Ảnh hưởng của Anh trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Theo các nhà nghiên cứu, nước Anh hậu Brexit đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế và sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời tham gia nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc đang trỗi dậy. Nước Anh cũng đối mặt với những cơ hội và thách thức mới với chiến lược trở lại 'Phía Đông kênh đào Suez', thuật ngữ dùng để chỉ những lợi ích của Anh bên ngoài biên giới châu Âu.

Chiến hạm HMS Westminster của Hải quân Anh cập cảng Gibraltar hôm 19/8/2013. Ảnh: AP / Laura Leon

Chiến hạm HMS Westminster của Hải quân Anh cập cảng Gibraltar hôm 19/8/2013. Ảnh: AP / Laura Leon

Hôm 22/11, Tổ chức tư vấn chính sách trung hữu Policy Exchange của Anh đưa ra báo cáo có tiêu đề “A Very British Tilt” phác thảo chiến lược mới của nước hậu Brexit ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo đó, báo cáo “phản ánh sự đồng thuận rộng rãi quan điểm về vai trò của Anh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” do các cựu lãnh đạo chính trị và quân sự của Anh, Canada, Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka và Indonesia lên tiếng. Qua đó, kêu gọi gia tăng vai trò nước Anh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với Mỹ để đối đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Để đạt được mục tiêu đó, chiến lược mới vạch ra các bước đi dự kiến, trong đó Anh sẽ tham gia các hiệp định thương mại tự do khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời mở rộng sự hiện diện quân sự thường xuyên của nước này trong khu vực.

Nước Anh hậu Brexit: Chiến lược Đông và đa dạng hóa quan hệ thương mại

Theo chuyên gia người Anh Humphrey Hawksley, nguyên Trưởng văn phòng đại diện BBC tại Bắc Kinh: “Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nước Anh có cơ hội để giải quyết những chỉ trích rằng chính sách đối ngoại của nước này đang lạc lối, đồng thời giúp Anh chuyển trọng tâm ra khỏi mối quan hệ căng thẳng với châu Âu, cũng như cho thấy sự thành công của Brexit”.

Trong khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU hậu Brexit vẫn chưa có kết quả, các nhà lãnh đạo có tư tưởng bảo thủ của Anh đã chuyển trọng tâm sang hướng Đông, vạch ra một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy chiến lược thương mại và đầu tư ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các biện pháp bao gồm:

- Gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), giúp liên kết nước quốc Anh với khu vực chiếm hơn 13% GDP toàn cầu, và cũng là khu vực thương mại tự do lớn thứ 3 thế giới.

- Ký kết các hiệp định thương mại tự do kỹ thuật số.

- Thiết lập cơ chế đầu tư Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để hỗ trợ các sáng kiến kinh tế của Mỹ và khu vực.

- Tạo ra một hiệp ước đầu tư đa quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “để bảo vệ các nhà đầu tư khỏi các hành vi phân biệt đối xử và cho phép họ tham gia phân xử theo luật quốc tế”·

- Khuyến khích các công ty ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Anh và đồng minh.

Ông Hawksley nhấn mạnh: ”Chiến lược sẽ giúp Anh có cơ hội đạt được các thỏa thuận thương mại hậu Brexit với các chính phủ châu Á và gia nhập CPTPP”.

Theo giáo sư trợ giảng Yoshikazu Kato ở Viện Châu Á Toàn cầu, Đại học Hồng Kông, hoàn toàn có thể hiểu rằng nước Anh cần “lựa chọn thay thế” để bảo toàn lợi ích quốc gia về quan hệ và chính sách đối ngoại trong thời kỳ hậu Brexit. Ông nói: “Đó là lý do tại sao các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản đã khởi xướng việc mời nước Anh tham gia CPTPP. Từ quan điểm của Nhật Bản có thể thấy, đây sẽ là một sự kết hợp hoàn hảo nếu nước Anh với tư cách là một quốc gia không thuộc châu Á - Thái Bình Dương có thể tham gia tích cực vào CPTPP và khuôn khổ Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương”.

Anh hợp tác với Mỹ để “chống lại” sự trỗi dậy của Trung Quốc

Trong khi đó, báo cáo cho rằng câu chuyện “châu Á trỗi dậy” “thường xuyên nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc đối với các quốc gia còn lại ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Điều đó cảnh báo về một trật tự mới lấy Trung Quốc làm trung tâm, đang ngày càng được “định hình” bởi sự “phát triển nhanh chóng và vươn lên vị trí ưu thế trong khu vực” của Trung Quốc. Về mặt này, báo cáo kêu gọi Anh tham gia cùng với Mỹ trong “cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng” với Trung Quốc.

Ông Yoshikazu Kato nói: “Từ quan điểm lợi ích quốc gia và chiến lược của Nhật Bản, tích cực hoan nghênh nước Anh, với tư cách là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ, có thể tham gia chiến lược đảm bảo các giá trị tự do, dân chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, Trung Quốc có thể coi cam kết mới của Anh là “ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Hawksley lập luận: “Sự hiện diện lớn hơn của Anh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ giúp củng cố lập trường của Mỹ cho rằng, căng thẳng Mỹ - Trung không phải là song phương”. Trọng tâm trong chính sách hướng Đông của Anh là chuyến đi của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm tới, được Thủ tướng Boris Johnson mô tả là hoạt động triển khai tham vọng nhất của nước này trong hai thập kỷ qua.

Theo Giáo sư John Rennie Short thuộc trường Đại học Maryland, Mỹ, chiến lược xoay trục của Anh sang Ấn Độ Dương “đánh dấu sự tiếp tục của xu hướng huy động một liên minh chống Trung Quốc trong khu vực”.

Trước đó, Mỹ gây áp lực với Trung Quốc trên nhiều phương diện kể từ năm 2017, nhắm vào quan hệ thương mại song phương, lĩnh vực công nghệ cao, hoạt động xây dựng quân sự trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như việc nước này xử lý các vấn đề Hồng Kông và Tân Cương. Trong một phần của chiến lược kiềm chế Trung Quốc, Mỹ kêu gọi các đồng minh loại bỏ thiết bị viễn thông 5G do Trung Quốc sản xuất với lý do đe dọa an ninh; tăng cường Hoạt động Tự do Hàng hải (FONOP) ở Biển Đông; ủng hộ diễn đàn chiến lược Đối thoại Tứ giác An ninh (QSD) cùng với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Tàu sân bay USS Nimitz (CVN 68) hoạt động ở Biển Đông hôm 6/7/2020. Ảnh: Hải quân Mỹ

Anh Khôi (Theo Sputnik)

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/anh-huong-cua-anh-trong-canh-tranh-chien-luoc-my-trung-o-an-do-duong-thai-binh-duong-14685/