Anh hướng tới nỗ lực phục hồi kinh tế trong năm 2021

Ưu tiên trước mắt của Chính phủ Anh là tiếp tục hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với việc gia hạn các kế hoạch giải cứu việc làm, hỗ trợ cho lao động tự do, trợ cấp cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài phát biểu về ngân sách thường niên trước các nghị sĩ ngày 3/3, Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak đã công bố kế hoạch ba bước trong Ngân sách 2021 nhằm hỗ trợ việc làm và các doanh nghiệp trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời mở đường cho nền kinh tế phục hồi.

Thứ nhất, ưu tiên trước mắt của Chính phủ Anh là tiếp tục hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với việc gia hạn các kế hoạch giải cứu việc làm, hỗ trợ cho lao động tự do, trợ cấp cho doanh nghiệp, cấp tín dụng và cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), qua đó đưa tổng số tiền hỗ trợ lên đến hơn 407 tỷ bảng Anh (khoảng 568 tỷ USD).

Bộ trưởng Sunak xác nhận kế hoạch giải cứu việc làm sẽ được gia hạn đến hết tháng Chín, trong đó Chính phủ Anh sẽ trả 80% lương cho người lao động, dù các doanh nghiệp sẽ phải đóng góp 10% từ tháng Bảy và 20% từ tháng Tám. Hỗ trợ cho lao động tự do cũng sẽ được gia hạn với nhiều thay đổi cho phép thêm 600.000 người nữa đủ điều kiện để hưởng.

Thứ hai, ông Sunak cho biết chính phủ cần giải quyết tình hình tài chính công. Trong bối cảnh nợ công của Anh trong tài khóa 2020-2021 lên mức cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai là 17% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nhiều khả năng sẽ chỉ giảm xuống còn 10,3% trong tài khóa tiếp theo, Bộ trưởng Sunak đã quyết định sẽ tăng thuế doanh nghiệp từ 19% lên 25% vào năm 2023.

Đây cũng là thời điểm nền kinh tế Anh đã vượt qua khủng hoảng do COVID-19. Ông nhấn mạnh kể cả khi đã tăng thuế, thì Anh vẫn là quốc gia có mức thuế doanh nghiệp thấp trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), xếp sau Mỹ, Canada, Italy, Nhật Bản, Đức và Pháp.

Những doanh nghiệp có mức lợi nhuận dưới 50.000 bảng (69.815 USD) sẽ chỉ phải nộp thuế ở mức 19%. Những gia đình có thu nhập thấp sẽ vẫn được nhận thêm khoản trợ cấp 20 bảng (28 USD) trong 6 tháng nữa. Ngoài ra, Anh cũng giữ nguyên ngưỡng thu nhập cá nhân phải chịu thuế cho đến năm 2026.

Thứ ba, Bộ trưởng Sunak cho biết trong bản ngân sách lần này, chính phủ đã bắt tay vào việc hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế trong tương lai, với việc công bố một loạt các cảng tự do mới nhằm tăng cường đầu tư, khuyến khích đổi mới và cắt giảm chi phí.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Sunak đã công bố dự báo của Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh (OBR), theo đó nền kinh tế nước này nhiều khả năng sẽ phục hồi ở mức 4% trong năm 2021, thấp hơn mức dự báo 5,5% được đưa ra vào tháng 11/2020 nhằm phản ánh tác động của lệnh phong tỏa bắt đầu từ tháng 1 vừa qua.

OBR dự báo GDP sẽ lần lượt tăng trưởng ở mức 7,3%, 1,7% và 1,6% vào các năm 2022, 2023 và 2024. Ông cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đưa nền kinh tế vượt qua những tháng cuối cùng còn áp dụng các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19.

Tháng trước, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết GDP của nước này trong năm 2020 đã giảm 9,9% so với năm 2019, mức giảm lớn nhất trong vòng hơn 300 năm và cao hơn mức giảm 9,7% của năm 1921, khi nền kinh tế thế giới bị tác động mạnh bởi suy thoái sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Bộ trưởng Sunak nhấn mạnh các số liệu trên cho thấy nền kinh tế nước này "đã trải qua một cú sốc nghiêm trọng do hậu quả của đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng cả thế giới đều cảm nhận được.”

Trước viễn cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, đầu tháng Hai, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục là 0,1%.

Bộ trưởng Sunak dự báo kinh tế Anh sẽ phục hồi như trước khi khủng hoảng dịch bệnh bùng phát vào giữa năm 2022, sớm hơn sáu tháng so với dự báo trước đó, nhờ vào việc triển khai chương trình tiêm phòng COVID-19 nhanh nhất tại châu Âu.

Tuy nhiên, trong 5 năm tới, kinh tế Anh sẽ vẫn tăng trưởng thấp hơn 3% do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chính phủ cần phải tăng cường hỗ trợ do vùng England hiện vẫn đang áp đặt lệnh phong tỏa để khống chế dịch./.

Lại Hoàng Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/anh-huong-toi-no-luc-phuc-hoi-kinh-te-trong-nam-2021/697892.vnp