Ánh sáng từ những góc khuất, Kỳ 3: Ông bố bất đắc dĩ của hàng trăm đứa trẻ

Những ngày đầu dựng 'Mái Ấm', linh mục Francis Nguyễn Kim Phùng thường phải đưa các bà bầu đến các phòng khám để khám thai. Việc làm này khiến ông phải đối mặt với không ít lời thị phi, tố cáo, thậm chí là đánh ghen… Song phía sau là câu chuyện đẫm nước mắt giúp tái sinh hàng trăm đứa trẻ.

Những phận đời lầm lỡ vui mừng nhận thiên chức làm mẹ. Ảnh tư liệu Mái Ấm

Những phận đời lầm lỡ vui mừng nhận thiên chức làm mẹ. Ảnh tư liệu Mái Ấm

Trải lòng của người dựng “Mái Ấm”
Ông chính là linh mục Francis Nguyễn Kim Phùng, người xây dựng “Mái Ấm” giúp hàng nghìn bà mẹ mang bầu cơ nhỡ lánh nạn, giúp hàng trăm đứa trẻ có cơ hội nhìn thấy ánh mặt trời.
Đặt chân đến “Mái Ấm”, trước mặt tôi là người đàn ông chạc 50 tuổi, mái tóc muối tiêu, khuôn mặt hiển hiện nhiều trăn trở lo lắng. Vừa trò chuyện với chúng tôi, vị linh mục vừa cọ từng mảng sân rêu, để tránh các cô gái mang bầu trượt ngã rồi lủi thủi sửa từng cái quạt trong tiết trời oi bức.
Linh mục Francis trải lòng, năm 2008, ông và một số thành viên sáng lập nhóm Bảo vệ sự sống (BVSS). Thời điểm đó chỉ lèo tèo vài tình nguyện viên tham gia với mục đích gom những thai nhi xấu số về khâm liệm và mai táng, nhằm phần nào giúp các em được thanh thản yên nghỉ.
Đến nay các tình nguyện viên đã thu gom hàng trăm nghìn hài nhi xấu số đưa về an táng tại các nghĩa trang Từ Châu khoảng trên 70 nghìn, Thạch Bích trên 13 nghìn (Thanh Oai, Hà Nội); La Phù (Thường Tín, Hà Nội) khoảng 30 nghìn, vị linh mục trầm ngâm nói.
Cảm nhận thai nhi được gom về vẫn còn ấm, còn o oe cất tiếng khóc, linh mục Francis có hô hấp nhưng chỉ cứu được ít bé sống sót vì người ta đã sử dụng thuốc, dùng kim chọc vào đầu, vào bụng các em…Những đứa trẻ vô tội, không có sức kháng cự đã phải loại ra khỏi cuộc sống, vị linh mục trầm ngâm còn tôi thì đau như xé lòng.
Ông nói, nhiều cô gái bước chân vào phòng phá thai mới ở độ 14 hoặc 15 tuổi. Những bà bẹ bất đắc dĩ này ăn chưa no, nghĩ chưa tới nói chi đến chuyện làm mẹ, vị linh mục nghẹn ngào.
Từ những sự thật đau lòng, năm 2009, ông đã xây dựng “Mái Ấm” với mục đích bảo vệ những mầm sống, những đứa trẻ vô tội thoát khỏi manh nha của lưỡi hái tử thần.
Vậy là ngày nào ông cũng giúp những cô gái mang bầu đến bệnh viện để khám thai, kiểm tra sức khỏe. Lúc này, trong đầu tôi thầm nghĩ, làm được việc này, người thường còn khó, nói gì đến người tu hành, “nam nữ thụ thụ bất tương thân”.
Tôi hỏi ông, có trường hợp nào trong số phụ nữ phát sinh tình cảm khi được ông cưu mang? Ông đáp, một công việc khá nhạy cảm, sao tránh được. “Tôi đủ khả năng thuyết phục người ta giữ lại những đứa trẻ thì cũng đủ cứng rắn để xử lý những tình huống phát sinh...nhưng cũng không tránh được hết”.
Lời đàm tiếu, thị phi từ bác bảo vệ, cô bán nước, người trông xe, rồi cả giáo dân dân, y bác sỹ…rồi cũng đến tai bề trên của ông. Họ nhìn ông với ánh mắt miệt thị, khinh bỉ…Cái gì đến cũng đến, những lời ì xèo, đơn tố cáo cũng đến chức sắc tôn giáo.
Tôi thầm nghĩ, những bậc bề trên sẽ hiểu về “Mái Âm”, hiểu những gì ông đang làm. Nhưng không phải tất cả, vẫn có vị còn coi đó là nơi chứa chấp những kẻ tội lỗi, tiếp tay cho tội lỗi…
Có lần ông còn bị chồng, người tình của những thai phụ truy tìm. Họ tìm đến với mục đích triệt đường sống của những thai nhi nhằm “bảo vệ” danh dự, sự nghiệp…và hàng nghìn lý do khác. Nhưng ông vẫn lầm lũi một mực làm những việc theo tiếng gọi của lương tâm. Những sự cố ngoài ý muốn, những lời nói cay nghiệt như những nhát dao đâm vào tâm hồn khiến khuôn mặt ông đã lắm suy tư lại thêm gồ ghề.
Cuối năm 2019, giữa tiết trời lạnh thấu xương thịt, vừa chạm mặt, ông bảo tôi lên đường sau cuộc điện thoại từ một cô gái với giọng nói lập bập, run rẩy. Lần đó, ông và tôi đi tìm gặp cô gái (em) theo lời chỉ dẫn qua điện thoại.
Điểm đến là cửa hàng sim số của anh trai em. Dự tính sẽ đi phá thai vào ngày hôm sau, em nhờ chún tôi giúp chôn cất cho đứa con mình.
Em đưa ra lý do, do tình yêu đặt không đúng chỗ, vì sức khỏe, vì danh dự…
Chúng tôi đến điểm em hẹn, gặp và khuyên em giữ lại đứa bé. Anh trai và chị dâu em nghe chuyện đó thì lời qua tiếng lại. Các ông bà giúp được thì giúp tìm chỗ chôn cất, còn không giúp được thì đừng xen vào chuyện của người khác. Chúng tôi chùng lại nhưng tiếp tục khuyên nhủ em. Và anh trai em đã nổi cơn thịnh nộ đuổi chúng tôi ra khỏi nhà, cũng may là anh ta vừa giơ nắm đấm lên chúng tôi kịp thoát thân. Chúng tôi ra về với 1 chút bẽ bàng, một chút buồn gặm nhấm tâm hồn.
Một năm sau, ông nhận được điện thoại của em, em nói cháu khỏe mạnh được 7 tháng tuổi khiến tôi mừng rơi nước mắt. Rồi mọi sóng gió cũng qua đi. Bây giờ ông ngoại luôn cưng cháu nhất, em hạnh phúc lắm.
Vậy là những hy sinh đã được đền đáp, nhưng tia hy vọng cứ sáng dần khiến tôi càng quyết tâm hơn để đồng hành cùng với những mảnh đời lầm lỡ.

