Ảnh nghệ thuật Việt: 'Thuốc' nào chữa bệnh

Vừa qua, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm - Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã tổ chức lễ phát động 'Festival Nhiếp ảnh trẻ 2019 với chủ đề Việt Nam hôm nay'. Đây là một hoạt động nghệ thuật hướng tới các nhà nhiếp ảnh trẻ có độ tuổi từ 18 - 35 trong cả nước nhằm khuyến khích sự phát triển của lực lượng cầm máy trẻ mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Đồng thời, đây cũng là dịp để giới thiệu thành quả sáng tạo, bổ sung lực lượng kế cận cho nhiếp ảnh Việt Nam, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với công chúng trong nước và quốc tế. Nhưng cũng tại lễ phát động này, một câu hỏi rất cũ vẫn tiếp tục được đặt ra với giới nhiếp ảnh Việt Nam, đó là: "Thuốc" nào để hết bệnh "lối mòn" trong tư duy sáng tạo của người cầm máy?

Chuyên nghiệp hóa hay nghiệp dư hóa?

Với "Festival Nhiếp ảnh trẻ" đã được tổ chức đến lần thứ 3 nên Ban tổ chức có những đổi mới. Ngoài ảnh đơn như những lần trước, lần đầu tiên, Ban tổ chức nhận cả ảnh bộ (5 ảnh) dự thi; ở phần thể loại sẽ có hai thể loại: Ảnh hiện thực và Ảnh thể nghiệm - ý niệm. Trong đó, ảnh hiện thực là những tác phẩm được sáng tác bằng phương pháp hiện thực, không chấp nhận ảnh chắp ghép, làm sai lệch hiện thực.

Còn ảnh thể nghiệm - ý niệm thì tác phẩm ảnh được phép chắp ghép và sử dụng mọi biện pháp kỹ thuật, công nghệ… Vì thế, tương ứng với 2 thể loại này sẽ có 2 Hội đồng giám khảo làm việc độc lập và 2 hệ thống giải thưởng độc lập (mỗi hệ thống giải thưởng sẽ có 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 3 Huy chương đồng, 5 Giải Khuyến khích).

Bức ảnh "Niềm hi vọng của mẹ" của tác giả Edwin Ong Wee Kee giành giải Nhất của giải Hamdan International Photography Award với khoản tiền thưởng lên tới 120.000 USD.

Bức ảnh "Niềm hi vọng của mẹ" của tác giả Edwin Ong Wee Kee giành giải Nhất của giải Hamdan International Photography Award với khoản tiền thưởng lên tới 120.000 USD.

Về nội dung, vì là "Festival Nhiếp ảnh trẻ" nên rất đa dạng, phong phú, thoải mái "đất" cho người cầm máy và có thể nói đó là một sân chơi vô cùng rộng lớn, nhưng cũng có hướng sâu hơn tới việc phản ánh cuộc sống đương đại của giới trẻ, con người, văn hóa Việt Nam, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những hoạt động của Việt Nam ở nước ngoài và các nội dung khác hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ...

Nói về "Festival Nhiếp ảnh trẻ 2019", ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm, Trưởng ban tổ chức Festival đã phát biểu đầy kỳ vọng: "Festival Nhiếp ảnh trẻ 2019 khuyến khích các khuynh hướng sáng tác độc đáo, tìm ra những tác phẩm mang phong cách mới lạ, mang hơi thở của cuộc sống đương đại, trẻ trung, năng động.

Đồng thời, đây cũng là dịp giúp cơ quan quản lý ngành nhiếp ảnh có cái nhìn khái quát, đánh giá đúng thực trạng về giới trẻ yêu thích nhiếp ảnh, những vấn đề về sáng tác ảnh trong giới trẻ trong thời gian vừa qua. Từ đó tìm ra hướng phát triển, hướng đi đúng cho giới trẻ yêu thích nhiếp ảnh thời kỳ hội nhập quốc tế".

