Ảnh hưởng do COVID-19, GDP 6 tháng vẫn tăng

Tại buổi họp báo Công bố số liệu kinh tế-xã hội 6 tháng năm 2020, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong khi dịch COVID-19 khiến cho nền kinh tế toàn cầu suy giảm, tăng trưởng âm, thì Việt Nam dù sụt giảm tốc độ nhưng vẫn là một điểm sáng.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh:VGP.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh:VGP.

Nhìn lại 10 năm gần đây, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ các năm 2011-2020 lần lượt là: 5,92%; 4,93%; 4,90%; 5,22%; 6,32%; 5,65%; 5,83%; 7,05%; 6,77%; 1,81%.Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 0,83%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 0,78% của 6 tháng đầu năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 2,15% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,01 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,37%, chỉ cao hơn mức tăng 2,34% của 6 tháng đầu năm 2013 và 1,25% của 6 tháng đầu năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 0,08 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, riêng ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 1,1 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 5,4%, làm giảm 0,35 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 13,9% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%. Ngành xây dựng tăng 4,5%, cao hơn mức tăng 0,11% và 2,41% của 6 tháng đầu năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 0,28 điểm phần trăm.

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của 6 tháng như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, là ngành đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,46 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 3%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,7%, làm giảm 0,95 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,36% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,54%; 34,20%; 42,03%; 10,23%).

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách, Tổng cục Thống kê phát biểu. Ảnh:VGP.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê phân tích, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân.

Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Kết quả trên cho thấy thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.

“Tổng cục Thống kê từ đầu năm có xây dựng kịch bản, đồng thời hàng quý hoặc sau 6 tháng đều có căn cứ vào diễn biến thực tế để điều chỉnh. Tuy nhiên, các kịch bản này đều phục vụ cho điều hành của các cấp từ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ cân nhắc công bố khi cần thiết”, bà Nguyễn Thị Hương nói.

Trao đổi thêm với báo chí, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Dương Mạnh Hùng phân tích, thực tế thống kê GDP từ năm 1991, gần 30 năm nay, chưa bao giờ ghi nhận mức tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm thấp như vậy.

Mức tăng trưởng 1,81%, theo ông Hùng, cũng kém cả kịch bản thấp nhất mà cơ quan này đã đặt ra trước đó nên ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,8%.

Nhận định về triển vọng đến cuối năm, ông Dương Mạnh Hùng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,8%, nếu muốn đạt được thì 2 quý cuối năm phải tăng trưởng trên 10%. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi trong bối cảnh dịch bệnh, đứt gãy chuỗi ứng trên toàn cầu hiện tại.

“Dù vậy, tăng trưởng GDP quý III và IV sẽ tốt hơn 6 tháng qua bởi chúng ta còn dư địa lớn để tăng trưởng”, ông Dương Mạnh Hùng kỳ vọng.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/anh-huong-do-covid19-gdp-6-thang-van-tang/399274.vgp