Anh sắp rời đi, nhưng EU sẽ không nhớ họ

Brexit được cho là sẽ đe dọa sự ổn định của EU, nhưng khi quá trình đàm phán kết thúc, người ta lại thấy một EU rất đoàn kết

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã góp phần vạch ra quan điểm của Brussels về Brexit từ những ngày đầu tiên, và quan điểm này tiếp tục được giữ vững đến nay. Ảnh: AP.

Vào ngày 24/6/2016, một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng Donald Tusk và Chủ tịch Nghị viện Martin Schulz đã đưa ra một thông báo chung, nói rằng dù điều này diễn ra là điều “đáng tiếc”, các nước còn lại trong khối sẽ tôn trọng lựa chọn của Anh.

Ba nhà lãnh đạo EU cũng cho biết những nước còn lại sẽ tiếp tục đoàn kết và đứng cùng nhau để bảo vệ sự ổn định và thịnh vượng của khối. Bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ được đàm phán một cách “công bằng” và sẽ có đầy đủ các yêu cầu với London để đảm bảo điều đó.

Những ngày sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống PhápFrancois Hollande tiếp tục củng cố lập trường này. Phát biểu trước Bundestag (quốc hội Đức), bà Merkel cho biết sẽ không có chuyện nước Anh được “hái những trái anh đào” (cherry-picking: chỉ chọn những điều có lợi). Thủ tướng Đức nhấn mạnh cần có “sự khác biệt rõ ràng giữa những nước là thành viên của gia đình EU và những nước khác".

Ông Hollande, tổng thống Pháp khi đó, thậm chí còn khi nhận định việc ở lại thị trường chung “có rất nhiều lợi ích. Và nước Anh sẽ phải đối mặt với những hậu quả từ quyết định này”.

Hai năm rưỡi trôi qua, quá trình đàm phán đã hoàn thành một cách căn bản và hai bên đã thống nhất được một thỏa thuận sơ bộ, ít nhất là với 27 nước EU còn lại khi họ thông qua kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May.

Rất nhiều điều đã thay đổi trong quãng thời gian này, sự nuối tiếc vẫn còn, nhưng một trang mới đã mở ra trong lịch sử EU.

Ông Schulz đã biến mất khỏi sân khấu chính trị, ông Hollande không còn là tổng thống Pháp, và bà Merkel đã công bố kế hoạch nghỉ hưu của mình vào năm 2021. Những đảng dân túy và thiên hữu đang trỗi dậy rộng khắp châu lục già, tiêu biểu như ở Italy, Hungary và thậm chí là ở những nước với tư tưởng tự do nhất như Thụy Điển.

Sự đoàn kết bất thường, nhưng dễ hiểu

Ông Donald Tusk, ông Jean-Claude Juncker và ông Michel Barnier. Ông Barnier trở thành người đại diện đáng tin cậy của EU trong quá trình đàm phán Brexit. Ảnh: AP.

Mặc dù EU thường gặp khó khăn trong việc tìm ra sự đồng thuận để giải quyết nhiều vấn đề, mọi thứ lại diễn ra rất trơn tru với Brexit. 27 nước thành viên còn lại đi đến sự nhất trí thông qua thỏa thuận với chính phủ Anh trong thời gian tương đối ngắn. Sự đồng lòng này phần nào đã khiến cho Brussels ở vào một vị trí khác trên bàn đàm phán với London, nếu so sánh với sự hỗn loạn trong chính phủ Anh.

Mặc dù mỗi quốc gia thành viên đều có bài toán riêng trong vấn đề Brexit. Nhưng trong suốt quá trình đàm phán, điều nổi bật nhất có thể nhận ra là các nước này đều đề cao sự đoàn kết của EU.

Bà Anna-Lena Hogenauer, nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Chính trị Luxembourg, nhận định: “Rõ ràng là hầu hết châu Âu đều nhận thấy những lời hứa của chính phủ Anh về Brexit là cái gì đó trống rỗng”.

“Nước Anh đơn giản là đã tự bịt mắt, nhảy xuống biển và bơi vòng quanh. Có vẻ như họ kỳ vọng EU sẽ không bắt họ phải làm theo cách của Brussels, mà sẽ đưa ra một kế hoạch Brexit phù hợp với mong muốn của họ”, bà Hogenauer nhận xét.

Sự đoàn kết của EU không phải đến lúc này mới được thể hiện. Từ những ngày đầu tiên sau cuộc trưng cầu dân ý, đã có những nỗi lo thật sự bao trùm lên bầu không khí ở Brussels. Ông Fabien Zuleeg, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách châu Âu, cho biết: “Đã có những mối quan ngại, nếu không muốn nói là sợ hãi, về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, và quá trình này sẽ diễn biến như thế nào”.

Nhưng chính điều này đã kéo các nước EU trở lại gần nhau hơn, những yêu cầu của Brussels với London được vạch ra rất chi tiết và rõ ràng ngay từ đầu.

