Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Người cộng sản trung kiên, mẫu mực, nhà tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo xuất sắc

Cách đây tròn 70 năm, trong Thư gửi Hội nghị Tình báo Toàn quốc năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: 'Tình báo là tai mắt của quân đội, trách nhiệm của nó rất quan trọng. Binh Pháp nói: Biết mình biết địch, trăm trận đều thắng. Muốn biết địch phải có tình báo giỏi. Muốn khỏi địch biết ta, cũng phải có tình báo giỏi...'.

Nhân kỷ niệm lần thứ 43 năm ngày giải phóng miền Nam và Thống nhất đất nước (30-4-1975 * 30-4-2018) và tiến tới kỷ niệm 50 năm Nhà tình báo lỗi lạc, Anh hùng Liệt sĩ Đào Phúc Lộc hi sinh (1969 – 2019); được sự ủng hộ của Tổng cục Tình báo- Bộ Quốc phòng, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và pháp huy văn hóa dân tộc phối hợp thân nhân gia đình và đồng đội tổ chức Hội thảo khoa học “Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Người cộng sản trung kiên, mẫu mực, nhà tổ chức, chỉ huy và hoạt động tình báo xuất sắc”.

Tại hội thảo, rất nhiều tham luận của các GS, TS, nhà nghiên cứu đã làm sáng rõ sự cống hiến lớn lao của anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo

Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo là một nhân vật đặc biệt và một nhân cách đặc biệt; bởi đặc trưng của nhiệm vụ Tình báo là tuyệt đối bí mật và bởi cuộc đời chiến đấu và hi sinh như huyền thoại của ông còn nhiều bí ẩn, mà cho đến nay, chúng ta còn ít được biết đến và ông chưa được thế hệ sau tôn vinh xứng đáng. Tại hội thảo, rất nhiều tham luận của các GS, TS, nhà nghiên cứu đã làm sáng rõ sự cống hiến lớn lao của anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo.

Tác giả của “Con Đường Sáng” – Một trong những đường dây liên lạc hải ngoại đầu tiên của Cách mạng Việt Nam (1940 – 1945)

Sự đặc biệt trước hết, là bởi Đào Phúc Lộc thực hiện chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh, đã có công khám phá, phát hiện, tổ chức và thực hiện một “Con Đường Sáng” (ý nghĩa của bí danh Hoàng Minh Đạo) - Một trong những đường dây liên lạc hải ngoại đầu tiên của Cách mạng nước ta, từ Hải Phòng qua Móng Cái (Việt Nam) vượt biển để tới Bách Sắc – Thành phố nằm ở tây bắc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, giáp các tỉnh Quý Châu và Vân Nam; giữa trung tâm ba tỉnh lỵ tây nam là Nam Ninh, Côn Minh và Quý Dương (Trung Quốc) cũng như rất gần các tỉnh Hà Giang và Cao Bằng (Việt Nam).

Mục đích của “Con Đường Sáng” là để đưa đón và kết nối các chiến sĩ Cách mạng trong nước (trong đó, có những nhân vật nổi tiếng như Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái và nhiều người khác) với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, trong suốt những năm 1940 – 1945. Một số nhà nghiên cứu cho rằng: Nếu không có “Con Đường Sáng” Móng Cái – Bách Sắc, rất có thể lịch sử Cách mạng Việt Nam năm 1945 và bây giờ sẽ khác.

Bởi vậy, sự kiện này đang được các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước quan tâm đặc biệt. Nhất là trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế hiện nay, phía Trung Quốc kỳ vọng việc xây dựng đường cao tốc từ Bách Sắc được kết nối với tất cả các tỉnh phía Tây Nam của nước này để qua Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) đến Lạng Sơn, Quảng Ninh và ra biển. Dự kiến, sẽ có một hội thảo khoa học chuyên đề này vào đầu năm 2019…

Người chỉ huy đầu tiên của ngành Tình báo Quốc phòng và người có công sắp xếp lại tổ chức trong ngành Tình báo Việt Nam, thống nhất từ Trung ương Bộ Tổng Tham mưu đến các địa phương…

Đầu năm 1948, Hoàng Minh Đạo nhận được lệnh điều động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hoàng Văn Thái cử vào Nam với nhiệm vụ là Đặc phái viên của Bộ Tổng Tham mưu đi kiểm tra tình hình, công tác phản gián, tình báo, quân báo từ Khu IV vào đến Nam Bộ.

