Anh tái khởi động khai thác khí đá phiến

Ở tây bắc nước Anh, hoạt động khoan thăm dò khí đá phiến bằng phương pháp nứt gãy thủy lực (fracking) đã được khởi động từ giữa tháng 10/2018. Đây là lần đầu tiên trong 7 năm qua, nước Anh cho phép hoạt động này quay trở lại.

Anh là nước tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn thứ hai châu Âu (78,8 Gm3 năm 2017), sau Đức, theo thống kê của BP về năng lượng thế giới, tháng 6/2018.

Do sản xuất trong nước giảm (-44,5% trong giai đoạn 2007 - 2017) ở Biển Bắc, nước Anh hiện đang nhập khẩu hơn một nửa lượng khí tiêu thụ, chủ yếu là từ Na Uy. Năm 2017, Anh nhập tới 56% lượng khí tiêu thụ (47% bằng đường ống và 9% bằng tàu chuyên dụng).

Do đó, việc khai thác khí đá phiến được những người ủng hộ “tung hô” như một cách để tăng cường an ninh năng lượng cho nước Anh. Đề xuất này được Thủ tướng Theresa May ủng hộ, nhất là trong bối cảnh nước Anh đang chuẩn bị rời EU, những hậu quả của Brexit về thương mại và nhiên liệu đang gây ra nhiều lo ngại cho dư luận nước Anh.

Thăm dò khí đá phiến ở mỏ Preese Hall, Anh, năm 2011

Như vậy, khí đá phiến một lần nữa trở thành trung tâm của sự chú ý ở nước Anh, sau khi các hoạt động phá vỡ mảng kiến tạo lớp vỏ trái đất bằng thủy lực để khai thác khí đã được bắt đầu từ giữa tháng 10/2018 tại mỏ Preston New Road ở quận Lancashire. Trước đó ít ngày, Tòa án Tối cao nước Anh đã bác bỏ kháng cáo cuối cùng của một tổ chức phản đối dự án này.

Kỹ thuật nứt gãy thủy lực không được sử dụng ở Anh, do gây ra các vụ vi địa chấn (cường độ từ 1,5 - 2,3 độ Richter) gần Blackpool vào tháng 5/2011. Một lệnh cấm kỹ thuật nứt gãy thủy lực đã được áp đặt tại Anh trong gần một năm rưỡi, tới tháng 12/2012. Sau đó, các nhà chức trách Anh lại tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với việc phát triển khí đá phiến trên cơ sở báo cáo của Học viện Kỹ thuật Hoàng gia, nhưng vẫn cảnh báo cần giám sát chặt chẽ hơn việc thăm dò và khai thác khí đá phiến.

Báo cáo của Học viện Kỹ thuật Hoàng gia kết luận rằng, việc khai thác khí đá phiến bằng phương pháp nứt gãy thủy lực là có thể tiến hành được, những nguy cơ với sức khỏe con người và an toàn môi trường từ hoạt động khai thác này có thể kiểm soát được. Nhưng, Quốc hội Anh ra một đạo luật quy định rằng, nếu trong quá trình khai thác khí đá phiến bằng phương pháp nứt gãy thủy lực gây ra bất cứ một hoạt động địa chấn nào lớn hơn hoặc bằng 0,5 độ Richter thì mọi hoạt động khoan phải ngừng ít nhất 18 giờ.

Vào ngày 23/10/2018, các hoạt động khoan thăm dò tại mỏ Preston New Road đã được nhà điều hành Cuadrilla Resources thận trọng dừng lại sau khi xuất hiện một rung chấn 0,4 độ Richter (trong giới hạn cho phép của Cơ quan Dầu khí Anh). Trong những trường hợp tương tự, sau đó Cuadrilla phải giảm tốc độ bơm chất lỏng xuống lòng đất và giám sát liên tục hoạt động địa chấn.

Trong báo cáo hoạt động địa chấn mới nhất, Cơ quan Khảo sát địa chất Anh cho biết, họ đã đo được các rung chấn mới với cường độ dưới 1 độ Richter lúc giữa trưa ngày 24/10/2018. Các hoạt động hiện tại của Cuadrilla mới chỉ nhằm mục đích đo lường trữ lượng tiềm năng ở mỏ Preston New Road, nhưng không bảo đảm rằng, các kết quả sẽ đáp ứng được kỳ vọng của giới chức chính trị Anh.

Trong báo cáo đánh giá về các nguồn dầu khí và đá phiến ở Anh, tháng 9/2015, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho rằng, địa chất đá phiến của Anh phức tạp hơn nhiều so với ở Bắc Mỹ, nếu có khai thác thì chi phí cao hơn đáng kể. Ba Lan đã cố gắng khai thác khí đá phiến, nhưng đã “bỏ ngang” vì không có lợi nhuận.

Trong khi việc khai thác các nhiên liệu phi truyền thống đã giúp Hoa Kỳ trở thành nước sản xuất khí thiên nhiên và dầu mỏ lớn nhất thế giới, EIA tin rằng Ba Lan và Pháp là những nước châu Âu có tiềm năng nhất về tài nguyên dầu và khí đá phiến, vượt xa nước Anh. Tuy nhiên, kỹ thuật nứt gãy thủy lực đã bị cấm ở Pháp vào tháng 7/2011, cũng như ở Đức, Hà Lan hoặc Bulgaria.

Fracking là phương pháp dùng kỹ thuật thủy lực bẻ gãy, hay là bơm nước áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đá phiến sét, qua đó giải phóng dầu và khí đốt bị kẹt lại trong lớp đất đá này. Phần nước thải trào lên từ những giếng khoan này sau đó sẽ được đổ vào các giếng khoan khác ứng dụng chung kỹ thuật

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/anh-tai-khoi-dong-khai-thac-khi-da-phien-520632.html