Anh sống mãi với trời xanh đất mẹ

Sáng 28-7, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân đóng quân trên địa bàn Quân khu 4 và đông đảo người dân xứ Nghệ, người thân gia đình hai phi công hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện tại Nghệ An đã thắp nén hương tiễn đưa hai liệt sĩ - Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam về nơi an nghỉ cuối cùng với lòng tiếc thương vô hạn.

Lễ Truy điệu Thượng tá Khuất Mạnh Trí và Đại tá Phạm Giang Nam sáng 28-7 tại Viện Quân y 4 (Nghệ An). Ảnh: Thắng Hùng

Lễ truy điệu nghẹn lòng người sống

Đúng 7 giờ sáng ngày 28-7, Nhà tang lễ bệnh viện Quân y 4 (Quân khu 4 thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ khoác áo xanh da trời thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân và nhiều đồng đội đóng quân trên địa bàn Nghệ An cùng người thân, gia quyến đã tham dự lễ truy điệu hai liệt sĩ Khuất Mạnh Trí và Phạm Giang Nam.

Thay mặt Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Trung tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, xúc động nghẹn ngào đọc lời điếu: “Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân vô cùng thương tiếc đồng chí Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng và đồng chí Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371. Các đồng chí đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Sự mất mát và đau thương này là tổn thất to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân nói chung, Sư đoàn 371 nói riêng. Các đồng chí hy sinh, nhưng ý chí và tinh thần chiến đấu, bảo vệ bầu trời của Tổ quốc vẫn còn vang mãi trong lòng cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi xin được thắp nén nhang thơm, đặt vòng hoa kính viếng vĩnh biệt đồng chí và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình cùng toàn thể gia quyến”.

Đồng đội tiễn đưa các anh về với đất mẹ. Ảnh: Thắng Hùng

Trong giờ phút đau thương ly biệt, chị Phan Minh Trang - vợ của Đại tá Phạm Giang Nam đưa bàn tay chạm vào linh cữu, nhìn mặt chồng qua khung kính áo quan. Chị thì thầm điều gì đó như căn dặn anh lần cuối trước khi vĩnh hằng trong lòng đất mẹ. Hai con nhỏ của chị chưa hiểu sự mất mát đau thương quá lớn khi bố chúng không còn nữa, chúng ngơ ngác nhìn những người xung quanh, rồi hỏi mẹ, mẹ ơi sao bố chưa về.

Còn bố liệt sĩ Phạm Giang Nam - ông Phạm Văn Mỹ gọi tên con trai, gào khóc: “Nam ơi, đừng bỏ bố đi sớm như vậy. Sự nghiệp của con còn dang dở. Cả nhà vẫn mong ngày nào đó sum họp gia đình. Các con của con còn quá nhỏ, giờ con không còn lấy ai để chúng gọi tên. Nam ơi, mẹ con vẫn chờ đón con về”. Ông Mỹ lặng lẽ thắp cho con trai nén nhang, rồi đi quanh linh cữu con lần nữa.

Hàng trăm người lính mắt đỏ hoe xúc động, nhân dân địa phương cũng không kìm được nước mắt. Còn những người thân trong gia đình hai liệt sĩ bần thần như đứt từng khúc ruột. Nói lời cảm ơn chân thành sâu sắc đến cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân và những người có mặt làm lễ truy điệu, đại diện người thân của liệt sĩ Khuất Mạnh Trí nghẹn lòng, nói: “Anh Trí, anh Nam sẽ sống mãi trong gia đình, đồng đội và những người có mặt hôm nay”.

Chuyến bay định mệnh và nỗi đau người vợ trẻ

Trưa ngày 26-7, trong khi cả nước đang làm nhiều việc nghĩa tri ân các anh hùng, liệt sĩ và thân nhân của họ nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 thì nhiều người nhận được thông hai phi công hy sinh trên bầu trời Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An trong chuyến bay huấn luyện.

Thông tin ban đầu xác nhận, khoảng 11 giờ 16 phút trưa ngày 26-7 chiếc máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân, xuất phát từ sân bay Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa bay huấn luyện theo kế hoạch, sau đó mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút cùng ngày.

Khi bay đến tọa giữa đồi ở địa bàn Làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An thì gặp sự cố. Theo quan sát của người dân làng Dừa, trước khi nghe tiếng nổ lớn trên đồi. Ngay sau khi một tiếng nổ dữ dội và khói bốc lên từ khe đồi Làng Dừa, người dân bản xứ nơi đây đã chạy vào nơi có tiếng nổ. Một vạt đồi bị sạt lở, nhiều cây cối bị đổ rạp, nhàu nát, một số mảnh vỡ của thân máy bay văng gần đó, trong đó có chiếc dù của phi công.

