Ảnh hưởng thị trường từ chính quyền mới của Italy

Chính quyền liên minh mới của Italy tuyên thệ nhậm chức ngày 1/6 hứa hẹn sẽ mang đến hỗn hợp các chính sách cực hữu, kháng chính thống và có xu hướng bài EU, làm dấy lên lo ngại về tương lai khu vực đồng tiền chung euro.

Dưới đây là 5 vấn đề cần chú ý trong bối cảnh đảng Liên đoàn và Phong trào Ngũ tinh (M5S) chuẩn bị nắm quyền ở Italy.

Italy có rời Eurozone hay không?

Dù công khai chỉ trích EU và trong nội các mới có Paolo Savona, người mang quan điểm bài euro, các chương trình của chính phủ M5S – Liên đoàn không kêu gọi Italy đơn phương rời khỏi Eurozone.

M5S đã công khai loại bỏ ý tưởng trưng cầu dân ý về đồng euro, đảng Liên đoàn đã ký duyệt, đồng nghĩa Italy cam kết ở lại Eurozone. Đảng Liên đoàn trước đó mô tả euro là “một thử nghiệm kinh tế và xã hội thất bại”, đề xuất các cải cách và về dài hạn có thể phối hợp với hàng loạt nước khác để rời Eurozone.

Kết quả các khảo sát gần đây cho thấy khoảng 60 – 70% người dân Italy phải đối rút khỏi Eurozone.

Thị trường sẽ phản ứng thế nào trước tình hình ở Italy?

Chiến dịch tranh cử hỗn loạn, kết quả bầu cử không thuyết phục, bế tắc chính trị và lo ngại Italy sẽ bầu cử sớm khiến nhiều thị trường chao đảo.

Việc M5S và đảng Liên đoàn đạt thỏa thuận phần nào hỗ trợ thị trường, ít nhất là cho đến khi chính phủ liên minh công bố chương trình nghị sự.

Phản ứng trước những giọng điệu bài euro và các biện pháp tốn kém, những chỉ số tài chính quan trọng cho thấy niềm tin của giới đầu tư vào Italy đang giảm.

Cách biệt giữa lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italy và Đức đã vượt 300 điểm hồi đầu tuần, cao hơn so với mức 130 điểm ba tuần trước đó. Cách biệt này từng tăng lên gần 600 điểm năm 2011, đẫn đến việc ông Silvio Berlusconi bị phế truất khỏi vị trí thủ tướng khi đó.

Lãnh đạo M5S Luigi Di Maio và lãnh đạo Liên đoàn Matteo Salvini. Ảnh: AFP

Quan hệ đối tác dài hạn?

Luigi Di Maio, lãnh đạo M5S, và Matteo Salvini, lãnh đạo Liên đoàn, đều nhấn mạnh ý định thực hiện chương trình nghị sự của họ trong 5 năm.

Liên minh hai đảng chỉ chiếm thế đa số tại Hạ viện với tỷ lệ 347/630 ghế và 167/315 ghế Thượng viện. Do đó, họ phải tìm cách hạn chế nghị sĩ của hai đảng, đặc biệt là đối với những người còn nghi ngờ liên minh cầm quyền, đi quá xa.

Ai là người nắm quyền thực sự?

M5S kiểm soát nhiều quyền lực hơn trong liên minh vì nhận được gần 33% phiếu bầu trong cuộc bầu cử hồi tháng 3. Đảng Liên đoàn chỉ giành được 17% phiếu bầu.

Salvini là một ngôi sao đang lên, có được vị trí then chốt, Bộ trưởng Nội vụ, và tuyên bố sẽ đại diện cho 37% cử tri, những người bỏ phiếu cho liên minh cánh hữu mà ông vận động. Trong khi đó, ảnh hưởng từ nhà sáng lập M5S Beppe Grillo đến đảng này vẫn còn nặng nề.

Một nghi vấn cũng được đưa ra đối với cựu thủ tướng Silvio Berlusconi. Nằm trong liên minh cánh hữu với Salvini, Berlusconi là người bật đèn xanh cho Liên đoàn và M5S đạt thỏa thuận mà không cần sự tham gia của đảng Forza Italia.

Tuy nhiên, cựu thủ tướng không chấp nhận chương trình nghị sự của chính phủ mới. Sau khi một tòa án ra phán quyết đảo ngược lệnh cấm Berlusconi tham gia chính trường, cựu thủ tướng này một lần nữa có thể gây ảnh hưởng và ông đã cam kết “có sự đối lập quan trọng, hợp lý”.

Tổng thống Italy có thể làm gì?

Tổng thống Sergio Mattarella từ chối chấp thuận Savona làm Bộ trưởng Kinh tế, buộc liên minh phải bổ nhiệm một nội các mới có thể mang đến sự trấn an cho EU.

Mattarella được bầu lên bởi quốc hội cánh tả. Mattarella nêu rõ ông không chỉ có quyền phủ quyết việc bổ nhiệm bộ trưởng mà còn có thể bác bỏ những luật không khả thi về mặt tài chính. Ông cũng là người bảo lãnh cho các cam kết của Italy với quốc tế. Ông sẽ theo sát mọi động thái có thể ảnh hưởng đến vai trò của Italy trên trường quốc tế, đặc biệt là những bình luận gay gắt của Salvani về EU và ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Như Tâm/Theo Economic Times

Nguồn NDH: http://ndh.vn/anh-huong-thi-truong-tu-chinh-quyen-moi-cua-italy-20180601033933430p145c151.news