Quá trình vào Nam, Hoàng Minh Đạo còn tổ chức nhiều lớp học ngắn hạn để bổ sung lực lượng cho ngành tình báo quân sự Việt Nam. Tại Quân khu V, ông mở lớp học đào tạo cán bộ tình báo, quân báo bao gồm các cán bộ của Quảng Nam - Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết, Bình Thuận... Lớp học khoảng 40 người, toàn bộ là các trưởng ban, tiểu ban, hoặc trợ lý tham mưu của quân khu.

Đây là lớp học đầu tiên chính quy do đặc phái viên của Bộ Tổng Tham mưu vào mở. Hoàng Minh Đạo soạn thảo mười mấy bài giảng, mỗi bài giảng là một nội dung thiết thực phục vụ cho nghiệp vụ của ngành: tổ chức hoạt động nội thành, nghiên cứu tình hình địch, tổ chức mạng lưới cơ sở, cài người vào hàng ngũ địch, hệ thống giao liên, liên lạc, thông tin...

Cuốn sách Huyền thoại Anh hùng tình báo Đào Phúc Lộc của NXB Quân đội nhân dân

Sau 180 ngày đi bộ, Hoàng Minh Đạo vào tới chiến trường miền Nam khói lửa. Nhiệm vụ lúc này ông được giao vô cùng nặng nề, đó là rà soát lại toàn bộ công tác tổ chức về quân sự, quân báo, tình báo, dân quân; Nhận sự bàn giao phụ trách Phòng Mật vụ Nam Bộ (tức Phòng Tình báo) do kỹ sư Phạm Ngọc Thảo đang phụ trách. Nhiệm vụ chủ yếu của Phòng Mật vụ là bố trí người vào công tác nội thành, hoạt động trong lòng địch... Và nhiệm vụ quan trọng hơn của Hoàng Minh Đạo là sắp xếp lại tổ chức trong ngành tình báo, thống nhất từ Trung ương Bộ Tổng Tham mưu đến các địa phương.

Hoàng Minh Đạo tổ chức nhiều cuộc họp lớn nhỏ với trưởng ban quân báo các quân khu, các tiểu ban để đi đến quyết định tổ chức của ngành được thống nhất, có tính hệ thống chính quy từ Trung ương đến quân khu, địa phương và ngược lại. Lúc đầu không phải tất cả các ý kiến đều thống nhất nhưng với sự thuyết phục khéo léo và những kiến thức tình báo uyên bác của mình, ông đã thuyết phục được những người trong cuộc họp và cùng bàn bạc, họ còn đặt tên thân mật cho ông là Anh Năm.

Người duy nhất trong số các Anh hùng Liệt sĩ được tặng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý

Sự đặc biệt của nhân vật Đào Phúc Lộc, còn là bởi trong suốt 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975) và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới sau này Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quí Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho hơn 2.000 người con ưu tú nhất của dân tộc. Nhưng cho đến nay, vẫn chỉ duy nhất có một người được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Đó là Anh hùng liệt sĩ tình báo Đào Phúc Lộc - Người đặt nền móng cho sự ra đời của ngành Tình báo Quốc phòng, đồng thời cũng là người chỉ huy đầu tiên của ngành tình báo quân sự Việt Nam.

Gần 50 năm trước, vào ngày 24 tháng 12 năm 1969, Đào Phúc Lộc (còn gọi là Hoàng Minh Đạo, Năm Thu, Năm Đời, Năm Đạo...) trên đường về họp ở Trung ương Cục miền Nam đã oanh liệt hy sinh trên sông Vàm Cỏ Đông. Đạn pháo từ máy bay, tàu chiến và các trận địa địch tập trung bắn xối xả vào hai con thuyền đang chơi vơi giữa dòng sông. Đào Phúc Lộc và toàn thể đồng đội gồm 17 người trên hai con thuyền đã ra đi một cách thầm lặng. Từ đó, cuộc đời và sự nghiệp của ông dần dần tưởng chừng như đã trôi vào quên lãng! Đồng chí, đồng đội đã cùng cộng sự với ông không tin rằng nhà Tình báo lỗi lạc đó đã hy sinh. Cả 4 người con của ông, chưa có được một lần gặp lại người cha thân yêu.

