Ánh sáng hi vọng cho phim hoạt hình trong nước?

Sau hơn 180 ngày tâm huyết, 10.000 giờ sáng tạo cùng sự góp sức của hơn 100 nghệ sĩ để viết tiếp ước mơ mang văn hóa dân gian đến gần hơn với trẻ em Việt Nam, bộ phim hoạt hình 'Con rồng cháu tiên' đã vượt quá kỳ vọng của khán giả trong nước với hơn 1,5 triệu lượt truy cập chỉ sau 1 ngày đăng tải.

Muốn chất lượng, phải đầu tư

“Con rồng cháu tiên” là câu chuyện dân gian thần thoại đầu tiên và phổ biến nhất lý giải cội nguồn dân tộc Việt. Tuy vậy, “Con rồng cháu tiên” trong phiên bản hoạt hình vừa ra mắt còn hé lộ thêm nhiều tuyến nhân vật phụ, những trường đoạn kịch tính chưa từng được tiết lộ.

Bộ phim được đầu tư nghiên cứu trong suốt 2 tháng để lên ý tưởng, tìm kiếm tư liệu kho tàng lịch sử, văn hóa, giáo dục dưới sự cố vấn nội dung và sử học của nhà sử học Dương Trung Quốc.

Để tạo nên một thế giới “Con rồng cháu tiên” trọn vẹn nhất, cả êkip đã dành trọn 4 tháng tập trung và phát triển cho từng chi tiết nhỏ nhất. Hàng chục nghìn khung hình đã được vẽ với sự kết hợp của kỹ thuật 2D và 3D để mang đến những thước phim sống động.

Điểm đặc biệt là trong phiên bản mới, tính cách các tuyến nhân vật cũng được khắc họa rõ nét hơn dù là nhân vật chính diện hay phản diện. Một số chi tiết cũng có thay đổi nhưng không làm mất đi giá trị của bản gốc.

Với khoảng hơn 23 phút vừa ra mắt, khán giả cảm thấy bất ngờ vì phần hình ảnh được chỉn chu từ tạo hình nhân vật đến từng khung cảnh. Phần âm nhạc cũng được đầu tư không kém, từ bản phối, âm nhạc cũng như ca từ trong ca khúc.

Bài hát chủ đề của bộ phim “Cùng nhau ta thắp sáng” do ca sĩ Thanh Bùi và Novel Production sáng tác - sản xuất, ca sĩ Bích Ngọc trình bày là sự cộng hưởng hài hòa giữa giai điệu hiện đại nhưng vẫn giữ được nét tinh túy của âm nhạc dân gian, hùng hồn và hào sảng nguồn gốc dòng máu Lạc Hồng.

Phim hoạt hình “Con rồng cháu tiên” gây sốt chỉ sau một ngày ra mắt. Ảnh: Đoàn làm phim

Ánh sáng cuối đường?

“Con rồng cháu tiên” gây bất ngờ cũng bởi trước nay, nói đến phim hoạt hình Việt Nam, chủ yếu là trạng thái “thở dài” của khán giả trong nước khi vừa yếu lại vừa thiếu. Nhiều khán giả lo ngại đặt câu hỏi rằng: Thiếu nhi Việt Nam không có hoạt hình trong nước để xem, chủ yếu là đi xem phim hoạt hình Hollywood kiểu như: Car, Đi tìm Nemo, Công chúa tóc mây, Nữ hoàng băng giá… Đây đều là những phim hoạt hình nhưng có doanh thu phòng vé cao vượt trội, thậm chí hơn nhiều bom tấn điện ảnh khác.

Hoạt hình thế giới ngày càng biến đổi phát triển mạnh mẽ, thì hoạt hình trong nước vẫn là bức tranh hết sức ảm đạm. Dù có những tín hiệu vui đầu năm 2007 nhưng nhiều người trong nghề đều cho rằng tương lai phim hoạt hình Việt vẫn... xa vời và mù mịt.

Hiện nay cả nước chỉ có duy nhất một hãng phim hoạt hình Việt Nam hoạt động nhưng lại nằm trong hệ thống điện ảnh. Những sản phẩm của hãng chủ yếu đi tham dự liên hoan phim trong và ngoài nước chứ khán giả không biết đến nhiều.

Đa số các nội dung phim hoạt hình sản xuất trong nước đều quá đỗi sơ sài và đơn giản. Kiểu như: Hiệp sĩ trán dô (10 tập), Ong vàng (10 tập), Tít Mít (10 tập), Lớp học bồ câu (8 tập), Thỏ và rùa…

Phim hoạt hình Việt Nam đến bây giờ cũng chủ yếu sản xuất trong khoảng 10 phút vì chưa có điều kiện làm dài. Trong khi phim hoạt hình nước ngoài có thời lượng như phim điện ảnh, hình ảnh nhân vật bắt mắt với những series dài tập.

Không chỉ phương Tây mà ngay cả các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, họ cũng đều có những nhân vật hoạt hình để có thể sản xuất được nhiều phần. Việt Nam chưa làm được điều đó. Đó là lý do khiến phim hoạt hình Việt Nam bị bỏ xa với xu thế của thế giới và gần như bị lãng quên.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Tổng GĐ Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thừa nhận: Kịch bản còn thiếu, yếu là nguyên nhân dẫn đến nội dung phim ít tính giải trí, nặng tính giáo điều, cứng nhắc, xa rời thị hiếu của trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cũng là bài toán khó, bởi để sản xuất hoàn chỉnh một bộ phim hoạt hình cần từ vài trăm triệu đồng cho đến tiền tỷ.

Trong khi đó, nguy cơ bị sao chép, vi phạm bản quyền là khá cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Và phim hoạt hình Việt Nam lâu nay vẫn bị lãng quên trên bản đồ phim ảnh trong nước.

Trong bối cảnh đó, phương án xã hội hóa được tính đến. Ở địa hạt điện ảnh, sự tham góp của nhiều hãng phim tư nhân rõ ràng đã làm cho đời sống điện ảnh trong nước sôi động lên (chưa bàn nhiều về chất lượng).

Số lượng phim ra rạp nhiều hơn, đa dạng các thể loại hơn, có phim có doanh thu cao hơn cả siêu phẩm điện ảnh thế giới khi trình chiếu trong nước. Vì vậy yếu tố xã hội hóa đối với phim hoạt hình tại thời điểm này là rất cần thiết.

Tuy nhiên, tư duy làm phim phải là cái cần thay đổi đầu tiên. Kịch bản kỹ xảo cũ kỹ, lối mòn và nặng tính giáo điều thì khó phù hợp với tâm lý khán giả thiếu nhi hiện nay.

“Con rồng cháu tiên” hiện đang gây bất ngờ, nhưng hi vọng bộ phim thực sự là ánh sáng báo hiệu sự mới mẻ, có chất lượng hơn của dòng phim hoạt hình nói chung, chứ không phải chỉ duy nhất một hiện tượng tỏa sáng xong lại “tắt ngóm”.

Bởi phim hoạt hình trong nước, đã bị bỏ lại quá xa rồi, nên cũng cần một dấu hiệu tiên phong, nhưng dài hơi chứ đừng ngắn ngủi rồi lại rơi vào lãng quên.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/anh-sang-hi-vong-cho-phim-hoat-hinh-trong-nuoc-106908.html