Anh tuyên bố về nghi phạm vụ Skripal: Bổn cũ soạn lại?

Anh đã xác định được danh tính những nghi phạm đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal nhưng đã về Nga.

Theo thông tin mới nhất được tờ Telegraph của Anh đăng tải, cơ quan điều tra Anh đã xác định được danh tính những nghi phạm đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái.

Cảnh sát và tình báo Anh cho biết, manh mối được thu thập từ danh sách chuyến bay rời Anh sau vụ đầu độc. Hiện danh tính của những người này vẫn chưa được công bố.

Anh nghi ngờ nghi phạm tiến hành đầu độc hai cha con Skripal đã về Nga.

Các nguồn tin cho Telegraph biết, nghi phạm hiện đã trở về Nga.

Như vậy, ngoài cáo buộc chất độc được sử dụng trong vụ đầu độc là Novichok, có nguồn gốc từ Nga thì hiện nay, Anh tiếp tục tìm ra người thực hiện hành vi đầu độc và kẻ tình nghi lại tiếp tục đến từ Nga.

Thông tin điều tra từ cơ quan cảnh sát Anh hướng nghi phạm về phía Moscow giống như cách Anh đã từng đổ lỗi cho Nga về tên gọi chất độc và nguồn gốc của chúng.

Vụ điều tra Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Salisbury, Anh ngày càng rơi vào bế tắc khi các chi tiết, đầu mối không được Anh cho phép Nga tiếp cận.

Ngày 17/4, chính quyền Anh đã cho bắt đầu dọn dẹp tại Salisbury nhằm đảo bảo ổn định khu vực này sau vụ việc đầu độc cựu điệp viên Nga.

BBC dẫn thông tin từ Cục Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn của Anh (Defra), cơ quan phụ trách chiến dịch dọn dẹp tại Salisbury cho biết, đã có một hàm lượng rất nhỏ chất độc thần kinh Novichok ở dạng lỏng được sử dụng trong vụ đầu độc.

Khu vực nghĩa trang, nơi chôn cất vợ và con trai Skripal đã được mở cửa trở lại, trong khi chín địa điểm khác, trong đó có quán rượu Mill và nhà hàng Zizzi, những nơi mà cha con Skripal tới trước khi xảy ra vụ việc, vẫn bị đóng cửa.

Thậm chí, Daily Mail trước đó đặt ra khả năng các địa điểm trên sẽ bị phá hủy nhằm hạn chế khả năng tác động của chất độc này tới môi trường và người dân trong vùng.

Khi được hỏi liệu hóa chất có ở mức "gây chết người" hay không, Cố vấn Khoa học chính của Defra, Ian Boyd, cho biết khả năng đó vẫn còn hiện diện tại những "điểm nóng" xung quanh thành phố.

"Chúng tôi phải giả định rằng trong một số trường hợp nhất định sẽ có nồng độ tương đối cao, ở những vị trí rất, rất cụ thể, mà ở mức độ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng con người", BBC tường thuật.

Theo Defra, chất độc thần kinh Novichok tồn tại ở dạng lỏng, không bay hơi hoặc biến mất theo thời gian, nên cần phải sử dụng các hóa chất, trong đó có chất ăn da, thì mới có thể loại bỏ nó, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng.

Điều mâu thuẫn là trong khi vụ điều tra của Anh chưa tìm hung thủ, việc dọn dẹp ở Salisbury có phải là tìm cách xóa các dấu vết?

Thêm vào đó, Cơ quan Y tế công cộng của Anh (PHE) lại ra tuyên bố Salisbury rất an toàn cho cư dân và du khách, và "không cần phải thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa bổ sung nào để bảo vệ công chúng khỏi rủi ro tiềm năng".

Dọn dẹp Salisbury khi chưa tìm thấy hung thủ có phải là cách Anh che giấu bằng chứng?

Sự mâu thuẫn này khiến đặt ra câu hỏi, sức khỏe của cộng đồng đang không được coi trọng hay có sự lệch pha giữa thực tế ở Salisbury với các hành động theo thuyết điều tra của cơ quan chức năng Anh.

Bởi cho đến nay, chưa rõ thực sự ông Sergei Skripal và con gái đã bị đầu độc bằng chất độc hóa học hay không. Chất độc đó thực sự có khả năng tác động ra môi trường hay không, có bị biến đổi theo thời gian không. Đặc biệt là khi ngay cả cơ quan quốc tế về kiểm soát vũ khí hóa học như OPCW cũng không khẳng định được chắc chắn đó là chất độc Novichok - chất đã từng được Liên Xô phát triển và được Mỹ cấp bằng sáng chế cho một nhà khoa học Nga chỉ trợ giúp vào quá trình phát minh ra chất độc này.

Hiện tại, Nga đã phản ứng mạnh mẽ với Anh vì quyết định dọn dẹp hiện trường ở Salisbury.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, trong khi Moscow chờ đợi nhận được câu trả lời đầy đủ từ OPCW về "sự kiện Salisbury", thi London không được tiếp tục tiêu hủy bằng chứng quan trọng của vụ việc này.

Bà Zakharova cho hay danh sách nghi vấn của Nga vẫn tiếp tục dài thêm, trong đó có cả báo cáo của OPCW. Bởi dường như OPCW chỉ có nhiệm vụ duy nhất là kiểm tra các mẫu y sinh có chứa chất độc thần kinh mà Anh phát hiện hay không mà thôi.

Và câu trả lời của OPCW chỉ có thể là "có" hoặc "không", đồng nghĩa Nga có liên quan hay không liên quan tới "sự kiện Salisbury", mà không lên kế hoạch tìm kiếm các chất độc khác.

Chưa kể, theo báo cáo của OPCW, một chất độc được tìm thấy trong mẫu y sinh của Yulia Skripal không thay đổi. Điều này là bất thường bởi bất cứ chất nào được cơ thể tiếp nhận cũng lập tức bị ảnh hưởng bởi quá trình hóa sinh, từ đó dẫn tới sự thoái-biến của chúng.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tại sao mẫu y sinh lại không bị ảnh hưởng bởi quá trình hóa sinh trong cơ thể Yulia Skripal. Thật khó hiểu, bà Maria Zakharova nêu hoài nghi của Moscow về báo cáo phân tích mẫu "vật chứng" của OPCW.

Rõ ràng, vẫn còn quá nhiều mâu thuẫn và nghi vấn đối với vụ cha con cựu điệp viên hai mang Skripal nghi bị đầu độc, do vậy cần lưu giữ các bằng chứng - trong đó có hiện trường xảy ra vụ việc - cho đến khi vấn đề được làm sáng tỏ.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/anh-tuyen-bo-ve-nghi-pham-vu-skripal-bon-cu-soan-lai-3356878/