Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo: 'Cuộc đời tôi là đam mê và cống hiến'

Trải qua biết bao nhiêu khó khăn và thử thách, anh hùng Hoàng Đức Thảo (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu) đã giành được nhiều thành công và giải thưởng cao quý của nhà nước và quốc tế.

Chân dung Anh hùng Hoàng Đức Thảo.

Chân dung Anh hùng Hoàng Đức Thảo.

Tuổi thơ nuôi lớn hoài bão...

Đúng như lời hẹn, vào sáng thứ bảy cuối tuần, anh hùng Hoàng Đức Thảo hẹn tôi uống cà phê tại nhà khách BUSADCO để anh em cùng đàm đạo.

Gặp ông lần này, phong cách người anh hùng vẫn không có gì thay đổi, vẫn cái đầu húi cua, da bánh mật, vẫn chuyện trò sôi nổi có pha chút hài hước. Nhưng ai có thể hiểu hết rằng, ông đã vượt qua những sóng gió bể dâu cuộc đời, để hành trình tới đích những ước mơ mà mình mong đợi.

Anh hùng Hoàng Đức Thảo, sinh ra và lớn tại xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vùng đất ấy đã in đậm những ký ức tuổi thơ của ông, khắc vào tâm khảm ông suốt cả cuộc đời.

Thuở xưa, bố mẹ Hoàng Đức Thảo đều làm nông nghiệp. Nhà Thảo có 5 người con nên đứa nào cũng được bố mẹ “huấn luyện” cho các con biết thành thạo công việc nhà nông, biết đổ mồ hôi để làm nên hạt lúa, củ khoai từ thuở nhỏ. Từ năm 13 tuổi Hoàng Đức Thảo đã biết cày bừa, cấy lúa… giúp gia đình.

Ông Thảo tâm sự: “Vào đầu tháng 10/1977, ông có giấy báo nhập học ngành cơ khí xây dựng, do Trường đào tạo công nhân xây dựng – Bộ xây dựng tuyển sinh”.

Đây là lần đầu tiên, Thảo bước ra khỏi "lũy tre làng”, để tới một vùng quê xa lạ ở khu Mỏ Chè, Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) để nhập học.

Tháng 8/1979, sau khi tốt nghiệp, với trái tim đầy khát vọng, Thảo đã cùng hàng ngàn công nhân trẻ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đi xây dựng nhà máy xi măng Hà Tiên. Đây là công trình sản xuất xi măng đầu tiên lớn nhất trong cả nước, sau ngày đất nước thống nhất.

Nhà máy xi măng Hà Tiên có công suất 1,5 triệu tấn/năm. Tại đây, Thảo được phân công làm việc tại Công ty xây dựng Số 10 – Bộ xây dựng. Nhờ “cái đầu biết nghĩ ra điều hay, cái tay khéo cầm bay, cầm búa” trong lao động hàng ngày, Hoàng Đức Thảo đã “vượt trội” so với đội ngũ công nhân cùng trang lứa.

Chỉ sau một tháng đầu “cọ xát” với thực tiễn công việc, Thảo luôn vượt kỷ lục về “năng suất – chất lượng - thời gian”. Chàng thanh niên trẻ này, đã được đồng chí đội trưởng bố trí làm tổ trưởng tổ thép hình thuộc xưởng cốt thép, xí nghiệp bê tông cốt thép.

Mỗi lần kể lại chuyện những ngày đầu xây dựng nhà máy xi măng Hà Tiên, ông vừa xúc động, vừa xen lẫn niềm tự hào. Bởi ông đã sống trong một thời điểm đầy gian khổ, thiếu thốn nhưng đầy ắp tình người thợ xây.

Ông Thảo kể: “Cánh thợ trẻ chúng tôi lúc ấy hầu hết đều chưa ai có vợ. Ngày chỉ biết miệt mài trên công trường, đêm đến lại cuốn hút vào tham gia sinh hoạt đoàn thanh niên. Hồi đó, mỗi người chỉ được cấp hai bộ đồ áo công nhân, và một chiếc mũ nhựa đội đầu. Chiếc mũ ấy, không chỉ che nắng mưa, lúc cần thiết dùng mũ đựng cơm, hoặc múc nước uống”.

