Anh nông dân 'cắm' cả sổ đỏ sưu tầm đồ cổ, tạo được 'bảo tàng' hiếm có tại Việt Nam

Với tình yêu và niềm đam mê văn hóa cổ, anh Nguyễn Duy Long (SN 1971, trú ở xã Văn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đi khắp nơi tìm kiếm hàng ngàn cổ vật có giá trị; tạo nên một 'bảo tàng' riêng cho mình.

Anh Nguyễn Duy Long bên con Lân bằng đồng thời Trần.

Anh Nguyễn Duy Long bên con Lân bằng đồng thời Trần.

Duyên nợ và đam mê

Học xong chương trình phổ thông, anh Nguyễn Duy Long ở nhà lấy vợ, làm nông nghiệp phát triển kinh tế gia đình. Ngoài mấy sào ruộng khoán, anh Long còn chăn nuôi gia súc, gia cầm và đi buôn bán ở chợ để kiếm thêm thu nhập.

Cuộc sống đang yên bình, bỗng nhiên từ năm 2000 trở đi, anh Long “dở chứng” bỏ bê công việc để đi sưu tầm đồ cổ. Bao nhiêu vốn liếng tích góp anh đều “nướng” hết vào niềm đam mê này. Anh rời nhà đi suốt, có khi đi cả tháng trời. Anh đem về nhà nào đồ sứ, đồ gốm, đồ đồng thậm chí có những đồ đã vỡ làm đôi, làm tư.

Vợ con và anh em làng xóm đều nghĩ Long mắc chứng “khùng” nên hết sức khuyên can. Thế nhưng, tất cả những lời khuyên đó đều vô ích bởi anh đã trót đam mê.

Ngồi bên ấm chè được ủ trong bình gốm có niên đại hàng trăm năm tỏa hương nhài thơm ngát, anh Long kể rằng: Từ nhỏ, anh đã rất thích những họa tiết và hình dáng của các đồ gốm sứ cổ, nhiều lần anh đã lấy đất sét để nặn theo những chiếc bình gốm cổ đó. Sau này lớn lên, qua sách vở và Intenet, anh mới am hiểu những giá trị văn hóa vô giá của cổ vật, nên niềm đam mê qua năm tháng càng mãnh liệt và thôi thúc anh tìm kiếm, sưu tầm.

Tủ trưng bày với đa dạng các đồ cổ của anh Long được sưu tầm từ khắp nơi trong cả nước.

Bàn chân anh đã đi khắp 63 tỉnh thành trên cả nước, đến cả những vùng đồng bào thiểu số xa xôi. Anh bảo với chúng tôi, chơi đồ cổ cũng lắm gian truân. Ban đầu bước vào nghề, anh bị “cò” lừa, mua phải đồ giả mất cả chục triệu đồng. Hay nhiều khi đến nơi, nhìn trực tiếp món đồ không ưng ý, chủ nhà đột ngột đổi ý không bán thì mất công sức và tiền tàu xe đi lại...

Bởi dành tình yêu và đam mê cho cổ vật nên vợ chồng anh nhiều phen lục đục, “cơm không lành, canh không ngọt”. Chị Hương (vợ anh Long) tâm sự: “Thấy chồng suốt ngày ‘bỏ nhà’ đi biền biệt, thậm chí thế chấp cả sổ đỏ vay tiền ngân hàng để đi tìm cổ vật khiến tôi phát hoảng. Nhưng trước niềm đam mê mãnh liệt của anh ấy, dần dần tôi cũng đổi ý và giúp chồng. Có khi đi buôn bán xa, thấy có vật gì nói là cổ thì tôi cũng cố mua về cho anh ấy dựa trên kiến thức do chính anh ấy truyền dạy”.

Chính niềm đam mê và tình yêu với cổ vật đã giúp anh Long vượt qua những gian nan thử thách để sưu tầm các món đồ cho cá nhân. “Mỗi người chỉ sống một lần, nếu lúc nào cũng chú trọng đến vật chất mà không làm gì để theo đuổi đam mê của mình thì thật là vô nghĩa”, anh Long chia sẻ.

Anh Long với chiếc bình thúy hồng bằng gốm thời nhà Nguyên (thế kỉ 13).