Xin cảm ơn Tiến sĩ Đào Thị Minh Vân, con gái đầu lòng của Anh hùng Liệt sĩ Đào Phúc Lộc, đã vượt lên trên tất cả mọi trở ngại khó khăn, quyết tâm đi ngược dòng thời gian để tìm sự thật. Tiến sĩ Vân đã gặp gỡ hàng trăm nhân chúng lịch sử là đồng đội của người cha. Nhiều người trong số họ từng qua nhiều trọng trách; có người là Tổng Bí thư của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Đại tướng... cho đến cả những chiến sĩ cận vệ hoặc gia đình cơ sở cách mạng, nhằm tìm hiểu thêm về cuộc đời chiến đấu của cha mình, và cẩn trọng ghi âm lại những hồi ức của nhiều người kể, không chỉ là những chiến công nơi đầu sóng ngọn gió, mà cả ân tình thiết tha, kỷ niệm tốt đẹp mà ông đã để thương để nhớ trong lòng những người còn sống... Nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương, địa phương và các lực lượng vũ trang, đã lên tiếng đồng tình, ủng hộ việc làm chính đáng đó và đăng tải khá nhiều bài viết về liệt sĩ Đào Phúc Lộc nhằm góp phần khẳng định những cống hiến lớn lao của nhà Tình báo tài ba.

Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc cùng những đồng chí, đồng đội của ông đã từng tham dự vào khá nhiều sự kiện quan trọng ở những thời điểm bước ngoặt của lịch sử nước nhà: Cao trào đấu tranh trước Tổng khởi nghĩa tiến tới Cách mạng tháng Tám (1939 - 1945), đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1954 - 1975).

Bởi vậy, Đào Phúc Lộc cũng như các cộng sự của ông ở từng thời kỳ là những nhân chứng đích thực của không ít những sự kiện lịch sử đã diễn ra ở Việt Nam từ những năm thuộc thập kỷ thứ tư đến thập kỷ thứ bảy của thế kỷ XX. Cho nên những hồi ức đó là nguồn tư liệu quý giá, tin cậy, làm “sống lại” cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng đã trở thành huyền thoại. Đồng thời, cũng là những tư liệu tham khảo có giá trị giúp cho chúng ta hiểu thêm quá trình ra đời và phát triển của ngành Tình báo quân sự nói riêng và lịch sử cận hiện đại nước nhà nói chung.

Các nhà nghiên cứu, các nhà văn, đạo diễn như Hàn Song Thanh, Nguyễn Kim Thành, Đặng Vương Hưng và nhiều nhà báo khác… với sự trợ giúp của TS. Đào Thị Minh Văn, đại diện thân nhân gia đình Anh hùng Liệt sĩ Đào Phúc Lộc, đã viết hàng trăm bài báo; cùng với những hồi ức của những đồng chí đồng đội cùng chiến đấu của người Anh hùng được tách từ băng ghi âm, và biên soạn lại đã tập hợp in thành những cuốn sách tư liệu, và quà tặng vô giá cho thế hệ mai sau.

Không những thế, những tư liệu trên cũng đã trở thành cơ sở chủ yếu để Nhà biên kịch Duy Khánh xây dựng thành kịch bản điện ảnh cho bộ phim mang tựa đề “Con đường sáng” (Hoàng Minh Đạo) và nghệ sĩ ưu tú Phạm Việt Thanh là đạo diễn. Bộ phim gồm 15 tập phản ánh cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và bi tráng của nhà Tình báo huyền thoại Đào Phúc Lộc và đã được trình chiếu nhân dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tý 2008. Đây còn là bộ phim truyền hình đâu tiên của Việt Nam được phía Hàn Quốc mua bản quyền phát sóng.

Tên tuổi của Anh hùng Liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học tại Móng Cái (Quảng Ninh) quê hương ông, và tại TP. Hồ Chí Minh – vùng đất ông từng chiến đấu và hi sinh. Mới đây, tượng của anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc – nhà tình báo huyền thoại cũng đã được dựng tại ngôi trường mang tên Hoàng Minh Đạo ở Quận 8, TP. Hồ Chí Minh.

Các nhà nghiên cứu cũng hi vọng sau hội thảo này, Anh hùng liệt sĩ Đào Phúc Lộc – Hoàng Minh Đạo sẽ có tên trên một đường phố của Thủ đô Hà Nội trong thời gian không xa. Bởi với những thành tích và công lao đặc biệt đã thầm lặng hi sinh cống hiến cho ngành Tình báo Quốc phòng và quê hương đất nước, ông hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh như thế!

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/anh-hung-liet-si-dao-phuc-loc-nguoi-cong-san-trung-kien-mau-muc-nha-to-chuc-chi-huy-va-hoat-dong-tinh-bao-xuat-sac-114483.html