Anh trai Kim Jong Un - bí ẩn về một tay chơi khét tiếng

Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, là tay chơi khét tiếng. Ông được cho là người bị sát hại ở Malaysia trong vụ án chấn động năm 2017.

Kim Jong Nam, con trai đầu phải sống lưu vong của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, từng sống trong cộng đồng bài bạc và xã hội đen ở Macau.

Vì ông là thành viên duy nhất của gia tộc họ Kim sống ngoài lãnh thổ Triều Tiên, phóng viên Nhật Bản và Hàn Quốc thường đổ xô tới phỏng vấn ngay khi thấy mặt. Ông sống phong lưu, đeo đồng hồ hàng hiệu, dùng rượu và cigar đắt tiền. Trên Facebook, ông thường đăng ảnh bên ngoài các sòng bạc và khu nghỉ dưỡng.

“Sống như Las Vegas ở ngay châu Á”, ông chú thích một bức ảnh.

Nhưng đằng sau bề ngoài tiêu pha xa xỉ như vậy là một người phải kiếm thêm nhờ hợp tác với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), hai người biết về hoạt động của ông nói với Washington Post. Kim Jong Nam thường gặp mối của ông ở CIA tại Singapore hoặc Malaysia.

Những điều này được mô tả trong cuốn sách mới ra Kẻ kế vị vĩ đại của phóng viên Washington Post Anna Fifield. CIA từ chối bình luận về ông.

Ông Kim Jong Nam sống cuộc sống vương giả, dùng đồ đắt tiền ở Macau và thường xuyên đi các sòng bạc, khu nghỉ dưỡng. Ảnh: AP.

Ông Kim Jong Nam sống cuộc sống vương giả, dùng đồ đắt tiền ở Macau và thường xuyên đi các sòng bạc, khu nghỉ dưỡng. Ảnh: AP.

Quan hệ bí ẩn với CIA

Mối quan hệ bí ẩn giữa ông và CIA cho thấy cơ quan tình báo này cố gắng đến mức nào để có được thông tin bên trong đất nước khép kín nhất thế giới.

“Việc họ dùng ông ta làm đầu mối thông tin là hoàn toàn có thể”, Bruce Klingner, từng là phó đơn vị phụ trách bán đảo Triều Tiên của CIA, nói với Washington Post.

“Sau khi Kim Jong Il qua đời, Mỹ biết rất ít về Kim Jong Un, vì vậy họ sẽ phải tìm thông tin ở khắp nơi, và chắc chắn sẽ muốn nói chuyện với người anh trai cùng cha khác mẹ”.

Một quan chức Malaysia cho biết Kim Jong Nam đã gặp đặc vụ tình báo Mỹ vài hôm trước ngày 13/2/2017, lúc xảy ra vụ giết người tại sân bay Kuala Lumpur. Đó là vụ án mà phương Tây tin rằng người bị giết là Kim Jong Nam, trong khi Triều Tiên chỉ khẳng định đó là công dân nước họ tên Kim Chol, trùng với hộ chiếu nạn nhân mang theo bên người. Chiếc balô tìm thấy ở sân bay có 120.000 USD tiền mặt, làm dấy lên nhiều nghi vấn.

“Xấp tiền như vậy dường như là dấu hiệu của một quan hệ lén lút nào đó, mang tính chất tội phạm hoặc gián điệp”, ông Klingner nói, và còn đùa rằng nếu đúng như vậy, CIA trả tiền cho người cung cấp thông tin nhiều hơn nhân viên.

Không rõ ông Kim cung cấp được bao nhiêu thông tin cho giới chức Mỹ, hay cho tình báo Hàn Quốc và Trung Quốc mà ông được cho là cũng có mối quan hệ. Tuy nhiên, nhiều khả năng ông muốn kiếm thêm, sau khi người chú Jang Song Thaek bị xử tử ở Triều Tiên. Ông Jang nói chuyện thường xuyên và chu cấp nhiều tiền cho ông Kim Jong Nam khi sống lưu vong ở Macau, một người biết về chuyện tiền nong của ông Kim nói với Washington Post.

Kim Jong Nam đến sân bay ở Bắc Kinh, Trung Quốc, trong bức ảnh được chụp ngày 11/2/2017. Ảnh: Reuters.

Có thể việc ông Jang không còn nữa buộc ông Kim Jong Nam phải cậy nhờ vào tình báo nước ngoài để duy trì lối sống xa hoa. Ông Klingner nói các đặc vụ tình báo có thể đã yêu cầu Kim Jong Nam nêu góc nhìn của mình về các sự kiện bên trong Triều Tiên.

