Anh lo ngại Trung Quốc dùng vũ khí đất hiếm

Các chuyên gia an ninh tại Vương quốc Anh dự báo chiến lược đất hiếm của Trung Quốc có thể là vũ khí gây bất lợi cho Anh.

Tờ The Times của Anh mới đây đăng tải bài phân tích từ các chuyên gia an ninh cho rằng, sự thống trị về đất hiếm của Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia khác rơi vào bất lợi an ninh công nghiệp, ví như Vương quốc Anh.

Đất hiếm trở thành vũ khí thể hiện sự thống trị của Trung Quốc?

Đất hiếm trở thành vũ khí thể hiện sự thống trị của Trung Quốc?

Theo đó, tờ báo nhận định rằng, cuộc chạy đua toàn cầu về công nghệ cao ngày càng cạnh tranh sẽ thúc đẩy nhu cầu về đất hiếm ngày càng gia tăng bởi đây là sản phẩm được sử dụng trong những thứ như pin, điện thoại thông minh, xe hybrid và tuabin gió.

Với thị trường béo bở được Global Market Insights ước tính trị giá khoảng 20 tỷ USD vào năm 2024, Trung Quốc nắm giữ khoảng 45 triệu tấn dự trữ.

Trong bối cảnh cuộc chạy đua toàn cầu ngày càng cạnh tranh nhằm đảm bảo nguồn cung đất hiếm, các chuyên gia đã cảnh báo rằng việc phụ thuộc vào Trung Quốc có thể ngày càng gây bất lợi cho an ninh của Vương quốc Anh.

Trung Quốc chiếm hơn 95% sản lượng đất hiếm của thế giới. Các cơ quan an ninh đang gia tăng lo ngại rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng về nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh mà họ có trong ngành công nghiệp làm đòn bẩy thành công trong các cuộc tranh chấp.

Ông Chris Williams, Giám đốc điều hành của UK Seabed Resources nhận định: "Rủi ro là Trung Quốc sử dụng vị trí của mình trong chuỗi cung ứng để gây áp lực lên các nền kinh tế khác và Vương quốc Anh không có bất kỳ lựa chọn thay thế đáng tin cậy nào."

Tờ tạp chí của Anh gọi đất hiếm là một thứ vàng công nghiệp bởi tính ứng dụng đa dạng của chúng trong các ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ. Chúng tương đối phong phú trong vỏ Trái Đất nhưng quá trình khai thác nhóm 17 kim loại hình thành dưới bề mặt Trái Đất và biến chúng thành vật liệu có thể sử dụng được thì lại rất tốn kém và gây ô nhiễm môi trường.

Các kim loại bao gồm xeri, neodymi, terbi và erbi, rất khó khai thác vì chúng không được tìm thấy với số lượng lớn hoặc không dễ tách như các khoáng chất khác.

Các chuyên gia Anh cho biết, các nguyên tố đất hiếm được sử dụng bởi các ngành công nghiệp của Vương quốc Anh đều được xử lý ở Trung Quốc và mức độ dễ bị tổn thương này ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng an ninh của quốc gia và nền kinh tế nói chung.

Để tăng cường sự độc lập của mình về nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm, Chính phủ Anh đang tài trợ cho một dự án khai thác dưới đáy biển sâu ở Thái Bình Dương.

Dự án được vận hành bởi UK Seabed Resources, một công ty con của Anh thuộc công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Dự án nhằm nghiên cứu tiềm năng thu hoạch các sản phẩm đa kim giàu khoáng chất như đồng, niken, coban, mangan và các khoáng chất đất hiếm được sử dụng trong ngành xây dựng, hàng không vũ trụ, năng lượng thay thế.

Theo ông Christopher Williams, để khai thác các sản phẩm đa kim ở độ sâu 4km dưới đáy biển, cần những tiến bộ khoa học kỹ thuật rất phức tạp. Do trữ lượng các mỏ khoáng sản được tìm thấy trong trầm tích dưới đáy Thái Bình Dương là rất lớn nên không chỉ có Mỹ thực hiện tham vọng này.

Ông cho biết, các dự án khai thác khoáng sản dưới đáy đại dương cũng đang được thực hiện bởi các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Đức và Pháp.

Những phân tích của các chuyên gia Anh là không mới nhưng chúng không thừa. Do nắm thế độc quyền về đất hiếm nên Trung Quốc đã sử dụng con bài này làm áp lực lên các vấn đề ngoại giao, đồng thời kiểm soát về giá. Năm 2010, Trung Quốc cắt giảm 37% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm và đẩy giá loại nguyên liệu này lên mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Thế nhưng chính điều này đã đẩy các nhà đầu tư chi tiền vào đây để kiếm lợi nhuận, qua đó khởi động việc khai thác đất hiếm ở các quốc gia khác.

Cụ thể, sản lượng khai thác đất hiếm tại Australia đã tăng 672% trong 10 năm qua và gần đây Myanmar cũng đang tham gia cuộc chơi với sản lượng 30.000 tấn đất hiếm năm 2020.

Thậm chí, Mỹ, quốc gia từng dẫn đầu thế giới về sản lượng khai thác đất hiếm, cũng đang hồi sinh trở lại ngành này khi các mỏ khai thác tại Mountain Pass được tập đoàn MP Materials rót vốn lại vào năm 2018. Kết quả là sản lượng khai thác đất hiếm của Mỹ đang dần hồi sinh trở lại.

Cho đến nay, Mỹ tính toán hiện 80% hoạt động tinh chế đất hiếm vẫn đang nằm ở Trung Quốc nhưng họ kỳ vọng có thể kết hợp các đồng minh của mình bao gồm Úc để phát triển chuỗi sản xuất đất hiếm sử dụng máy móc mua từ Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 2 đã cấp cho Lynas của Úc 30 triệu USD để thiết lập một cơ sở chế biến đất hiếm ở Texas. Trước đó, năm ngoái, Lầu Năm Góc cũng đã cấp vốn cho một liên doanh giữa Lynas và Blue Line - một công ty có trụ sở tại Texas - để phân tách đất hiếm nặng ở Mỹ.

Tờ CBS đưa tin, một cơ sở sản xuất đất hiếm mới trị giá 24,5 triệu USD cũng đang được xây dựng ở Saskatoon, Saskatchewan (Canada). Dự kiến, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.

Ông Amanda Lacaze - Giám đốc điều hành của Lynas Corporation, nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất Úc - cảnh báo, việc "xây dựng quá mức" các mỏ và cơ sở chế biến do lo ngại Trung Quốc cấm xuất khẩu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ông, việc phân bổ nguồn vốn không hiệu quả, cụ thể là xây dựng vượt quá công suất, sẽ gây tổn thất cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, không có cách nào để ngừng đầu tư vào các nhà sản xuất đất hiếm mới nổi ngoài lãnh thổ Trung Quốc bởi hiện tại nhu cầu đang ở mức rất cao vì lo ngại Bắc Kinh sử dụng đây là thứ vũ khí của chính mình.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/anh-lo-ngai-trung-quoc-dung-vu-khi-dat-hiem-3430170/