Ảnh hưởng từ dịch cúm gia cầm: Giá tuột dốc

Gần 1 tháng trở lại đây, do ảnh hưởng dây chuyền của dịch cúm gia cầm (DCGC) bùng phát tại một số địa phương trong toàn quốc, giá các loại gia cầm, trứng gia cầm giảm mạnh, gây khó khăn cho người chăn nuôi.

Chăn nuôi gà tại một gia đình ở xã Ân Tường Tây (Hoài Ân - Bình Định).

Bình Định: Giá giảm vì “tắt” đầu ra

Theo khảo sát tại chợ Đầm (TP.Quy Nhơn - Bình Định), thời điểm 27/2, giá gà ta nuôi trại sống chỉ còn 45.000 - 50.000 đồng/kg, giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 1 tháng. Gà ta thả vườn ở mức 85.000 - 90.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg. Vịt ta 80.000 - 85.000 đồng/con (mỗi con từ 1,2-1,4 kg), giảm 5.000 - 10.000 đồng/con; ngan 60.000 - 65.000 đồng/kg, giảm 8.000 - 10.000 đồng/kg...

Theo các tiểu thương buôn bán gia cầm tại chợ, do lo ngại DCGC nên người tiêu dùng ngại sử dụng thịt gia cầm, trong khi lượng gà, vịt tại các trang trại đến kỳ xuất bán khá lớn khiến cung vượt cầu. Trong khi đó, việc vận chuyển gia cầm trong tỉnh đi tiêu thụ tại các địa phương khác trong cả nước đang gặp khó, lượng tiêu thụ giảm mạnh, một số tỉnh lo ngại dịch bệnh lây lan đã hạn chế nhập gia cầm sống.

Ông Mai Văn Rõ, chủ trang trại chăn nuôi gà thả vườn ở thôn Ân Tường Tây, (huyện Hoài Ân), than thở: “Với giá gà ta nuôi trại ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg như hiện nay, người chăn nuôi đang chịu lỗ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Trang trại của tôi hiện đang nuôi trên 3.000 con gà thịt hiện đã đến thời điểm xuất chuồng nhưng tôi chưa dám bán. Nếu bán với giá như hiện nay, gia đình chắc chắn cầm mức lỗ 15-20 triệu đồng”.

Giá gà thịt giảm mạnh làm cho nhiều trang trại, gia trại không tiếp tục nhập gà giống để nuôi tái đàn nên giá gà giống cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh, xã Cát Tân (Phù Cát), cho biết: Do ảnh hưởng của DCGC bùng phát nên hiện giá gà giống đang lao dốc từng ngày, đã giảm 3.000 - 5.000 đồng/con so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Thời điểm này, giá gà giống của công ty đang ở mức 15.000 đồng/con nhưng đầu ra cũng rất chậm”.

Giá trứng gia cầm cũng đang trên đà giảm. Theo ghi nhận tại các trang trại nuôi vịt ở các xã khu Đông huyện Tuy Phước, giá trứng vịt ăn đã giảm 700 - 1.000 đồng/quả. Ông Nguyễn Đình Sanh, chủ trang trại nuôi vịt ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước), cho biết: “Trứng vịt loại quả to bán tại trại hiện chỉ ở mức 1.700 - 2.000 đồng/quả; loại nhỏ 1.500 - 1.700 đồng/quả; trứng vịt lộn từ 2.500 - 2.700 đồng/quả; trứng gà ta 3.000 - 3.300 đồng/quả; gà công nghiệp 1.300 - 1.500 đồng/quả... Giá trứng vịt chưa bao giờ rẻ mà khó tiêu thụ như trong thời gian này. Trang trại chăn nuôi hơn 10.000 con của tôi hiện còn tồn lượng trứng khá lớn mà không có nơi tiêu thụ, hàng ngày gia đình phải chở bán lẻ tại các chợ nông thôn để mong gỡ gạc chút vốn liếng”.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bình Định, cho biết: Theo thông báo của Cục Thú y, hiện trên địa bàn toàn quốc có 7 tỉnh đang có DCGC. Đáng chú ý là Quảng Ngãi - tỉnh giáp ranh với Bình Định, DCGC đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan dịch sang Bình Định khá lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, Chi cục đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm. UBND tỉnh đã chi hỗ trợ khẩn cấp trên 5 tỉ đồng để mua vắc-xin và hỗ trợ 100% tiền công tiêm phòng cho đàn gà, vịt trên địa bàn toàn tỉnh. Từ trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, lực lượng thú y đã thực hiện tiêm phòng cho trên 1 triệu con gà, vịt tại các địa phương. Nhờ vậy, dịch bệnh trên đàn gia cầm đang được khống chế tốt. Hầu hết các trang trại, gia trại chăn nuôi đang áp dụng chặt chẽ các quy trình kỹ thuật trong phòng chống dịch, thường xuyên tổ chức tiêu độc, sát trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh. Gia cầm và các sản phẩm gia cầm khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường đều được lực lượng thú y kiểm dịch kỹ lưỡng, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng, không nên quá lo ngại dịch bệnh.

