Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, GRDP quý I/2020 của Hà Nội chỉ đạt 3,72%

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,46%; khu vực dịch vụ tăng 3,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,7%.

Đánh giá của Cục Thống kê Hà Nội, tăng trưởng quý I năm nay đạt mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm gần đây (GRDP quý I/2018 tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2019 tăng 6,95%), chủ yếu do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, đặc biệt là các ngành du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động xuất nhập khẩu và một số ngành dịch vụ khác.

Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,17% so cùng kỳ năm trước (quý I/2019 tăng 3,19%) làm giảm 0,03% điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm, chủ yếu do chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi từ năm 2019 (sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I ước tính giảm 41,2% so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, sản lượng một số cây vụ đông năm nay cũng giảm so cùng kỳ do diện tích gieo trồng giảm; riêng chăn nuôi gia cầm và hoạt động thủy sản tiếp tục tăng khá.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khu vực công nghiệp - xây dựng quý I tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2019 tăng 7,84%), đóng góp 0,96 % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của TP. Trong đó, sản xuất công nghiệp quý I/2020 của Hà Nội chỉ đạt mức tăng 5,09% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất của quý I trong một số năm gần đây ), đóng góp 0,64 % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm trên địa bàn. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến ngành chế biến, chế tạo đặc biệt là những ngành sản xuất, xuất khẩu sản phẩm và sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng ảnh hưởng đến ngành chế biến thực phẩm, đồ uống.

Khu vực dịch vụ quý I/2020 ước tính tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước (quý I/2019 tăng 7,1%). Ngành bán buôn, bán lẻ mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hệ thống cửa hàng bán lẻ vắng khách hơn nhưng do nhu cầu hàng hóa thiết yếu tăng và người dân tăng lượng mua cho mỗi lần mua sắm, đồng thời các cơ sở kinh doanh cũng đẩy mạnh hình thức thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến (doanh thu từ thương mại điện tử của một số đơn vị tăng từ 20-30%), góp phần duy trì mức tăng trưởng.

Các ngành vận tải, kho bãi, khách sạn nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Trong đó: Giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi giảm 5,15% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2019 tăng 9,93%), làm giảm 0,39% điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm trên địa bàn Hà Nội. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 21,77% (quý I/2019 tăng 4,62%), làm giảm 0,59 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm.

Hoạt động nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 7,41% (quý I/2019 tăng 7,44%), làm giảm 0,05 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm. Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (trong đó doanh thu từ du lịch, lữ hành chiếm 25%) giảm 5,95% (quý I/2019 tăng 4,03%). Hoạt động giáo dục đào tạo do từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, toàn bộ học sinh các cấp và sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn đều nghỉ học để tránh lây lan dịch bệnh, nên giá trị tăng thêm chỉ tăng 3,74% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2019 tăng 6,87%).

Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 khiến cho lượng khách quốc tế và trong nước đến Hà Nội giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 756 nghìn lượt khách, giảm 36,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hàn Quốc giảm 52,1%; Nhật giảm 33,3%; Pháp giảm 13,1%; Trung Quốc giảm 78,1%... Khách trong nước đến Hà Nội đạt 1.901 nghìn lượt khách, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành còn lại: Tài chính, ngân hàng; kinh doanh bất động sản; khoa học công nghệ; quản lý Nhà nước; an ninh quốc phòng; dịch vụ khác… duy trì tốc độ tăng trưởng, tuy nhiên nhìn chung mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Về xuất khẩu, quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 2.744 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2019 tăng 12,9%), trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 28,2%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là: Giày dép tăng 5,2%; hàng gốm sứ tăng 6,5%. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ: Hàng nông sản giảm 27,9% (gạo giảm 28,1%, cà phê giảm 27,9%); máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện giảm 32,1%; xăng dầu giảm 36,7%.

Hiện nay TP Hà Nội đang thực hiện 2 nhiệm vụ kép, trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phòng chống dịch bệnh, đồng thời phải có giải pháp ngăn chặn sự suy giảm, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020. Giải pháp trọng tâm là tập trung nắm vững tình hình, kịp thời tuyên truyền, ổn định tâm lý để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt dịch bệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư và tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài; phát triển các ngành kinh tế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực...

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/anh-huong-tu-dich-covid-19-grdp-quy-i2020-cua-ha-noi-chi-dat-372-379316.html