Xí nghiệp ông, được đơn vị giao nhiệm vụ xây dựng nhà cột khói xi măng, với khối lượng 115 tấn xi măng, ngôi nhà cao 40 tầng. Đây là một trong những hạng mục quan trọng bậc nhất của nhà máy. Hồi đó, ta đã mời chuyên gia Nga, sang tham gia giúp đỡ Việt Nam xây dựng nhà máy này.

Trong thời gian làm việc, một điều bất ngờ, khiến lãnh đạo đơn vị và cả chuyên gia Nga đều khâm phục về “sáng kiến” của Hoàng Đức Thảo. Chả là khi Thảo và các công nhân đưa sắt vào máy để cắt, do độ “rung lắc” của máy quá mạnh, khiến nhiều lần các lưỡi cắt của máy bị đứt bất ngờ. Mỗi lần “lưỡi đứt” là mỗi lần máy gặp sự cố, có lúc công nhân phải nghỉ việc cả tuần để xí nghiệp mua thiết bị đưa về thay thế. Những lần như thế, mất không biết bao nhiêu thời gian và tiền của của nhà máy.

Lúc đó, tổ trưởng Hoàng Đức Thảo đã nghĩ ra được cách “làm giá đỡ” nhằm giảm được tối đa “tính đàn hồi”. Ông mạnh dạn đề xuất giải pháp này với lãnh đạo nhà máy, được lãnh đạo nhất trí áp dụng sáng kiến của ông. Quả nhiên, khi đưa vào vận hành thử, thế là lưỡi cắt không bị đứt nữa, cổ máy vận hành an toàn.

Niềm vui đầu tiên, đã vỡ òa trên khuôn mặt người thợ. Rồi sáng kiến bỏ “đinh cốc” trong công đoạn “cột, giằng” các dây thép làm khung dầm nhà máy, mà khung dầm vẫn chắc, các dây thép vẫn “chuẩn mực” về cự ly. Lại chẳng mất thêm thời gian dọn vệ sinh môi trường, sau khi các “đinh cốc” được tháo dỡ khỏi khung dầm. Chỉ riêng hai sáng kiến ấy, tổ trưởng Hoàng Đức Thảo đã trở thành một “nhân tố điển hình” và sáng tạo trong lao động, mang lại lợi ích lớn cho tập thể. Ông được đơn vị bầu làm chiến sĩ thi đua, đi dự đại hội thi đua toàn ngành.

Đến "người cầm lái vĩ đại”

Đang là thợ công nhân giỏi, tay nghề cao, Hoàng Đức Thảo lại được lãnh đạo Công ty xây dựng 10 quyết định cử ông đi học ngành kế toán xây dựng cơ bản tại Trường trung học xây dựng số 7- Bộ Xây dựng ( quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh).

Tháng 9/1984, Thảo ra trường. Kể từ ngày ấy, ông “bơi lội” trong những con số “thu và chi” và “đeo” nghề kế toán tới 10 năm ròng rã. Từ giữ chức trưởng phòng tài vụ của một Sở xây dựng, đến kế toán trưởng ban quản lý các công trình xây dựng. Kinh nghiệm thực tế công việc, đã giúp cho ông thấu hiểu thế nào nguyên tắc kế toán, thế nào là những đồng tiền xuất hiện đằng sau những con số, không đi lệch “quỹ đạo” và không vi phạm pháp luật.

Sau một thời gian, ông lại được cấp trên chuyển sang làm cán bộ quản lý đơn vị. Từ Phó giám đốc Ban quản lý xây dựng công trình Sở Xây dựng Bà rịa-Vũng Tàu, hiện tại Hoàng Đức Thảo giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa-Vũng Tàu (BUSADCO).

Trải qua khá nhiều cương vị lãnh đạo, điều hành công việc trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, giai đoạn nào cũng có những khó khăn và áp lực thử thách nhưng ông đều chủ động, linh hoạt và sáng tạo, để vượt lên chính mình.