Những ái ố, ân oán đời thường

Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, linh mục Francis xòe ra cho chúng tôi trang nhật ký mà ông coi đó là chuyện thường ngày. Dù không phải tín đồ Phật giáo nhưng ông luôn ghi nhận Giáo lý nhà Phật: “Dù xây 9 bậc phù đồ, không bằng làm phúc giúp cho một người”. Ông hiểu Giáo lý nhà Phật khuyên người ta không nên sát sinh, vậy sao chúng ta có thể giết đi những sinh linh vô tội!

Tình nguyện viên thắp hương cho các hài nhi xấu số. Ảnh tư liệu Mái Ấm.

Ông kể rằng: Ngày đầu khai trương “Mái Ấm” chúng tôi đã tiếp nhận em N.T.T ở TP Nam Định.
Em sinh ra và lớn lên trong gia đình nền nếp, có vai vế trong xã hội thuộc diện khá giả. Với nước da trắng như trứng gà bóc, đôi mắt nâu mơ màng, mình hạc xương mai khiến không ít chàng trai trong khu vực say như điếu đổ.

Chính vì gia đình khá giả cùng với vẻ đẹp trời phú nên em tỏ vẻ kiêu hãnh. Để hạ gục em, nhóm bạn của Nam đã tổ chức nhiều cuộc “hội thảo” để lập kế hoạch tấn công. Đầu tư xế hộp, thuê biệt thự, thuê người giúp việc…khiến dinh thự và cuộc sống của Nam như một đế vương. Và chỉ 1 tháng “tấn công”, em đã bị Nam hạ gục.

Sau những cuộc trà dư tửu hậu, được đám bạn chúc tụng với những lời có cánh “trai tài gái sắc”…và mối tình của cặp đôi với cái kết em mang thai. Kể từ khi em mang thai, Nam bặt vô âm tín. Trong khi em cứ mòn mỏi chờ đợi… Gia đình biết chuyện chẳng lành, cùng với dị nghị của xóm giềng, sợ ảnh hưởng đến thanh danh…Mọi người ép em phá thai.

Thất vọng tràn trề, đến tháng thứ 4, em bỏ nhà lên Hà Nội với hy vọng sẽ tìm được người tình mà mình đã dành trọn trái tim, trao cả đời con gái cho anh ta.

Trong thời gian này, em may mắn tìm được thông tin về “Mái Ấm” nơi lánh nạn.

Nghe câu chuyện của em, tôi hiểu cuộc tình chóng vánh kia là cú trả thù “không ăn được thì đạp đổ" của gã trai họ Sở. Được sự động viên trấn an của Mái Ấm, tâm lý em dần trở lại bình thường. Và em sẵn sàng chờ đón đứa con chào đời.

(Còn nữa)

(Bài viết tác giả có sử dụng tư liệu Mái Ấm)

Tôi hỏi ông, có trường hợp nào trong số phụ nữ phát sinh tình cảm khi được ông cưu mang? Ông đáp, một công việc khá nhạy cảm, sao tránh được. “Tôi đủ khả năng thuyết phục người ta giữ lại những đứa trẻ thì cũng đủ cứng rắn để xử lý những tình huống phát sinh...nhưng cũng không tránh được hết”.

M.Đ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/anh-sang-tu-nhung-goc-khuat-ky-3-ong-bo-bat-dac-di-cua-hang-tram-dua-tre-1700973.tpo