Ánh sáng vượt lên mất mát...

Tôi đã từng đi qua những mùa thu sũng nước, buồn chảy bởi những cơn mưa dầm miền Trung. Mưa nối cơn, hết tầm tã này đến tầm tã khác, trong một không gian màu xám của trời, của đất, của những nỗi buồn không tả hết.

Ngồi trong nhà nhìn ra sân, mạ nói, mưa thúi đất, thúi đai, dễ sợ thiệt. Thỉnh thoảng lại xảy ra lụt, nước cuối nguồn sông Gianh dâng cao, rộng ra so với lúc bình thường khá nhiều, nhấp nhô những con sóng mang màu phù sa. Tuy vậy, tôi chưa hề thấy nước sông tràn vào làng làm ngập nhà cửa, vườn tược, đường sá. Có thể thời ấy mặt đất thông thoáng hơn, ít công trình kiên cố chen chúc nhau nên nước dễ tản thoát chăng. Nhưng mà tiếng mưa rả rích, dai dẳng cũng đã kịp gieo vào tâm hồn tôi nỗi buồn thao thiết. Nỗi buồn ẩm ướt, se sắt của mùa mưa đối lập với nửa thời gian trong năm nắng chói và gió Lào hừng hực.

Thật là khó quên bếp lửa tỏa ấm từ giai điệu bập bùng nhuộm hồng khuôn dáng mẹ. Màu tối của tấm áo mẹ mang được ánh lửa viền sáng, mảnh và chìm lưu kỹ trong ký ức tôi. Nhớ bếp xưa là tôi nhớ mẹ, khắc khoải nhưng vô cùng bền bỉ như một hằng số của tình mẫu tử. Không thể mất, không bao giờ mất, tôi tin là thế. Cái mùi thơm từ gian bếp chật chội đóng đầy bồ hóng đen nhánh, có cái kiềng ba chân vững chãi đặt trên nền đất đang bay tỏa về tôi, hôm nay. Mùi cơm thơm khi mẹ mở vung xới xáo cho róc nước. Mùi canh khế chua chua nấu với tép khô. Mùi mắm vừa mặn vừa cay mẹ đang hâm lại. Tuổi thơ đong đầy êm dịu bởi vì có mẹ, luôn được ở bên mẹ, như một kết nối cũ kỹ mà vĩ đại!

Minh họa: KHOA AN.

Minh họa: KHOA AN.

Những đứa trẻ ngày xưa bây giờ đã là bố, là mẹ, là ông, là bà. Đi tiếp những mùa mưa bão miền Trung mang nhiều dữ dội và bất an trong hơn một phần năm đầu thế kỷ hai mươi mốt. Không ít cơn bão vượt cấp mười hai trở thành thảm họa tàn khốc của dải đất hẹp tôi sinh ra. Không ít cơn lũ, trận lụt xứng đáng được gọi là đại hồng thủy. Mưa như thác đổ, kéo dài một tuần nửa tháng, tạo ra lũ ống, lũ quét ở miền rừng, dâng ngập lênh loang ở vùng biển, đồng bằng. Mưa trắng trời trắng đất. Mưa trắng ngày, trắng đêm. Mưa lở đồi, sập núi. Những cơn mưa bất thường cuối mùa thu vừa rồi đã gây nên thảm họa lũ lụt ở miền Trung. Thời gian ấy, tôi ở trong tâm lũ của muôn vàn đêm trắng nôn nao. Thị trấn Cam Lộ nhỏ bé hiền hòa nằm bên dòng sông Hiếu quanh quanh cũng bị nước bao vây, nước ngập tràn. Lòng đường phố nước ngập đến đầu gối, chảy thành dòng săn xiết. Nước từ trời trút xuống xối xả, nước xả ra từ các hồ thủy điện, thủy lợi. Nước chiếm lĩnh mặt đất, nhiều cánh đồng, vườn tược, thôn mạc, phố xá bị ngập, có nơi mặt lũ chạm mái nhà...

Mùa mưa bão năm Canh Tý 2020, có những địa danh ở miền Trung luôn được gọi lên, trở thành nỗi ám ảnh của cả nước trong thổn thức tiếc thương. Rào Trăng. Hướng Phùng. Trà Leng. Trà Vân. Phước Sơn... Một mùa bão lũ mặn chát nước mắt từ những mất mát đáng tiếc, những bi thương bất ngờ như định mệnh. Sự hy sinh của những người lính trong thời bình xứng đáng để chúng ta tôn vinh và suy ngẫm. Cứu dân là một nhiệm vụ cao cả mà bất kể người lính nào cũng hết mực thấm nhuần và cương quyết thực hiện. Nhiều đêm trắng tôi nghĩ về các liệt sĩ, danh xưng chung cho những người đã ra đi mãi mãi và tôi biết rất rõ rằng có chiến sĩ hy sinh khi mới tuổi hai mươi. Tuổi ấy chắc chắn phải gọi tôi bằng bác. Đến nhà thắp hương cho liệt sĩ Lê Tuấn Anh ở xã Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị), tôi quặn thắt lòng khi nhìn cháu nở nụ cười thanh xuân trên bàn thờ ngàn ngạt khói nhang. Bố mẹ của người liệt sĩ mới tròn hai mươi tuổi đầu chít khăn tang, khuôn mặt khắc khổ, u buồn. Tôi biết trong họ đang có một cơn bão lớn. Bão lòng, tuy lặng im mà dữ dội...

Mùa mưa, mùa bão lũ, những ký ức và ám ảnh xưa-nay làm cho tôi xao xác quá. Bếp lửa của mẹ tôi. Giọt nước mắt của mẹ một người lính trẻ vừa ra đi. Những người mẹ của dải đất đòn gánh miền Trung. Tôi biết, họ là ánh sáng được sinh ra từ nỗi khổ đau. Và tôi tin, ánh sáng, tương lai sẽ vượt trên nỗi đau, vượt lên mất mát...

Tản văn của NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/anh-sang-vuot-len-mat-mat-643051