Anh lính Švejk - kẻ ngu ngơ hay người khôn vờ khờ khạo?

Tác phẩm khắc họa hình ảnh của những con người nhỏ bé, phận tốt thí đen đủi vướng mắc trong cỗ xe khổng lồ của chiến tranh. Họ buộc phải ứng biến để tìm cách giữ mạng mình.

Cuốn tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới do nhà văn Jaroslav Hašek (1883-1923) sáng tác trong giai đoạn 1921-1923. Đây là tác phẩm đạt kỷ lục được chuyển ngữ nhiều nhất của văn học Czech trên thế giới.

Thiên tiểu thuyết châm biếm chiến tranh

Tại Việt Nam, trong tháng 10 này, bản Việt ngữ đầy đủ của hai phần đầu cuốn truyện sẽ lần đầu tiên được phát hành với sự hợp tác giữa Nhà xuất bản Phụ Nữ và Đại sứ quán Cộng hòa Czech.

Cuốn sách hứa hẹn không chỉ đưa anh lính Švejk - một biểu tượng văn hóa Czech - tới độc giả Việt, mà còn mở ra những góc nhìn mới về Thế chiến thứ nhất tại châu Âu.

 Sách Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới tập I-II. Ảnh: Netabooks.

Sách Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới tập I-II. Ảnh: Netabooks.

Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới lấy bối cảnh đế quốc Áo - Hung trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất - cuộc thảm sát quy mô lớn trong bốn năm (1914-1918) đã cướp đi sinh mệnh của 19 triệu người.

Chính bản thân tác giả Hašek cũng tham chiến và nhờ đó có những trải nghiệm thực tế để vài năm sau viết nên một thiên tiểu thuyết châm biếm sống động chưa từng có, giúp chúng ta nhận ra sự vô nghĩa và tàn bạo khủng khiếp của chiến tranh qua hình tượng anh lính quèn khờ khạo mang tên Švejk.

Trước thềm đại chiến, ngược lại với thái độ trốn tránh của mọi người, mặc cho chứng thấp khớp hành hạ, Švejk đã hào sảng hô vang những khẩu hiệu khoa trương tinh thần yêu nước và tòng phục hoàng đế Áo - Hung (trong khi bản thân anh ta là người Czech).

Tuy nhiên, đó chỉ là cách Švejk tránh né những hiểm nguy nhãn tiền: Anh hăm hở lao thẳng vào nó bằng cách thức ồn ào và khó hiểu nhất, như một gã khùng.

Bề ngoài, anh ngoan ngoãn nương theo chính quyền và quân đội, hoàng đế, nhưng thật tâm, Švejk luôn nghĩ chế độ quân chủ sẽ sớm lụi tàn. Sự trung thành một cách “thật thà” của anh khiến cấp trên hết lần này đến lần khác tái mặt vì tức giận.

Với miệng lưỡi dẻo quẹo, bằng những hành vi điên khùng khó đoán, chúng ta không biết được liệu Švejk đã thành công trong việc trì hoãn phải ra chiến trường và giáp mặt trực tiếp với chiến trận, xe tăng, khí độc và súng máy, hay anh chỉ tình cờ gặp may nhờ sự ngu ngơ, thật thà như đếm của mình.

Đó chính là cái “kiểu Švejk” mà theo nhiều người, thể hiện đúng tinh thần kháng cự thụ động của người Czech giữa thế chiến. Hoặc rộng hơn, đó là hình ảnh của tất cả những con người nhỏ bé, những phận tốt thí đen đủi vướng mắc trong cỗ xe khổng lồ của chiến tranh, buộc phải ứng biến để tìm cách giữ mạng mình.

Chiến tranh phi nghĩa hiện lên từ tiểu thuyết của Hašek là một tồn tại tàn độc vô lý, nơi mà dục vọng tối thẳm nhất của con người ngự trị, những kẻ tham chiến từ lính quèn đến các sĩ quan cao cấp đều không biết và không cần biết họ chiến đấu vì điều gì, hầu hết đều là những phần tử “có nghi ngờ về chính trị” và sẽ đào ngũ khi có cơ hội.

Hašek đã dành không ít thời lượng trong cuốn sách để mô tả về những trận rượu chè trác táng, những cơn say ngất ngưởng, những bước đi dúi dụi trên đường phố của những kẻ mang danh ái quốc và phục vụ hoàng đế.

Nước mắt trong tiếng cười

Từ đầu đến cuối, Švejk lúc nào cũng điềm tĩnh, miệng lưỡi ba hoa nói những lời đẹp lòng vô nghĩa nhưng hóa ra vũ khí hiệu quả chống lại cuộc chiến bạo tàn, phi nhân đó của anh lại là lòng tốt, sự ngây thơ và thái độ khoan hòa.

Bộ máy chiến tranh toàn những lãnh đạo quân sự bất tài không thể nào nghiền nát được Švejk vốn mềm lỏng như nước.

Tượng nhà văn Jaroslav Hašek tại Czech. Ảnh: Britanica.

Thế giới chiến tranh đó điên khùng đến độ chỉ có văn chương châm biếm mới có thể đặc tả, chỉ có tiếng cười mới có thể túm gáy được nó.

Sau cùng, Švejk luôn chiến thắng. Anh giữ được mạng sống của mình, dù hành động có điên rồ và kỳ quái đến đâu, thì sự xuẩn ngốc lớn hơn của bộ máy quan liêu cũng khiến anh trở thành kẻ chiến thắng.

Cuốn tiểu thuyết này không chỉ phản ánh sự băng hoại và đổ vỡ của những hệ giá trị xưa cũ mà đôi chỗ, nó còn cả gan “báng bổ” tôn giáo khi dám lật tẩy bộ mặt đạo đức giả của các thầy tu.

Năm 1925, tác phẩm bị cấm trong quân đội Czech. Đức Quốc xã sau đó đã công khai đốt bản dịch tiếng Đức của tác phẩm. Hành động này chỉ càng khiến ảnh hưởng của cuốn sách lan ra rộng rãi, đến mức các biến thể của từ “švejk” đã xuất hiện trong từ điển tiếng Czech để chỉ sự ngu ngốc và phi lý trong quân đội.

Dưới lăng kính của anh lính Švejk, mọi bài hát nâng cao tinh thần chiến đấu đều hài hước, vinh quang ở các trận chiến chỉ là trò bịp bợm, mọi binh lính đều tránh né cái nhìn thẳng của họng súng máy.

Tất cả điều đó sẽ hiện ra rực rỡ trong tác phẩm độc đáo này, khiến chúng ta phải bật cười và cười đến khi chảy ra nước mắt.

Nancy Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/anh-linh-svejk-ke-ngu-ngo-hay-nguoi-khon-vo-kho-khao-post1142829.html