Anh thúc đẩy quan hệ thương mại với Việt Nam

Năm 2019 sẽ là năm Anh đẩy mạnh quan hệ thương mại với Việt Nam sau khi rời khỏi EU (Brexit). Đây là nhận định của ông Mark Field, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương tại sự kiện 'Vietnam: Ready to Trade' của Công ty KPMG Việt Nam chiều 3-1.

Sự kiện “Vietnam: Ready to Trade” của Công ty KPMG Việt Nam. Ảnh: Mỹ Huyền

Ông Mark Field cho biết, Vương quốc Anh đang tìm cách đẩy mạnh quan hệ thương mại với các nước châu Á và Việt Nam, một trong 6 nước trong khu vực mà Anh muốn xúc tiến thương mạnh mẽ hơn trong năm 2019. Việt Nam với hơn 90 triệu dân là thị trường tiêu dùng lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Theo ông Field, các doanh nghiệp Anh sẽ nhắm vào thị trường du học, chăm sóc sức khỏe, điện tử… ở Việt Nam.

- Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh năm 2017 đạt 5,4 tỉ đô la Mỹ.

- Kim ngạch xuất khẩu từ Anh sang Việt Nam năm 2017 đạt 738 triệu đô la Mỹ với các mặt hàng chính là dược phẩm chiếm 18%, bộ phận điện tử chiếm 11% và gỗ nhập khẩu chiếm 7%.

Tuy nhiên, ông Warrick Cleine, Chủ tịch và CEO của KPMG Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp của Anh sẽ phải đối mặt với các thách thức khi đầu tư vào Việt Nam, vì họ sẽ phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp khác tới đây theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và sắp tới là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Không chỉ vậy, nhiều nước khác cũng đang nhắm vào Việt Nam như một thị trường thay thế, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết.

Bà Trương Quỳnh Hoa, Giám đốc Dịch vụ tư vấn KPMG Việt Nam lưu ý, khi vào Việt Nam các doanh nghiệp Anh phải tìm hiểu luật về xuất nhập khẩu của Việt Nam, được cho là khá phức tạp và khác biệt đối với doanh nghiệp của Anh. Ngoài ra, họ cũng nên tìm hiểu một số luật lệ mới ban hành.

Đáng chú ý, theo bà Hoa, là chính sách thuế dành cho thương mại điện tử của Việt Nam đang trong tiến trình hoàn thiện nên các doanh nghiệp Anh cũng phải thận trọng hơn khi giao thương trên kênh thương mại này. Ngoài ra, họ cũng phải chú ý đến một số điểm định giá mặt hàng xuất nhập khẩu của hải quan Việt Nam ảnh hưởng đến thuế suất thuế nhập khẩu và khả năng của ngành logistics vẫn còn yếu trong nước.

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283749/anh-thuc-day-quan-he-thuong-mai-voi-viet-nam.html