Anh: Tân Thủ tướng Johnson thất bại trước Quốc hội, tiến trình Brexit sẽ lại hỗn loạn?

Quốc hội Anh bước vào một tuần làm việc căng thẳng khi cuộc đối đầu của Hạ viện với Chính phủ Thủ tướng Boris Johnson lên cao trào.

Thất bại tại Quốc hội, Thủ tướng Anh đã loại toàn bộ nghị sĩ "nổi loạn" chống Brexit khỏi đảng Bảo thủ. (Nguồn: AP)

Tiến trình không chắc chắn

Ngày 3/9, các nghị sĩ Anh đã đánh bại Thủ tướng Boris Johnson tại Quốc hội trong một nỗ lực nhằm ngăn cản ông đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận, khiến Thủ tướng phải tuyên bố rằng ông sẽ lập tức thúc đẩy một cuộc bầu cử sớm.

Với 328 phiếu thuận và 301 phiếu chống, các nhà lập pháp Anh đã ủng hộ một kiến nghị được đề xuất bởi các đảng đối lập và các nghị sĩ nổi loạn trong chính đảng Bảo thủ của ông Johnson. Các nghị sĩ nổi loạn này đã bị cảnh báo về việc bị loại khỏi đảng Bảo thủ nếu như họ bất tuân chính phủ.

Hơn 3 năm sau khi Vương quốc Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc rời EU, động thái mới nhất này sẽ khiến tiến trình Brexit trở nên không chắc chắn, với kết quả có thể vẫn sẽ là sự ra đi không thỏa thuận đầy hỗn loạn.

Chiến thắng hôm 3/9 mới chỉ là bước đi đầu tiên của các nhà lập pháp, cho phép họ kiểm soát nghị trình Quốc hội. Họ sẽ tìm cách thông qua một dự luật buộc Thủ tướng Johnson phải đề nghị EU lùi Brexit (lần thứ 3) đến ngày 31/1/2020, trừ phi ông có một thỏa thuận Brexit được Quốc hội thông qua trước thời hạn đó.

Điều này đẩy ông Johnson vào tình huống tương tự người tiền nhiệm Theresa May, người đã 3 lần thất bại trong việc giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ cho thỏa thuận “ra đi” mà bà đã đàm phán với EU. Ông Johnson tiếp quản vị trí Thủ tướng cách đây 6 tuần với cam kết rằng cách tiếp cận thẳng thắn hơn của ông sẽ buộc EU đồng ý với một thỏa thuận tốt hơn, đồng thời sẽ làm hài lòng Quốc hội.

Cuộc đấu trực diện

Có 21 nghị sĩ nổi loạn trong đảng Bảo thủ đang đứng trước nguy cơ bị khai trừ khỏi đảng Bảo thủ, bao gồm ông Nicholas Soames, cháu trai của nhà lãnh đạo Winston Churchill và 2 cựu bộ trưởng tài chính là ông Philip Hammond và ông Kenneth Clarke. Phát biểu trước Quốc hội sau cuộc bỏ phiếu, ông Johnson nói: “Tôi không muốn tiến hành cuộc bầu cử, nhưng nếu các nghị sĩ trong ngày 4/9 bỏ phiếu để chấm dứt đàm phán và dẫn tới sự trì hoãn Brexit vô nghĩa khác, có thể trong nhiều năm nữa, thì khi đó việc bỏ phiếu sẽ là cách duy nhất để giải quyết điều này”.

Tương lai Brexit vẫn rất mông lung. (Nguồn: Sky News)

Nếu đề xuất bầu cử sớm được đưa ra tuần này, nó cần 2/3 nghị sĩ trong Hạ viện Anh ủng hộ. Các báo Anh đồng loạt cho rằng đây là “cuộc đấu” giữa Quốc hội và chính phủ Anh, có thể biến đổi chính trị nước này trong nhiều năm tới.

Cuộc bầu cử có thể diễn ra vào ngày 14/10, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể được nhất trí. Ông Johnson nói rằng ông không muốn tiến hành bầu cử, nhưng nếu các nghị sĩ bỏ phiếu cho dự luật ngăn chặn việc ra đi không thỏa thuận vào ngày 4/9 thì khi đó người dân sẽ phải lựa chọn ai sẽ tới Brussels vào ngày 17/10 tới. Ông Johnson nói: “Nếu ông Jeremy Corbyn (Chủ tịch Công đảng) tới Brussels, ông ta sẽ làm những gì EU muốn”, nhưng nếu ông Johnson là người thực hiện điều đó, ông sẽ đạt được thỏa thuận từ EU.

Trong suốt một ngày đầy kịch tính, khi các nghị sĩ Anh trở lại Westminster sau kỳ nghỉ Hè, ông Johnson đã hứng chịu thất bại khi ông Phillip Lee, một trong các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã gia nhập đảng Dân chủ Tự do. Việc ông Phillip Lee rời khỏi băng ghế của đảng Bảo thủ đồng nghĩa rằng chính phủ của ông Johnson không còn giữ đa số tại Hạ viện.

Nếu dự luật khẩn cấp (với nội dung ngăn chặn Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận) được thông qua ở lưỡng viện và nhận được sự chấp thuận của Nữ hoàng Elizabeth trong tuần này, nó sẽ ngăn chặn Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10 trừ phi Anh và EU đạt được một thỏa thuận. Những người ủng hộ nói rằng, động thái này được cho là cơ hội cuối cùng để các nghị sĩ ngăn chặn Anh ra đi mà không có thỏa thuận.

Thủ tướng Anh khẳng định ông đang cố gắng đàm phán lại về thỏa thuận ra đi mà người tiền nhiệm Theresa May nhất trí với EU và yêu cầu loại bỏ điều khoản “chốt chặn cuối” Ireland. Điều khoản này được đưa ra nhằm ngăn chặn việc tái áp đặt trạm kiểm soát biên giới giữa Cộng hòa Ireland (thành viên của EU) và Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh). Đến nay, EU vẫn phủ nhận điều này và nói rằng ông Johnson chưa thể đưa ra một giải pháp thay thế hiệu quả.

Trong bài phát biểu hôm 3/9, ông Johnson nói rằng chính phủ của ông đã đạt được tiến triển trong việc này. Tuy nhiên, Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn đã đặt câu hỏi về cách mô tả của ông Johnson về các cuộc đàm phán với EU và cho rằng chiến lược của chính phủ đến nay chỉ đang làm “lãng phí thời gian”.

Ông Corbyn nói: “Thủ tướng có thể tuyên bố rằng ông đã đạt được tiến triển, nhưng các nhà lãnh đạo EU lại thông báo rằng chính phủ Anh đến nay chưa đưa ra được đề xuất mới nào. Hiện mọi việc ngày một trở nên rõ ràng rằng chính phủ hấp tấp của ông chỉ có một kế hoạch duy nhất, đó là rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào”.

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/anh-tan-thu-tuong-johnson-that-bai-truoc-quoc-hoi-tien-trinh-brexit-se-lai-hon-loan-100554.html