Anh rời EU, vị thế trung tâm tài chính lu mờ

Trung tâm tài chính New York đã trở thành điểm lựa chọn hàng đầu cho những nhà đầu tư tài chính thay vì London.

Tác động của quá trình ly hôn giữa Anh và EU đang đè lên lĩnh vực tài chính. Thủ đô London đã mất vị trí là trung tâm tài chính số một thế giới về tay New York của Mỹ.

Anh dần bị mất đi vị thế của một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.

Anh dần bị mất đi vị thế của một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.

Công ty tư vấn Duff & Phelps mới đây thực hiện các khảo sát cho thấy, chỉ có khoảng 30% số giám đốc tài chính được hỏi vẫn chọn London là trung tâm tài chính đứng đầu. Con số này giảm 19% so với tỷ lệ 53% của năm 2018.

Trong khi đó, có đến 56% giám đốc tài chính cho biết họ coi New York là trung tâm tài chính đứng đầu thế giới - tăng từ mức 42% của năm 2018.

Sự chênh lệch này cho thấy một cách khá rõ ràng những ảnh hưởng từ cuộc ly hôn Brexit, bà Monique Melis, thành viên cấp cao của Duff & Phelps nhận định.

Tin tức về việc sẽ xảy ra Brexit đã tác động một phần đến lĩnh vực tài chính vào năm 2018. Nhưng quá trình Anh đàm phán thỏa thuận với EU hậu Brexit mới mang đến những tác động rõ rệt hơn và được thể hiện qua con số nghiên cứu này. Việc Anh bị đứng ngoài lề so với các quốc gia châu Âu khác trong toàn bộ châu lục khiến London có khả năng chịu phân biệt thậm chí cô lập trong hoạt động tài chính.

Dẫu vậy, bà cũng cho rằng chiến thắng vang dội của Thủ tướng Boris Johnson trong cuộc bầu cử hồi tháng 12/2019, qua đó mở đường cho việc nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/1 tới có thể phần nào giúp London sớm lấy lại vị trí của mình. Mới đây, thống kê cho thấy, hơn 1.000 ngân hàng, công ty thanh toán, quản lý tài sản và bảo hiểm tại EU đã lên kế hoạch mở văn phòng tại Anh thời hậu Brexit, để có thể tiếp tục phục vụ các khách hàng ở xứ sở sương mù.

Kết quả khảo sát của Duff & Phelps cũng cho thấy mặc dù Brexit đã thúc đẩy việc di chuyển công việc và tài sản từ London đến các trung tâm tài chính khác của châu Âu như Frankfurt, Paris hay Dublin, nhưng các trung tâm tài chính này vẫn chưa thể là đối thủ ngang tầm với New York và London.

Việc London không còn là lựa chọn hàng đầu trong lĩnh vực tài chính đã từng được dự báo từ khi thuật ngữ Brexit bắt đầu xuất hiện.

Trung tâm tài chính London thu hút khoảng 350.000 nhà tài chính, khoảng 500 ngân hàng hàng đầu thế giới, lượng giao dịch tiền tệ chiếm 37% toàn cầu, khối lượng giao dịch vô cùng lớn, trung bình khoảng 5.100 tỷ USD mỗi ngày. Nơi đây từng là nơi đặt trụ sở, văn phòng của khoảng 75/100 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và 75% các công ty trong danh sách Fortune 500.

Nhưng kể từ khi Anh bỏ phiếu rời khỏi EU hồi năm 2016, một số hãng tài chính mạnh nhất thế giới ở London đã bắt đầu chuyển nhân viên sang các nước khác để bảo đảm dòng giao dịch xuyên biên giới sẽ tồn tại sau năm 2019.

Ba năm sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quản lý tài sản đã chuyển hơn 1.000 tỷ Euro tài sản như vốn phái sinh và trái phiếu khỏi London, mở các trung tâm mới tại EU như một hàng rào chống lại London nếu Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận chính thức.

Ngân hàng Anh ước tính, khoảng 4.000 nhân viên sẽ rời đi vào thời điểm Anh chính thức ra khỏi EU, nhưng các quyết định quan trọng vẫn sẽ được đưa ra ở London.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/anh-roi-eu-vi-the-trung-tam-tai-chinh-lu-mo-3395931/