“Bảo tàng” cổ vật nơi xóm nhỏ

Tìm đến nhà anh Long nằm khuất trong xóm nhỏ Đồng Mượu (xã Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An), chúng tôi thực sự “choáng” bởi một không gian cổ xưa như tự ngàn năm đang tồn tại nơi này. Từ cổng vào sân, nào chum vại, nào chóe sành, cối đá, bình gốm… có niên đại hàng trăm năm, có những cổ vật niên đại hàng ngàn năm được bài trí xen dưới những cây cảnh có độ tuổi thuộc hàng "trưởng lão" trông thật độc đáo và ấn tượng.

Trong nhà, những bộ tủ chè, tràng kỉ, những chiếc tủ kính trưng bày trên đó vô số đồ sứ, đồ gốm, đồ gỗ, đồ đồng như: Ấm, âu, ang, bát, bình, chân đèn, chân đế, chậu, chén, chum, đĩa, hộp, liễn, lọ, thạp, thống, tước, tượng các loại… Tất cả được xếp thành từng nhóm, từng niên đại khác nhau rất quy củ và khoa học, trông như một bảo tàng tư nhân thực sự.

“Bảo tàng” của anh Long hiện được các chuyên gia và giới sưu tầm công nhận có hàng ngàn cổ vật có giá trị, có niên đại hàng trăm năm đến hàng ngàn năm như đồ gốm, đồ đá thời Việt cổ, các cổ vật thời Lý, Trần, cổ vật thời Hán, Tống…

“Bảo tàng” nhà anh Long thường xuyên có khách đến tham quan.

Vừa dẫn khách xem các cổ vật, anh Long tâm sự: “Khi đã thực sự đam mê và dày công nghiên cứu cộng thêm với kinh nghiệm thì chỉ nhìn thôi cũng biết đồ gốm đó thuộc thời đại nào. Chẳng hạn thời Lý- Trần đồ gốm có màu nâu, họa tiết cánh sen. Đồ gốm Lý- Trần đã đạt một đỉnh cao trong tạo dáng và trang trí.

Lối tạo dáng trau chuốt, tỉ mỉ, tinh tế đã làm cho mỗi đồ gốm là một tác phẩm nghệ thuật. Còn gốm nhà Hán lại có men màu nâu và xanh lá cây; gốm thời Đường có 3 màu gọi là tam sắc. Có thể nói, gốm sứ ba màu là đại diện đỉnh cao của nghề gốm Trung Hoa và cũng là hàng mỹ nghệ nổi tiếng trên thế giới trong thời đại bấy giờ".

Để am hiểu về các cổ vật, anh Long đã phải tự học, đọc nhiều cuốn sách về khảo cổ, sách nghiên cứu về xã hội học, sách về lịch sử và sự hình thành - phát triển của gốm sứ… các nước. Chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng và trầm trồ thán phục trước kiến thức về văn hóa các triều đại và kiến thức về đồ cổ của anh.

"Bảo tàng" với hàng ngàn cổ vật có giá trị của anh đã khiến nhiều tay chơi đồ cổ trong và ngoài nước đến gạ mua với giá cao nhưng anh Long không bán. Anh Long nói: “Tôi chơi cổ vật là để thỏa mãn đam mê, để lưu giữ báu vật của thời gian, lưu giữ giá trị lịch sử chứ không kinh doanh”.

Nói về những dự định cho tương lai, Long cho biết: “Tôi mơ ước sẽ xây dựng nơi đây thành một bảo tàng trưng bày cổ vật để nhiều người cùng chiêm ngưỡng, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống truyền lại cho những đời sau”.

Chia tay Nguyễn Duy Long nơi xóm nhỏ yên bình, chúng tôi thầm khâm phục anh, một nông dân có niềm đam mê "quý tộc" khi đã sưu tầm và bảo tồn được những cổ vật không phải ai có tiền cũng với tới được. Đó không chỉ là những hiện vật đơn thuần mà còn là hình ảnh văn hóa của cả những thời đại, của lịch sử đang rất cần được giữ gìn bảo tồn và phát huy cho muôn đời sau.

Bảo Trâm

Từ khóa: Sưu tầm cổ vật Nguyễn Duy Long Bảo tàng đam mê xã Văn Thành Yên Thành Nghệ An

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/anh-nong-dan-cam-ca-so-do-suu-tam-do-co-tao-duoc-bao-tang-hiem-co-tai-viet-nam-post312812.info