Giáo sư Salvador Llaudes đến từ Đại học Tự trị Madrid (UAM) cho rằng đó là một thời điểm quyết định khi “mọi người chấp nhận rằng có một thành viên trong khối muốn rời đi”, thậm chí đây là một thành viên quan trọng và việc EU xử lý vấn đề này như thế nào sẽ “quyết định tương lai của khối”.

Brussels cho thấy họ rất nghiêm túc ngay từ đầu, một tuần sau cuộc trưng cầu dân ý, các nhà lãnh đạo EU gặp mặt để vạch ra những mục tiêu cần đạt được trong quá trình đàm phán. Đến cuối tháng 7/2016, một nhóm đại diện EU phụ trách đàm phán Brexit được thành lập với người đứng đầu là ông Michel Barnier.

Những tiêu chí mà ông Barnier đưa ra bao gồm: không bắt đầu đàm phán cho đến khi nước Anh chính thức kích hoạt Điều khoản 51 (điều khoản áp dụng khi một thành viên muốn rời EU), không để nước Anh chỉ chọn những điều có lợi mà không chấp nhận các quy tắc của thị trường chung, không đàm phán thỏa thuận thương mại cho đến khi Anh chính thức rời EU.

Chiến thắng của Brussels

Những tiêu chí này gần như không bị thay đổi trong suốt hai năm rưỡi qua. Brussels nhanh chóng thiết lập quan điểm của mình và trung thành tuyệt đối với những quan điểm đó. Ông Barnier di chuyển liên tục đến các thủ đô ở châu Âu để tiếp thu các ý kiến từ các thành viên còn lại và trở thành người đại diện hoàn hảo của EU.

Nhà phân tích Guntram Wolff từ Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Bruegel nhận xét 27 quốc gia còn lại “sẽ thấy hạnh phúc vì không phải quan tâm đến quá trình đàm phán chi tiết… và đối với nhiều quốc gia, Brexit không còn là mối quan tâm lớn nhất của họ, thậm chí nó trở thành vấn đề thứ hai hoặc thứ ba.”

Christian Lequesne, một nhà nghiên cứu tại Đại học SciencesPo Paris, nhận định: “Sai lầm của Anh là họ đã đe dọa sự toàn vẹn của thị trường chung châu Âu bằng việc nghĩ rằng hoạt động thương mại và tiếp cận thị trường có thể diễn ra thuận lợi mà không cần phải là một thành viên của khối. Đối với Pháp và Đức, điều này là không thể vì đó là linh hồn của EU”.

“Trước và ngay sau khi Brexit trở thành sự thật, người ta ngay lập tức nói đến Frexit, Nexit rồi Czexit. Nhưng rất nhanh chóng không còn ai nhắc đến những điều đó nữa. Ở Pháp, lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen từng muốn rời EU, rồi rời khỏi khu vực sử dụng đồng euro, nhưng bây giờ bà ấy không muốn rời khỏi cái gì hết, chẳng ai muốn rời đi nữa”, ông Lequesne nói.

Lý do là vì Brexit cho thấy một tiền lệ về việc mọi thứ sẽ khó khăn như thế nào khi muốn rời đi. Brexit còn khiến sự ủng hộ Brussels gia tăng trong người dân EU, một khảo sát của Eurobarometer vào tháng mười cho thấy 68% số người được hỏi cho rằng đất nước họ sẽ có lợi nếu là thành viên của EU, mức cao nhất kể từ năm 1983.

Ông Fabien Zuleeg cho rằng quá trình đàm phán là một thất bại với chính phủ Anh khi những tiêu chí mà EU27 vạch ra từ đầu đều không bị thay đổi. “Thường thì trong một cuộc đàm phán, hai bên sẽ đi tới sự thỏa hiệp lẫn nhau, sau đó mới tìm kiếm sự đồng thuận của bên còn lại. Nước Anh thậm chí còn không thể đi tới phần thỏa hiệp”, ông Zuleeg nhận định.

Trong khi đó ở Brussels chỉ có hai lựa chọn, một là phản đối những lời hứa chính trị của những người ủng hộ Brexit, hai là tự nhận lấy những thiệt hại đáng kể về kinh tế, và chắc chắn là EU không thể chọn phương án hai.

Thủ tướng Anh Theresa May sẽ phải đem thỏa thuận Brexit trở lại London để quốc hội thông qua sau cuộc gặp cuối tuần vừa rồi với Chủ tịch Jean-Claude Juncker, và dù nó có được chấp thuận hay không, tính đến lúc này, áp lực vẫn đang xuất hiện ở London nhiều hơn là ở Brussels. Phát biểu sau cuộc gặp, ông Juncker tuyên bố: “Đây là thỏa thuận duy nhất có thể”.

zing

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/anh-sap-roi-di-nhung-eu-se-khong-nho-ho-d69112.html