Lể trao giải thưởng quốc tế SIIF cho ông Hoàng Đức Thảo.

Chia sẻ về những thành công của mình, anh hùng Hoàng Đức Thảo bộc bạch với tôi rằng : “Trong công tác quản lý, tôi có ba điều kiện thuận lợi: “Thứ nhất, trưởng thành từ công nhân nên dễ thông cảm, sẽ chia với hoàn cảnh anh em trong đơn vị mình, không mắc bệnh kênh kiệu, độc đoán, gia trưởng. Thứ hai, đã trải qua nghề kế toán, nên có thể điều hành được tất cả các bộ phận vận hành đúng theo các thể chế đã được ban hành. Thứ ba, được học lý luận chính trị nên trang bị cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng. Biết khơi dậy mọi hoạt động sổi nổi về văn hóa tinh thần trong cơ quan, tạo nên một khối đoàn kết bền vững”.

Công ty BUSADCO ngày mới thành lập mới chỉ 32 người, sau 10 năm đổi mới và phát triển, đơn vị đã có một lực lượng hùng hậu với hơn 2000 người. Công ty đã xây dựng nhiều nhà máy chế tạo sản phẩm khoa học – công nghệ BUSADCO tiêu thụ trên nhiều địa bàn cả nước (Hà Nội, Nghệ An, Nha Trang, miền Đông Nam Bộ).

Chính nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hoạt động của công ty không ngừng tăng trưởng và phát triển bền vững. Hàng năm tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt hơn 20%. Công ty không có nợ nần dây dưa với ngân hàng và đối tác, lại thường xuyên gương mẫu về nộp ngân sách, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động, tham gia tích cực mọi hoạt động xã hội. Với những kết quả đó, đơn vị đã được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

“Thành công, chính là sự đam mê và lòng kiên nhẫn”

Nếu kể về sự đam mê nghiên cứu khoa học và những thành công rực rỡ trên lĩnh vực này, không ít người phải sửng sốt trước “hiện tượng đặc biệt” của Hoàng Đức Thảo.

Dẫu khiêm tốn đến mấy, ông Hoàng Đức Thảo vẫn tự bạch với bạn bè gần xa rằng: “Tôi là người có tinh thần dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, đặc biệt có sự đột phá thành công trong nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất, ngành xây dựng, ngành thoát nước và môi trường Việt Nam. Góp phần quan trọng vào sự phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỷ thuật và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cả nước”.

Chắc những ai đã từng sống ở thành phố Vũng Tàu, cách đây ba thập kỷ mới thấu hiểu thành phố “xanh - sạch - đẹp” này, đã có một cuộc cách mạng lớn về môi trường. Vị chỉ huy “đạo quân” để làm cuộc cách mạng vĩ đại ấy, chính là anh hùng Hoàng Đức Thảo.

Tôi nhớ hôm ngồi hóng gió biển và uống cà phê tại Đại lộ Thùy Vân, một anh bạn đồng hương bảo tôi: Có Công ty Busadco, người dân Vũng Tàu mới tận hưởng được không khí trong lành ngày hôm nay. Bởi ngày trước tình trạng ngập úng xảy ra thường xuyên, nhiều con đường biến thành sông mỗi khi mưa. Nước thải trộn lẫn nước mưa, chảy tràn xuống các bãi tắm đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường du lịch, môi trường đô thị.

Công ty Busadco, đã ngăn chặn nước thải xả trực tiếp ra bãi tắm, ngăn được mùi hôi trong lòng cống hố ga, hố tích nước tại các đường phố. Đây là bước đột phá quan trọng nhất để Vũng Tàu trở thành một địa chỉ “xanh - sạch - đẹp” hấp dẫn nhất nước”.

Tôi mang lời khen chân thật của bạn tôi đến với ông Hoàng Đức Thảo, rồi hỏi: Bí quyết gì đã khiến dân Vũng Tàu phục anh đến vậy?

