Anh: Trường tư thục 'được lòng' phụ huynh trong đại dịch

Hàng loạt phụ huynh tại Anh bày tỏ nguyện vọng cho con chuyển sang trường học tư thục.

Khoảng cách xã hội giữa HS tại Anh được cho là ngày càng rộng.

Khoảng cách xã hội giữa HS tại Anh được cho là ngày càng rộng.

Động thái này được đưa ra sau khi không ít cha mẹ thể hiện lo ngại rằng, nền giáo dục tại trường công lập đã gián đoạn và khiến trẻ có thể bị “bỏ lại phía sau” trong thời gian phong tỏa.

Chia sẻ với truyền thông, Hiệp hội các trường độc lập cho biết đã ghi nhận sự gia tăng trong số lượng phụ huynh muốn cho con chuyển trường. Hiệp hội này cho biết, đây là những cha mẹ "có nguyện vọng cao", lo lắng và muốn cho trẻ theo học tại trường tư thục vào năm học mới. Trong khi đó, Hiệp hội các trường dự bị độc lập nhận định, nhu cầu chuyển trường của phụ huynh đã tăng đáng kể trong những tuần qua.

Một khảo sát được thực hiện bởi ứng dụng Teacher Tapp hồi tháng 4 cho thấy, chỉ 3% trường tiểu học và 6% trường THCS công lập tại Anh cung cấp các bài học trực tuyến cho người học. Con số này được cho là kém xa so với 59% trường tiểu học và 72% trường THCS tư thục.

Diane Reay - Giáo sư GD danh dự tại Trường ĐH Cambridge cho biết: "Nhiều gia đình đã nhận thức được và thường quan tâm đến sự khác biệt trong công nghệ giữa tổ chức GD công lập và tư nhân. Phương án chuyển sang trường tư thục là một lựa chọn dễ dàng hơn so với việc vận động các tổ chức công lập cung cấp nguồn lực và trang thiết bị phù hợp".

Trước bối cảnh này, Giáo sư Reay cảnh báo, khoảng cách xã hội cũng như thành tích giữa những người học tại trường tư thục và công lập có thể sẽ ngày càng rộng do đại dịch. Đây có thể là vấn đề khiến các cha mẹ tại Anh lo ngại.

"Nếu 7% tổ chức GD tư thục tăng tốc và thể hiện lợi thế, những phụ huynh luôn cảm thấy mơ hồ sẽ muốn cho con chuyển trường. Điều này sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng trong GD, khi các trường tư thục tiến xa hơn về đặc quyền và lợi thế", Giáo sư Reay nói thêm.

Ông Andrew McCleave - Hiệu trưởng Trường tư thục Ballard tại New Forest, chia sẻ phụ huynh đã rất ấn tượng với quyết định của trường về việc cung cấp chương trình giảng dạy trực tuyến đầy đủ trong thời gian phong tỏa.

"Ngay khi trường học đóng cửa, chúng tôi biết rằng sẽ có thể cung cấp GD theo cách đó. Học sinh tại Ballard có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ hơn so với các trường công lập. Nếu muốn giảng dạy qua Zoom, chúng tôi có thể bảo đảm rằng, mọi HS trong trường đều có thể truy cập được, trong khi các trường công lập không thể".

Hiệu trưởng Trường Ballard cũng chỉ ra rằng, các trường tư thục có quy mô lớp học nhỏ hơn nhiều so với tổ chức GD công lập. Ông McCleave nhận định, giáo viên của Ballard luôn sẵn sàng cho việc giảng dạy trực tuyến.

"Chỉ một số ít phụ huynh trong trường chúng tôi là nhân viên chủ chốt. Do đó, giáo viên có thể truyền tải bài giảng trực tuyến tới trẻ một cách dễ dàng khi có phụ huynh của các em ở nhà", ông McCleave lý giải.

Jules White - Hiệu trưởng và là lãnh đạo của chiến dịch Worth Less? - tổ chức kêu gọi nhà nước đầu tư nhiều hơn vào các trường công lập, cho biết, sẽ vô cùng "kỳ lạ" khi nghĩ rằng các trường học đã khiến phụ huynh và học sinh thất vọng.

"Trong suốt cuộc khủng hoảng, trường học công lập là công cụ bảo vệ trẻ em đến từ gia đình khó khăn, cũng như HS có nhu cầu GD đặc biệt. Gia đình của những người học dễ bị tổn thương và nhiều cá nhân khác đã được hỗ trợ", bà White khẳng định.

Mới đây, Bộ Giáo dục Anh thông báo, chính phủ đã đầu tư hơn 100 triệu bảng vào việc hỗ trợ GD từ xa và ra mắt Học viện Quốc gia Oak, nhằm cung cấp các bài học trực tuyến cho HS trong thời gian phong tỏa.

"Các trường học và giáo viên đã cố gắng hết sức trong những tháng gần đây để hỗ trợ và GD trẻ em ở nhà cũng như trên lớp. Quỹ hỗ trợ trị giá 1 tỷ bảng của chúng tôi sẽ bù đắp cho tất cả trẻ em - những người bị ảnh hưởng nặng nề đến việc học do tác động của Covid-19", phát ngôn viên của Bộ Giáo dục nhấn mạnh.

Theo The Guardian

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/anh-truong-tu-thuc-duoc-long-phu-huynh-trong-dai-dich-1595913463736.html