Các chiến sĩ trẻ buồn đau tiễn biệt hai phi công. Ảnh: Thắng Hùng

Xác định máy bay Su-22U-8551 gặp nạn, Bộ Quốc phòng đã phát đi thông báo khẩn cấp và lệnh cho các lực lượng ở Quân khu 4 khẩn cấp cứu hộ cứu nạn. Mặc dù đường mưa, trơn trượt, địa hình rừng núi, khó khăn cho việc tìm kiếm, song hàng chục xe chuyên dụng quân sự, hàng trăm người lính khẩn cấp vào rừng.

Sau một đêm thức trắng tìm kiếm, sáng sớm 27-7, thi thể hai phi công Khuất Mạnh Trí và Phạm Giang Nam đã được đồng đội chuyển về Bệnh viện Quân y, Quân khu 4 (Nghệ An) để làm các thủ tục quân sự cần thiết.

Nhận được tin chồng hy sinh, chị Phan Minh Trang - vợ của liệt sĩ Phạm Giang Nam ngất lịm. Mới cách đó chưa đầy tuần, anh Nam còn điện thoại hứa về thăm mẹ con chị ở Thái Bình: “Khi nhận được tin anh hy sinh, em không tin vào cảm giác của mình. Mới cách đây mấy ngày, vợ chồng còn nói chuyện với nhau trên điện thoại, vậy mà anh đã ra đi. Su, Mích ơi, bố con đã đi rồi”, chị Trang khóc nghẹn ngào trong điện thoại.

Theo người thân của liệt sĩ Phạm Giang Nam, vợ anh - chị Trang làm nghề phát thanh viên của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Bình. Hai vợ chồng cưới nhau cả chục năm mới giành dụm tiền lương mua được căn nhà nhỏ ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Anh chị sinh được hai người con.

Người thân gia đình nghẹn khóc phút biệt ly. Ảnh: Thắng Hùng

Anh Nam là người yêu nghề nghiệp và coi đó là ước mơ từ thời cắp sách, vì vậy, tên con gái của anh có biệt danh là Su, biệt danh con trai là Míc. Mỗi năm 30 ngày phép về thăm vợ con, bố mẹ nội ngoại hai bên, rồi trở lại đơn vị làm việc. Có lần đi công tác, hoặc có việc gia đình quan trọng, anh Nam được đơn vị giải quyết tranh thủ vài ngày.

Thời gian ít ỏi ấy, ba bố con tíu tít bên nhau, bé chị nũng nịu, còn bé em đòi bế. Để công bằng, anh Nam làm “bò”, làm “ngựa” để hai con cưỡi lưng. Do thời gian giành cho con nhiều hơn, vợ chồng anh không có thời gian nói chuyện nhiều. Để bù cho vợ, nhiều lần anh Nam chở vợ đến cơ quan làm, vừa để an ủi động viên, vừa để “bù” những nỗi nhớ trong những ngày xa nhà. Những kỷ niệm ấy bây giờ chỉ là ký ức.

Khi nhận được tin Thượng tá Khuất Mạnh Trí hy sinh, cả gia đình anh bàng hoàng. Mẹ anh ngất lịm còn người vợ trẻ gào khóc gọi tên chồng suốt đêm 26-7. Ông Trần Trọng Điệp, bác của liệt sĩ Khuất Mạnh Trí cho biết: Anh Trí theo đường binh nghiệp để thỏa ước nguyện của cha, và chính anh cũng ước vọng làm phi công từ thời trai trẻ. Bố anh nguyên là cựu tù Côn Đảo, ông đã mất cách đây 10 năm. Vợ anh Trí làm nghề bưu điện. Anh Trí có hai con nhỏ, bé gái học lớp 4, bé trai học lớp 1.

Anh Trí công tác ở sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), một năm anh về thăm vợ con chừng 2-3 lần, chủ yếu là đi tranh thủ ghé qua nhà. Anh Trí là chỗ dựa duy nhất của mẹ và người em gái. Ngoài việc làm bạn với bầu trời, anh còn có sở thích trồng hoa lan. Mỗi lần về thăm nhà, anh đều chăm sóc hoa lan, và coi đó như món quà tặng vợ anh sau thời gian vắng nhà dài ngày.

Hai liệt sĩ Khuất Mạnh Trí (bên trái) và Phạm Giang Nam. Ảnh: Thắng Hùng

Sáng 28-7, tại Bệnh viện Quân y 4, Quân chủng Phòng không - Không quân làm lễ truy điệu tiễn đưa các anh về thẳm sâu vĩnh hằng đất mẹ. Các anh hy sinh, cuốn sổ vàng truyền thống của Quân chủng Phòng không - Không quân thêm dòng mực mới. Dẫu chẳng ai mong cuốn sổ ấy thêm dòng mực nữa, song nhiệm vụ bảo vệ bầu trời đất mẹ yên bình, thiên tai luôn rình rập, ai biết trước điều gì có thể xảy ra.

Các anh đã hy sinh, nhưng tên tuổi các anh vẫn mãi lưu danh, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân không bao giờ quên các anh đã ngã xuống để giữ bình yên bầu trời Tổ quốc.

Mai Thắng -Tiến Hùng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/anh-song-mai-voi-troi-xanh-dat-me/