Ông Hoàng Đức Thảo trả lời: "Thành công của tôi chính là sự đam mê và lòng kiên nhẫn. Từ những vấn đề nảy sinh trong thực tế mà cộng đồng quan tâm, mình phải làm một cái gì đó có lợi cho cuộc sống. Khát vọng ấy, nên tôi cùng cộng sự dành nhiều thời gian nghiên cứu đề tài khoa học chống ngập úng và ô nhiễm môi trường. Kết quả đã thành công như bạn anh thấy đấy".

Lễ trao giải thưởng về Khoa học Công nghệ cho ông Hoàng Đức Thảo.

Khó có thể tìm thấy được một con người đa tài như Hoàng Đức Thảo, vừa là một nhà quản lý giỏi, lại là người dành được nhiều đỉnh cao trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ khoa học.

Trong lĩnh vực công nghệ cơ học chế tạo máy, Hoàng Đức Thảo đã nghiên cứu và ứng dụng thành công 3 công trình khoa học, với 3 sản phẩm hữu ích bảo vệ môi trường là “Cụm tời nạo vét hệ thống cống ngầm thoát nước đô thị”, “Công nghệ rung lắc” áp dụng cho việc sản xuất bê tông cốt thép thành móng và công trình cống điều tiết triều nhằm súc rửa, hòa loãng, thoát nhanh giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các kênh, mương hồ “chết”.

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, ông nghiên cứu ứng dụng thành công các công trình khoa học, hệ thống xử lý nước thải đô thị, sinh hoạt phân tán. Công nghệ xử lý nước thải, cho các nhà hàng, khách sạn. Công nghệ xử lý nước thải, cho các cơ sở chế biến hải sản.

Trong lĩnh vực công nghệ vật liệu xây dựng, ông Thảo nghiên cứu ứng dụng thành công công trình khoa học công nghệ. Thiết lập ra nhà máy chế tạo các loại thiết bị bê tông cốt thép, thành móng bê tông đúc sẵn, trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Từ dây chuyền công nghệ này, Hoàng Đức Thảo đã cùng với tập thể sáng chế được 16 công trình giải pháp hữu ích, ứng dụng với 16 loại sản phẩm phục vụ xây dựng và bảo vệ môi trường.

Anh hùng Hoàng Đức Thảo là tác giả 19 công trình khoa học, 14 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích cho các sản phẩm khoa học này.

Ông Thảo còn là người đương kim giữ các kỷ lục Việt Nam về KHCN.

- Là người đầu tiên đạt giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), công nhận tháng 7/2008).

- Là người Việt Nam có nhiều công trình đoạt giải thưởng trong lĩnh vực sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) nhất, công nhận năm 2009.

- Là người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo KHCN trên thế giới (công nhận 12/2010).

Năm 2017, anh hùng Hoàng Đức Thảo vinh dự được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu”.

Ngồi tâm sự với tôi tại căn nhà gỗ BUSADCO, nghe ông kể về chuyện kinh doanh, chuyện nghiên cứu khoa học, chuyện mua bán bất động sản, chuyện ông làm chợ du lịch. Chuyện nào cũng tạo cho tôi sự hồi hộp và đầy kịch tính.

Trước lúc chia tay, ông thổ lộ với tôi: “Mọi thứ vinh quang giành được đã là khó, nhưng vinh quang nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng đặc biệt nhất, hiếm nhất và khó nhất. Bởi giải thưởng này được bình chọn, xét duyệt hết sức khắt khe. Nếu công trình nghiên cứu khoa học của anh không có giá trị đặc biệt, tác động lớn đến đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, của dân tộc thì làm sao anh có thể vươn lên đỉnh cao ấy được”.

Rồi ông Thảo chùng giọng: “Tôi nghĩ trong cuộc đời không có gì quý bằng danh dự. Tôi không ngờ từ một cậu bé chăn trâu ở vùng quê lúa Thái Bình lớn lên trở thành người thợ bình thường, nhưng đã làm nên những điều kỳ diệu ấy. Phải chăng vì cả cuộc đời tôi đam mê và cống hiến”.

Thành phố Vũng Tàu, tháng 7/2018

Ký sự của Phan Thế Cải

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/anh-hung-lao-dong-hoang-duc-thao-cuoc-doi-toi-la-dam-me-va-cong-hien-post268264.info