Tuy nhiên, vẫn như những tổng kết trong nhiều cuộc thi, cuộc triển lãm lớn mà Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm tổ chức, ông Thành tiếp tục nhắc đến những khó khăn, thách thức mà bộ môn nhiếp ảnh đang phải đối mặt: "Việt Nam hiện nay có hai ngành nghệ thuật là thơ và nhiếp ảnh đang bị những cái thuận lợi và khó khăn đe dọa. Ví như thơ, có đến vài nghìn câu lạc bộ thơ hay nói cách khác "nhà nhà làm thơ, người người làm thơ" và nhiếp ảnh cũng vậy.

Nhiếp ảnh vừa dễ mà lại vừa khó, vừa thuận lợi lại vừa khó khăn, vừa cơ hội lại vừa thách thức. Dễ là được xã hội và người dân rất thích xem và thích chụp ảnh để chia sẻ với nhau trên facebook, trên mạng xã hội. Vì thế, cực khó có thể tìm được tác phẩm nào có ý tưởng, thông điệp khiến người xem phải suy nghĩ hay dừng lại 10 đến 15 phút để xem...".

Hàng chục năm nay đã có nhiều ý kiến rất đáng quan ngại đối với lĩnh vực nhiếp ảnh, các cuộc thi ảnh nghệ thuật hoặc các cuộc thi ảnh theo chủ đề được tổ chức thường xuyên ở trong nước hiện nay. Ngày nay, với sự phát triển rầm rộ của công nghệ thông tin, sự hỗ trợ tối ưu của máy móc, điện thoại thông minh, rất nhiều người có khả năng trở thành "nhiếp ảnh gia".

Mỗi cuộc thi ảnh ở tầm quy mô quốc gia, đều có hàng ngàn, thậm chí vài ngàn tác giả gửi ảnh đến dự thi. Số lượng ảnh dự thi cũng dao động từ 10 ngàn bức trở lên. Nhưng câu hỏi đặt ra là, tìm ra được một tác phẩm thực sự xuất sắc, có ảnh hưởng, có hiệu ứng lan tỏa hoặc gây tò mò ngạc nhiên hoặc tạo nên một "dư chấn" nào đó, thì lại thực sự rất hiếm hoi.

Hàng chục năm nay, những bức ảnh được trao giải trong các cuộc thi dường như đang đi theo một lối mòn, một mô-típ, một nhịp điệu, một kiểu bố cục thậm chí quá trùng lặp về đề tài. Và nếu chỉ có sự tăng trưởng về "số lượng" mà không có "chất lượng" song hành thì không thể gọi là sự phát triển, sự chuyên nghiệp hóa được, dù máy móc có hiện đại đến đâu.Thậm chí còn phải coi đó là sự... thụt lùi, tụt hậu và nghiệp dư hóa bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh.

"Thuốc" nào để hết bệnh "lối mòn"?

"Thuốc" nào để hết bệnh "lối mòn" trong tư duy sáng tạo của người cầm máy là một câu hỏi rất cũ, thế nhưng gần như ở bất cứ buổi tổng kết cuộc thi hay lễ phát động một cuộc thi nào cũng được nhắc đến.

Còn nhớ gần đây nhất, tại Triển lãm ảnh Nghệ thuật Việt Nam 2018 tổ chức tại Hạ Long - Quảng Ninh, một Phó Cục trưởng của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm cũng nhắc tới "lối mòn trong tư duy và việc lạm dụng các phần mềm chỉnh sửa trong khâu xử lý hậu lỳ của các tay máy".

Căn bệnh này của nhiếp ảnh đã có từ nhiều năm, từng xảy ra các cụ xì-căng-đan về các tác phẩm được trao giải tại các cuộc thi nhưng sau đó tác phẩm lại bị phát hiện đạo nhái, chỉnh sửa và phải trả lại giải thưởng. Thế nhưng, căn bệnh này vẫn tiếp tục tái diễn: cứ miền núi là ruộng bậc thang, đồng bào đang lao động sản xuất - thu hoạch, đồng bằng là các trò chơi trong lễ hội, đám rước, vẻ đẹp của các làng nghề, miền biển là hoàng hôn - bình minh đánh bắt cá....