Nếu giá còn xuống: Tỷ phú nuôi gà cũng phá sản

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã thốt lên như vậy trước tình hình giá gà trong nước đang giảm với tốc độ chóng mặt.

Cuối tuần trước, gà lông màu xuất chuồng từ trại giá 25.000 đồng/kg; theo ông P.V.Hoán, chủ trại gà ở Bình Dương, với mức giá đó người nuôi lỗ đến 7.000 đồng/kg.

Phó giám đốc một doanh nghiệp (DN) của Malaysia đang đầu tư nuôi gà tại các tỉnh phía Nam nhận xét: “Từ sau Tết, đặc biệt trong vòng nửa tháng nay, giá gà cứ giảm như xe xuống dốc không phanh”. Một chủ trại nuôi gà ở Tây Ninh than thở: “Đây là đợt giá gà giảm sâu nhất trong vòng 4 năm qua”.

Chị Phạm Thị Thúy Thanh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hoàng Thanh Trà (Đồng Nai), cho hay, doanh nghiệp có 19 trại gà ở Đồng Nai và Bình Dương với tổng đàn khoảng 250.000 con. Sau Tết Nguyên đán, giá gà bắt đầu giảm, xuất bán thì nhỏ giọt. Chị Thanh nói: “Trước đây, mỗi tuần công ty xuất 40.000 con gà ra thị trường trong nước và một số ít đi Campuchia. Từ sau Tết, giá gà bắt đầu giảm, chỉ xuất bán được khoảng 30% số đó”.

Không chỉ giảm giá sâu, nhiều cơ sở còn không tìm được nơi tiêu thụ. Hơn 250.000 con gà tại Công ty Hoàng Thanh Trà đang tồn kho và mỗi ngày công ty phải tốn lượng lớn thức ăn để nuôi. Thông tin với chúng tôi, nhiều chủ trại gà ở Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương đều có chung nhận định, đợt giá gà giảm sâu và kéo dài 2 tuần vừa qua là “điều bất thường”. “Những năm trước gà có giảm nhưng thay vì lãi 5.000 - 7.000 đồng/kg thì xuống 2.000 đồng/kg, không lỗ “sặc máu” như năm nay”, anh Tuấn, chủ trại gà ở Đồng Nai lắc đầu ngao ngán.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh có tổng đàn gà khoảng 15 triệu con. Nếu giá còn xuống nữa thì không chỉ người chăn nuôi mà ngay cả các tỉ phú nuôi gà cũng phá sản. Liên quan đến tình hình dịch cúm gây ảnh hưởng cho người chăn nuôi, ông Đoán cho rằng: “Bộ Nông nghiệp và PTNT và cơ quan chức năng phải có thông tin cụ thể về vùng bị dịch bệnh cúm gia cầm, không ảnh hưởng đến vùng chăn nuôi an toàn. Hai nữa, phải có hàng rào kỹ thuật, quản lý chặt việc cho nhập khẩu gà từ nước ngoài vào Việt Nam”.

Phân tích tình hình trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, Việt Nam thường bị động trước thực tế cung cầu của thị trường và các phản ứng từ cơ quan chức năng, cơ quan quản lý chuyên môn thường chậm một bước là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

“Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã lệnh siết đường biên, huy động nhiều ngành tham gia với mục đích chống nhiễm cúm gia cầm. Thế nhưng, gà trong nước vẫn tuột dốc. Vấn đề ở đây là cung đã vượt cầu, hoặc người tiêu dùng sợ lây cúm mà không mua. Tuy nhiên, tôi thiên về giả thiết số liệu cung cầu lệch pha và mạnh ai nấy làm đang phá ngành chăn nuôi trong nước”, ông Long nói.

Đồng quan điểm, TS.Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng nhận định, riêng gà công nghiệp đang rơi vào tình trạng cung vượt cầu sau Tết. Lý do trước Tết giá bán cao, nhiều công ty và trang trại tăng nuôi khiến thị trường bị thừa hàng.

“Vấn đề là, gà ta không bị ảnh hưởng trong đợt rớt giá này vì không có sự tăng nguồn cung đột biến. Khi chúng ta đã siết đường mậu biên, lẽ ra giá gà trong nước phải tăng, nhưng sao lại giảm nhiều hơn? Thứ hai, vùng Đông Nam Bộ, khu vực chuyên nuôi gà công nghiệp lại có tâm lý tin vào đám đông. Thấy giá gà tăng, trại nào cũng thả đồng loạt, đến khi thu hoạch, nếu để chậm 5-10 ngày là lỗ nặng”, TS.Khanh nhận xét và khuyến cáo các doanh nghiệp và chủ trại nhất thiết phải nắm thông tin thị trường, không nên nuôi gà theo đám đông.

Phú Mỹ - P.V

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/anh-huong-tu-dich-cum-gia-cam-gia-tuot-doc-post3098.html