chuyển tiếp. Thay vào đó, bà Theresa May sẽ yêu cầu EU chấp nhận đề xuất của Anh về chương trình đăng ký nhân thân cho công dân EU đến Anh, mà không kèm theo bảo đảm họ sẽ được phép ở lại.

Giữa Anh và EU cũng đang tồn tại bất đồng về thời gian của giai đoạn chuyển tiếp Brexit. Trong khi London muốn giai đoạn chuyển tiếp kéo dài khoảng hai năm, EU lại muốn giai đoạn này diễn ra trong 21 tháng.

Ông David Davis, Bộ trưởng Brexit của Anh, dự báo rằng sẽ có “tranh cãi” khi đàm phán Brexit bắt đầu trong tuần tới liên quan đến việc Anh phải tuân thủ hoàn toàn các quy định của EU trong giai đoạn chuyển tiếp. Ông cũng cho rằng, dù quan hệ Anh-EU về cơ bản sẽ không thay đổi sau Brexit, song Thủ tướng Theresa May vẫn chịu sức ép ngày càng tăng từ phía những người ủng hộ Brexit trong việc phải giành được một số nhượng bộ của EU. Nhiều người ủng hộ Brexit cho rằng, việc chấp nhận những quy định của EU sẽ biến nước Anh thành một “nước chư hầu” của EU trong giai đoạn chuyển tiếp. Do đó, những người này yêu cầu các nhà đàm phán của Chính phủ Anh phải bác bỏ các đề xuất trên khi các cuộc đàm phán Brexit bắt đầu vào ngày 5-2 tới.

Bên cạnh đó, một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ cũng phản đối kế hoạch thông qua điều luật cho phép Anh tham gia liên minh hải quan sau Brexit. Họ lo ngại rằng, việc tham gia liên minh hải quan sẽ ngăn cản Anh ký kết thỏa thuận thương mại với các nước khác khi còn bị ràng buộc bởi chính sách thương mại của EU. Theo kế hoạch, trong tuần này, Thủ tướng Theresa May sẽ dẫn đầu một phái đoàn thương mại lớn nhất từ trước tới nay thăm Trung Quốc, nhằm thể hiện quyết tâm của Chính phủ Anh trong việc đạt được thỏa thuận thương mại với các nước trên toàn thế giới sau Brexit.

Trong một thông tin liên quan tới vấn đề Brexit, tờ BuzzFeed mới đây đã phân tích về ba viễn cảnh có thể xảy ra đối với nền kinh tế Anh thời hậu Brexit. Nhưng điều đáng chú ý là dù kịch bản nào xảy ra thì nền kinh tế Anh vẫn chịu thiệt hại.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/anh-va-eu-tiep-tuc-bat-dong-ve-van-de-brexit-530456