Anh ủng hộ ra mặt, Đức dè dặt cảnh báo về ý định rút khỏi INF của Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson khẳng định nước này 'hoàn toàn kiên quyết' ủng hộ Mỹ khi Tổng thống Donald Trump tỏ ý muốn rút ra khỏi Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF). Ngoại trưởng Đức Heiko Maas lại cảnh báo Mỹ nên xem xét đến hậu quả mà động thái này đem lại.

Đức- Anh có phản ứng khác biệt về ý định rút khỏi INF mà Tổng thống Mỹ vừa công bố - Ảnh: AP

INF được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, chính thức có hiệu lực năm 1988. Nội dung chính của văn kiện này cấm các bên tham gia xử lý, sản xuất hoặc tiến hành phóng thử các loại tên lửa mang được đầu đạn hạt nhân có tầm bắn từ 500 - 5.500km phóng từ mặt đất. Tổng thống Donald Trump ngày 20.10 tuyên bố sẽ đưa Mỹ ra khỏi INF với lý do Nga vi phạm thỏa thuận.

Như ông Trump, Bộ trưởng Williamson cáo buộc Moscow đang “nhạo báng” INF. Theo quan chức Anh: “Mỹ là đồng minh thân thiết và lâu dài. Chúng tôi hoàn toàn kiên quyết cùng với họ đưa ra thông điệp yêu cầu Nga tôn trọng hiệp ước đã ký”.

“Chúng tôi chắc chắn mong INF được duy trì, nhưng thỏa thuận cần có cả hai bên tuân thủ trong khi hiện tại đang có một bên làm ngơ. Đó là Nga, nước này phải tự chỉnh đốn lại”, Bộ trưởng Williamson nói thêm.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas lại bày tỏ lo ngại. Ông đưa ra tuyên bố với nội dung: “INF trong 30 năm qua đóng vai trò là một trụ cột quan trọng cho kiến trúc an ninh châu Âu. Chúng tôi vẫn thường xuyên yêu cầu Nga xử lý những cáo buộc liên quan đến chuyện vi phạm hiệp ước. Nay chúng tôi đề nghị Mỹ cân nhắc hậu quả có thể có (khi rút khỏi)”.

Phía Nga cũng đã lên tiếng. Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov đánh giá ý định rút khỏi INF là một bước đi nguy hiểm khiến Mỹ nhận phải chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Giới phân tích trước đó cũng lo ngại những ràng buộc mà các cường quốc hạt nhân phải chịu sẽ ít đi nếu INF đổ vỡ, mở ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng. Họ cũng cho rằng ý định rút khỏi INF có vẻ như để Mỹ đối phó với đối thủ truyền thống là Nga nhưng trên thực tế là nhắm vào Trung Quốc.

Theo phe “diều hâu” trong chính quyền Washington, INF khiến nước này thất thế trong đối đầu chiến lược với Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Harry Harris từng nhận xét một trong những nguyên nhân chính khiến Mỹ không có gì để đe dọa cường quốc châu Á ấy chính là phải “tuân thủ cứng nhắc” vào INF.

Nhà nghiên cứu Phó Mộng Tư đến từ Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại (Bắc Kinh) dự đoán sau khi rút khỏi INF, Mỹ có thể sẽ tăng cường phát triển vũ khí chuẩn bị cho một cuộc đối đầu chiến lược lâu dài với Trung Quốc.

Còn theo nhà nghiên cứu Colin Koh thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam của Singapore, quyết định của Tổng thống Trump sẽ được Moscow lẫn Bắc Kinh lấy làm cái cớ để đẩy nhanh chương trình vũ khí của nước mình.

Cẩm Bình (theo The Guardian, Reuters, SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/anh-ung-ho-ra-mat-duc-de-dat-canh-bao-ve-y-dinh-rut-khoi-inf-cua-my-99259.html