Ảnh nóng cặp đôi trong rạp bị tung lên mạng: CGV phải có trách nhiệm liên đới

Luật sư Nguyễn Văn Hùng cho rằng, CGV phải có trách nhiệm liên đới do để 'lọt' hình ảnh riêng tư - đời tư của khách hàng lên mạng xã hội gây hậu quả.

Hành động thiếu văn hóa làm xấu hình ảnh người trẻ

Dư luận vẫn đang bàn tán xôn xao về clip cảnh nóng của đôi nam nữ trong rạp chiếu phim thuộc hệ thống CGV và bị phát tán trên mạng xã hội. Không ít các ý kiến cho rằng, đây là hành động kém văn minh của đôi nam nữ giữa nơi công cộng. Nhưng cũng nhiều người lại phản đối gay gắt chuyện CGV đã không tôn trọng quyền riêng tư của khách hàng khi để nhân viên phát tán hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội.

Trước hai luồng ý kiến trái chiều nhau, PV đã có cuộc nói chuyện với PGS.TS Phạm Ngọc Trung (Nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng: “Có thể nói, không gian văn hóa công cộng trước đây rất nghiêm ngặt, khi đến mọi người thường tôn trọng nội quy chung. Nhưng hiện giờ, theo quan niệm mới, nhất là du nhập lối sống phương Tây thì không gian văn hóa công cộng dường như đang bị lệch hướng.

Tuy nhiên, phương Tây họ văn minh, thể hiện tình cảm ở một chừng mực nhất định như cầm tay, tặng nhau một cái ôm, một nụ hôn. Nhưng, một số người trẻ Việt không hiểu điều đó lại thể hiện tình cảm một cách quá mức, chính điều đó dẫn đến sự hiểu lầm giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại ở nơi đông người hiện nay”.

Audio: PGS.TS Phạm Ngọc Trung trao đổi về việc cặp đôi "diễn" cảnh nóng giữa chốn đông người.

Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, đạo đức, lối sống của một số bạn trẻ ngày nay đang dần thiếu ý thức. Vì thế, chúng ta cần có sự bồi dưỡng, giáo dục cho lớp trẻ về văn hóa nơi công cộng.

Với nhân viên đã đưa đoạn clip “yêu” quá đà trong rạp CGV lên mạng cũng có 2 mặt. Có thể họ muốn cảnh báo, nhắc nhở, phê phán hành động đó của một bộ phận giới trẻ. Nhưng thứ 2, họ vô hình trung đi tuyên truyền quảng bá hình ảnh không được đẹp mắt đó giữa chốn đông người.

Hơn nữa, nhân viên rạp chiếu phim thuộc hệ thống CGV đang vi phạm quyền riêng tư của khách hàng khi đến xem phim. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của rạp và các đôi nam nữ sẽ rất sợ khi bước chân đến những rạp chiếu phim có lắp camera.

Ghế đôi Sweetbox trong các rạp phim tại Việt Nam hiện nay.

Cần xác định CGV lắp đặt camera mục đích để làm gì?

Trước một số câu hỏi nhân viên thuộc hệ thống CGV đăng tải clip của cặp đôi khi vào rạp xem phim có vi phạm quyền riêng tư của khách? PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hùng, công ty luật CHDLAW.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng, cho biết: “Rõ ràng, trong trường hợp này CGV phải có trách nhiệm liên đới do để "lọt" hình ảnh riêng tư - đời tư của khách hàng lên mạng xã hội. Bởi lẽ trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin của CGV là có vấn đề, tạo điều kiện để đối tượng khác can thiệp làm lọt, lộ thông tin khách hàng. Việc xác định mức độ của trách nhiệm liên đới phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm: Lỗi, thiệt hại của đôi nam nữ bị tung ảnh đời tư (sức khỏe, tinh thần).

Bên cạnh đó, CGV cần phải kiểm tra xác định ai là người tung tin để có hướng xử lý, giải quyết nội bộ. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và quy trình bảo mật thông tin để tránh xảy ra các trường hợp tương tự trong tương lai.

Theo Luật sư Hùng, trước hết chúng ta cần xác định CGV lắp đặt camera mục đích để làm gì? Bởi vì hiện nay, tại các điểm công cộng, tập trung đông người việc lắp camera để giám sát, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, phục vụ cho mục đích quản lý khá phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam.

Trường hợp CGV sử dụng hình ảnh thu được từ camera không phải để phục vụ mục đích trên thì rõ ràng phải xin phép và nếu để lọt, lộ thông tin cá nhân, bí mật đời tư thì phải chịu trách nhiệm trước người bị lọt, lộ và pháp luật.

Luật sư Hùng phân tích thêm: “Pháp luật hiện nay có quy định rất rõ về trách nhiệm bảo vệ hình ảnh, thông tin cũng như chế tài xử lý trong trường hợp để xảy ra sai phạm, cụ thể:

Trường hợp sử dụng trái phép hình ảnh của người khác nhằm vu khống, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị phạt tới 20 triệu đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;..".

Thậm chí, nếu hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của người khác gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác; trường hợp sử dụng hình ảnh người khác nhằm khống chế tinh thần chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử lý về tội Cưỡng đoạt tài sản...”.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/vu-cap-doi-bi-tung-anh-nong-cgv-phai-co-trach-nhiem-lien-doi-a380176.html