Anh sẽ quay lại Liên minh châu Âu nếu đàm phán thất bại?

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Anh-EU diễn ra trong 2 ngày 17 và 18 tháng 10, một nghị sĩ Anh đã cảnh báo khả năng London sẽ tái gia nhập Liên minh châu Âu khi những đàm phán về Brexit liên tục thất bại.

Tuyên bố gây sốc

Hãng tin Express của Anh cho hay, người đưa ra tuyên bố này là Nghị sĩ Tim Aker – một nhân vật vốn ủng hộ Brexit. Lý do mà ông Tim Aker đưa ra là vì trong suốt hai năm qua, dù đã cố gắng hết sức nhưng các nhà lãnh đạo EU và Anh vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này và khả năng tạo một bước đột phá tại Hội nghị thượng đỉnh vào 2 ngày 17 và 18 tháng 10 là bất khả thi.

Cũng theo lời Nghị sĩ Tim Aker, bài phát biểu đầy lạc quan của Thủ tướng Anh Theresa May trước Hạ viện để thông báo tình hình đàm phản về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào tối 15-10 không hề rõ ràng. “Đó chỉ là chiêu thức để tạo niềm tin cho mọi người. Những gì bà ấy thể hiện vẫn là kêu gọi hai bên không nên để những bất đồng dẫn đến việc không đạt được một thỏa thuận về Brexit. Không có gì cụ thể, không có “ánh sáng cuối đường hầm”, ông Tim Aker nhận xét.

Thủ tướng Anh Theresa May điều trần trước Hạ viện về kết quả các cuộc đàm phán trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Anh-EU. Ảnh: AP.

Vì thế, theo lập luận của nghị sĩ này, tuyên bố về Brexit sẽ bị đảo ngược trong vài năm do kết quả của việc xử lý các cuộc đàm phán Brexit của bà Theresa May, tạo ra viễn cảnh Anh quay trở lại khối này một lần nữa trong tương lai. Thậm chí, ông Tim Aker còn cho rằng, nếu nhanh thì Anh có thể lại trở thành thành viên của EU vào mùa xuân năm 2019, tức sau khi hạn chót Brexit kết thúc.

Nói riêng với tờ Express, Nghị sĩ Tim Aker nhấn mạnh: “Trong khi chúng tôi có một Thủ tướng không muốn Brexit nhưng lại nghĩ rằng có thể làm được việc đó thì chúng tôi sẽ không đi đạt được gì cả”.

Ông Tim Aker còn cho biết thêm là Nhóm nghiên cứu châu Âu (ERG) của các nghị sĩ bảo thủ ủng hộ Brexit đã đạt được nhiều tiến bộ hơn trong việc giải quyết bế tắc đàm phán Brexit của Anh trong vòng hai tuần so với những gì mà Văn phòng số 1 phố Downing làm trong hai năm qua. Đặc biệt, ERG đã công bố một báo cáo trong tháng 9, phác thảo các đề xuất giải quyết vấn đề biên giới Ireland trong khi tránh việc tái thực hiện một biên giới cứng.

Báo cáo nói rằng “các giải pháp kỹ thuật đã được thiết lập và các thủ tục hải quan đơn giản” có thể được thực hiện để giải quyết vấn đề, chỉ ra một hình thức sắp xếp hải quan “tối ưu hóa”. Đồng thời, ông Tim Aker cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Brexit trước đó bao gồm cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và cựu thư ký Brexit David Davis đứng ra để hỗ trợ hoặc thay bà Theresa May kiểm soát các cuộc đàm phán để thực hiện theo đúng ý muốn của các cử tri Anh.

Gập ghềnh con đường đàm phán

Trên thực tế, tiến trình đàm phán giữa Anh và EU về việc nước Anh rời khỏi “ngôi nhà chung” đã đổi hướng liên tục giữa hai thái cực “hy vọng” và “thất vọng” do những bất đồng lớn nhất về vấn đề đường biên giới của Ireland.

Điểm mắc kẹt lớn nhất giữa Anh và EU trong vấn đề này là làm thế nào để đảm bảo rằng không có “biên giới cứng” được tạo ra giữa quốc gia thành viên EU là Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh khi Brexit chính thức xảy ra vào ngày 29-3-2019. EU thì cho rằng chính sách đảm bảo nhất là Bắc Ireland ở lại trong thị trưởng đơn lẻ đối với hàng hóa và liên minh thuế quan.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier cho biết: "Chúng tôi không yêu cầu một biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Anh, nhưng chúng tôi cần kiểm tra hàng hóa, bởi vì Anh muốn rời khỏi thị trường đơn lẻ, liên minh thuế quan và chính sách thương mại chung của EU. Chúng tôi không thể mất thời gian về vấn đề này". Nghĩa là cùng với việc Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan của khối, EU cũng muốn có tuần tra canh gác trên đất liền giữa Ireland và khu vực Bắc Ireland thuộc Anh. Nhưng đề xuất này lại khiến nhiều người lo ngại sẽ thổi bùng những căng thẳng tôn giáo và chính trị tại đây.

Thủ tướng Theresa May còn khẳng định một biên giới trên biển Ireland cũng không được chấp nhận huống hồ là biên giới trên đất liền. Vì thế, bà Theresa May nêu quan điểm giữ Anh trong liên minh hải quan của EU trong tạm thời. Brussel đã thẳng thừng từ chối ý kiến này.

Trước những khó khăn ngày càng nảy sinh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) hôm 15-10 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu không từ bỏ việc đạt được một thỏa thuận Brexit với Anh.

Trong một lá thư gửi các nhà lãnh đạo EU trước thềm hội nghị thượng đỉnh, ông Donald Tusk thừa nhận các cuộc đàm phán cho đến ngày 15-10 vẫn chưa đưa ra được giải pháp chung và rằng vấn đề này phức tạp hơn so với dự kiến. Nhưng Chủ tịch EC vẫn nhấn mạnh: "Chúng ta vẫn nên hy vọng và quyết tâm, vì có thiện chí để tiếp tục các cuộc đàm phán trên cả hai mặt”.

Trong khi đó, bà Theresa May cũng đang cố gắng giảm áp lực từ đảng Bảo thủ và các đồng minh nghị viện của họ. Giới quan sát thì nhận định, rõ ràng, hai bên đều có quyết tâm xích lại gần nhau trong vấn đề biên giới Ireland nhưng sự xung đột lợi ích quá lớn khiến họ không thể “bắt tay nhau”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người được cho là có tiếng nói mạnh nhất tại EU đã nhấn mạnh rằng Đức muốn một sự ra đi có trật tự của Anh "nhưng không phải ở bất cứ giá nào". "Chúng tôi không được cho phép thị trường duy nhất của chúng tôi, mà thực sự là lợi thế cạnh tranh của chúng tôi, bị phá hủy bởi sự rút lui như vậy", bà Angele Merkel nói với Hiệp hội các nhà xuất khẩu của Đức. Còn các nhà đàm phán và lãnh đạo khác trong EU thì nói rằng, Anh không thể “đào thoát” mà không có chi phí và trách nhiệm.

Phan Hiển

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/anh-se-quay-lai-lien-minh-chau-au-neu-dam-phan-that-bai-515380/