“Khi chúng tôi có đầu mối biết thông tin về một mục tiêu khó như Triều Tiên, chúng tôi thường để họ giải thích các diễn biến gần nhất”, ông nói, nêu ví dụ về lần ông hỏi một người trốn khỏi Triều Tiên nghĩ sao khi lãnh đạo Kim Jong Un thử tên lửa.

Hài lòng với cuộc sống lưu vong

Klingner nói thêm ông Kim Jong Nam dường như không có quan hệ sâu trong chính giới Triều Tiên, vì vậy không rõ ông biết được bao nhiêu, nhưng bất cứ chi tiết nào về Triều Tiên cũng đều giúp ích.

Tuy nhiên, hợp tác với tình báo nước ngoài là một điều nguy hiểm, nhất là khi ông Kim Jong Nam là con trai cả của cố lãnh đạo Kim Jong Il và có thể bị lãnh đạo Kim Jong Un coi là mối đe dọa, theo nhận định của Washington Post.

Ông Kim Jong Nam luôn cố gắng thể hiện với mọi người rằng ông hài lòng với cuộc sống lưu vong, có con với ba phụ nữ, và không có tham vọng quyền lực.

“Ông khá lo lắng về số phận của mình sau khi em trai lên nắm quyền”, một đối tác kinh doanh giấu tên nói với Washington Post. “Ông hài lòng với cuộc sống của mình, hài lòng vì vợ con, người tình đều không ở Triều Tiên”.

Anthony Sahakian, người từng học với ông ở Thụy Sĩ và vẫn giữ liên lạc, nói ông Kim Jong Nam có vẻ tự kiếm tiền và không được chính phủ Triều Tiên trợ cấp. Trong chuyến đi cuối cùng đến Geneva, ông thuê nhà qua Airbnb thay vì một khách sạn cao cấp.

Năm 2009, khi cha Kim Jong Il ngày càng yếu, ông Kim Jong Nam cố gắng gạt đi khả năng lên thay thế. “Nếu kế vị, tôi lại mặc thế này sao?”, ông nói với một đài Nhật khi đang mặc quần nỉ.

Ông Kim Jong Nam dường như phải cậy nhờ vào việc bán tin cho tình báo nước ngoài để duy trì lối sống xa hoa. Ảnh: AP.

Dám chỉ trích Triều Tiên

Ông Kim Jong Nam ngày càng chỉ trích chính phủ ở quê hương khi sống càng lâu ở nước ngoài. Sau khi cha chọn Kim Jong Un làm người kế vị, ông phản đối cách thức lãnh đạo “ba thế hệ” nhưng vẫn chúc em trai mình may mắn. “Tôi hy vọng em trai sẽ làm tất cả để cuộc sống người Triều Tiên tốt lên”, ông nói, đồng thời tỏ ý sẵn lòng giúp đỡ từ hải ngoại.

Ông còn chỉ trích gay gắt hơn vào năm 2009, nói đã đến lúc đất nước “mở cửa và cải cách” như Trung Quốc. Lời lên án mạnh mẽ nhất là vào năm 2012, sau khi ông Kim Jong Un trở thành lãnh đạo: “Tôi nghi ngờ người chỉ được dìu dắt hai năm có thể trở thành lãnh đạo”, ông Kim Jong Nam viết cho một phóng viên Nhật vào lúc đó.

Người đàn ông bị giết ở Kuala Lumpur ăn vận đơn giản như bao người đàn ông 45 tuổi khác, không có trợ lý đi cùng. Đang đợi để làm thủ tục chuyến bay giá rẻ của Air Asia, ông bị hai phụ nữ bôi chất độc thần kinh VX lên mặt.

Hai người này, công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương và công dân Indonesia Siti Aisyah, vào ngay nhà vệ sinh rửa tay. Hai người đã bị giam giữ, xét xử trong hơn hai năm, và mới vừa được thả trong những tháng gần đây, Siti Aisyah được rút lệnh truy tố còn Đoàn Thị Hương bị kết tội “cố ý gây thương tích”.

Người đàn ông được cho là Kim Jong Nam chết chỉ 15 phút sau khi tiếp xúc với chất VX. Điều tra viên tìm được thuốc giải độc, bao gồm thuốc giải dành cho VX, trên người ông vào ngày ông bị sát hại. Không rõ vì sao chúng không được ông sử dụng.

Đoàn Thị Hương vui mừng sau khi rời phiên tòa ở Malaysia ngày 1/4, biết rằng mình sẽ được thả vào tháng 5. Ảnh: AP.

Trọng Thuấn
theo Washington Post

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/anh-trai-kim-jong-un-bi-an-ve-mot-tay-choi-khet-tieng-post956385.html