Anh hùng LLVTND Phạm Văn Thọ: Tình cảm quân dân Đại Lộc (Quảng Nam) là kỷ niệm không bao giờ quên

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình ông đã từng tham gia đánh trên 40 trận, chỉ huy đơn vị tiêu diệt hàng nghìn tên địch, nhưng những kỷ niệm về một thời tham gia chiến đấu tại mặt trận Thượng Đức, được quân và dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đùm bọc, che chở luôn là những kỷ niệm không bao giờ quên với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh 3/4 Phạm Văn Thọ.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Thọ bên những kỷ niệm về một thời gian khó, những năm tháng tại mặt trận Thượng Đức là kỷ niệm khó quên.

Được sự giới thiệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tĩnh Gia, chúng tôi gặp Anh hùng LLVTND Phạm Văn Thọ trong dịp kỷ niệm 60 năm kết nghĩa của 2 tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam và huyện Tĩnh Gia - Đại Lộc. Mang trong mình nhiều vết thương nặng bởi chiến tranh, mỗi khi trái gió trở trời, những mảnh đạn, còn trên da thịt lại làm ông đau nhói, nhưng mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm về các trận đánh lịch sử, trong đó có những trận đánh ở mặt trận Thượng Đức (Đại Lộc-Quảng Nam), lời kể của Trung tá, Anh hùng LLVTND Phạm Văn Thọ vẫn toát lên sự khỏe mạnh và nhanh nhẹn lạ kỳ.

Là người con của quê hương xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia, ngày 20-3-1967 khi mới 17 tuổi, chàng thanh niên Phạm Văn Thọ tham gia nhập ngũ vào Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 (đóng tại Thanh Hóa). Đến tháng 12-1967, ông được tăng cường đến đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4. Ông vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên rèn luyện thành một chiến sĩ gương mẫu, lập được nhiều chiến công.

Từ năm 1967-1975 ông đã tham gia đánh trên 40 trận, chỉ huy đơn vị tiêu diệt hàng nghìn tên địch, riêng bản thân đã diệt 60 tên, 3 lần bắt 36 tên, thu 50 súng, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay lên thẳng, mở đầu cho phong trào thi đua bắn máy bay trong trung đoàn. Trong đó, tháng 4 -1972 trong đợt tiến công cứ điểm Động Tranh, ông đã cùng đơn vị đã tiêu diệt và bắt sống 1 trung đội địch gồm 26 tên, góp phần tiêu diệt 1 tiểu đoàn ngụy; tháng 12-1972, tiêu diệt 40 tên thám báo Tà Lương, bắt 2 tên, và cũng trong năm 1972 ông 3 lần bị thương. Cho đến ngày hôm nay, những vết thương và nhiều mảnh đạn đang còn trên cơ thể, mỗi khi trái gió trở trời vẫn khiến ông đau nhói.

Tại mặt trận Thượng Đức trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam năm 1974, với nhiệm vụ được giao là tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân đoàn 2, đơn vị của ông phụ trách hướng chủ yếu đánh căn cứ Thượng Đức, mà cao điểm là đánh Ba Khe, Hạt Sống, thuộc thôn Hà Nha 1, Hà Nha 2, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, mục tiêu nhằm bảo vệ căn cứ Thượng Đức và trục đường 14. Ông Phạm Văn Thọ, nhớ lại: Ngày 8-8-1974, địch đánh chiếm điểm chốt 126 của quân ta, dưới sự chỉ đạo của Trung đoàn, tôi đã trực tiếp chỉ huy 10 chiến sỹ tiền nhập vào khu vực địch cách 70m, cùng sự yểm trợ hỏa lực của trung đoàn đã bắn trùm lên chốt địch, tiêu diệt 18 tên địch, thu giữ 15 khẩu súng, khôi phục lại trận địa của ta, góp phần cùng quân và dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bảo vệ vùng giải phóng Thượng Đức.

Chia sẻ về những kỷ niệm cùng quân và dân huyện Đại Lộc, ông cho biết: Trong thời gian tham gia chiến đấu ở mặt trận Thượng Đức, tôi cùng chiến sỹ của Tiểu đoàn và Trung đoàn đã được quân và dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam hết lòng đùm bọc, nuôi dưỡng, nhường cơm, sẻ áo bảo vệ như những người con ruột thịt của mình. Trong quá trình tiểu đoàn thực hiện việc trinh sát, đều được quân và dân cùng du kích Đại Lộc dẫn đường, để cùng bám dân, bám làng và đến từng địa điểm của địch đóng quân để tiêu diệt địch, giải phóng quê hương. Đặc biệt, sau mỗi chiến công của tiểu đoàn và ngày tết, các mẹ, các chị cùng quân và dân huyện Đại Lộc đều đến thăm hỏi, động viên kịp thời bộ đội Thanh Hóa, bộ đội Tĩnh Gia, đồng thời ăn tết ngay tại trận địa, những tình cảm đó tôi không bao giờ quên và luôn khắc nghi trong tâm trí tôi...

Với thành tích trong quá trình chiến đấu và công tác, ngày 6-11-1978 ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Được trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất, Huân chương chiến sỹ giải phóng, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương, tỉnh, huyện trao tặng.

Năm 1990, sau khi rời quân ngũ trở về quê hương ông lại tiếp tục tham gia Ban Chấp hành lâm thời Hội cựu chiến binh huyện Tĩnh Gia, rồi Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội CCB huyện. Từ năm 2015, trở về với đời thường ông vẫn luôn có các hoạt động cụ thể cùng Đảng bộ, chính quyền nhân dân huyện Tĩnh Gia xây đắp mối quan hệ kết nghĩa gắn bó, keo sơn giữa hai huyện Tĩnh Gia - Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Sỹ Thành

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/60nam-thanh-hoa-quang-nam/anh-hung-llvtnd-pham-van-tho-tinh-cam-quan-dan-dai-loc-quang-nam-la-ky-niem-khong-bao-gio-quen/115226.htm