Một số chuyên gia cho rằng, căn bệnh này thường diễn ra đối với những người mới "chân ướt chân ráo" vào nghề, từng được xem những bức ảnh đoạt giải, từng tham gia các triển lãm ảnh có uy tín, quy mô và lại chỉ nhăm nhăm đi chụp lại theo mô-típ đó, những mong sớm có các giải thưởng, để được kết nạp vào hội, để có sự khẳng định "chính danh" nào đó.

Những cách thức "học mót", "mánh khóe" kiểu này ngoài việc kém cỏi trong tư duy sáng tạo còn thể hiện ý thức tự trọng nghề nghiệp kém và khó có thể đi được đường dài. Bởi thế, có lẽ chỉ có một cách để tránh việc nhiếp ảnh với những biểu hiện "lối mòn - tụt hậu" hữu hiệu nhất, đó chính là đừng bao giờ trao giải thưởng cho tác phẩm nào có biểu hiện "lối mòn" - dù tác phẩm ấy có "trúng" đề tài mà cuộc thi đã đề ra đi nữa. Hãy dành ưu tiên những khám phá, tìm tòi mới lạ, độc đáo, có tính phát hiện, đặc biệt là khả năng tạo hiệu ứng xã hội của bức ảnh đó.

Trong tháng 3 vừa qua, có một sự kiện gây chấn động đối với giới cầm máy Việt khi Hội đồng của giải Hamdan International Photography Award (HIPA) danh tiếng thế giới đã công bố những bức ảnh được đoạt giải của năm 2019, trong đó giải Nhất thuộc về nhiếp ảnh gia người Malaysia - Edwin Ong Wee Kee với một bức ảnh chụp tại Việt Nam, giành khoản tiền thưởng lên tới 120.000 USD (gần 3 tỉ đồng).

Đó là bức ảnh "Niềm hi vọng của mẹ" chụp một người mẹ dân tộc Mông bị khuyết tật cùng 2 đứa con của mình, đứa bé địu trên lưng, đứa lớn hơn ôm trong lòng của tay máy Edwin Ong đã giành được những tình cảm lớn của Hội đồng giám khảo và chiến thắng vang dội. Không chỉ có "Niềm hi vọng của mẹ", mà trước đó nhiều bức ảnh nổi tiếng thế giới về đất nước - con người Việt Nam giành được những giải thưởng danh giá, xuất hiện trên các tạp chí lớn nhất thế giới về nhiếp ảnh lại đều được chụp bởi những người ngoại quốc đến Việt Nam như bức "Bà cụ Hội An" của nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle (người Pháp).

Ở Việt Nam, có những tay máy có "nghiệp vụ" săn giải thưởng quốc tế, thậm chí có người sở hữu tới vài trăm giải thưởng quốc tế. Nhưng rồi những bức ảnh đoạt giải thưởng ấy lại nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Ông Vi Kiến Thành vừa qua có nêu vài ý kiến rất hay và xin được khép lại bài này bằng ý kiến của ông: "Nhiếp ảnh đã qua giai đoạn mà tác phẩm chỉ là một bức ảnh đẹp đơn thuần. Nhiếp ảnh phải có ý tưởng, thông điệp rõ ràng, ngôn ngữ ảnh, ngôn ngữ tạo hình trong nhiếp ảnh phải mạnh mẽ và đặc biệt phải có nhịp điệu của ảnh, nhịp điệu của ánh sáng. Chứ cứ theo lối mòn cũ như hiện nay thì sẽ không cần đến những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp nữa...".

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/anh-nghe-thuat-viet-thuoc-nao-chua-benh-539584/