Anh hùng Lao động đầu tiên ở Mỏ than Mạo Khê

Đó là Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Vỡi, sinh năm 1928 tại Mạo Khê (Đông Triều). Ông được kết nạp Đảng ngày 2/9/1961 và được phong danh hiệu Anh hùng Lao động ngày 1/1/1967, khi làm Tổ trưởng Tổ lò chợ A1 Phân xưởng 58/3 Mỏ than Mạo Khê (nay là Công ty Than Mạo Khê).

Sau 5 năm phục vụ trong quân đội, năm 1958, Nguyễn Văn Vỡi về làm công nhân Mỏ than Mạo Khê. Thời kỳ này, mỏ Mạo Khê đang mở rộng quy mô sản xuất, từng bước cơ giới hóa, đẩy mạnh sản xuất. Từ sản xuất thủ công, mỏ tự lực cải tạo xây dựng cơ sở vật chất đưa lên cơ giới hóa hầu hết những công việc nặng nhọc, giải phóng sức lao động, đưa năng suất lên cao. Từ năm 1961, mỏ tiếp tục phục hồi và khai thác các lò Non Đông 2, 56/3 và 58/3… đào thêm các lò đá mới chủ yếu là những lò xuyên vỉa, kiến thiết cơ bản khu vực Bình Minh, 58, 56 và Non Đông.

Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Vỡi.

Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Vỡi.

Theo cuốn 65 năm truyền thống công nhân Công ty Than Mạo Khê xuất bản nhân kỷ niệm 65 năm ngày khôi phục phát triển Công ty Than Mạo Khê 15/11 (1954-2019), suốt 4 năm (1961-1964) mỏ liên tục hoàn thành kế hoạch, vượt chỉ tiêu Nhà nước giao 4-15%. Năm 1965, do giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, người và phương tiện phải sơ tán, lực lượng lao động phân tán để đảm bảo nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đầu, việc cung ứng vật tư của Nhà nước cho mỏ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, mỏ cũng đạt 90,09% kế hoạch. Tổng kết thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, mỏ Mạo Khê đã hoàn thành 104,8% kế hoạch Nhà nước giao.

Trong phong trào thi đua sản xuất của mỏ Mạo Khê ngày ấy đã xuất hiện tấm gương điển hình tiên tiến ở lò than là các ông Nguyễn Văn Vỡi, Tổ trưởng Tổ lò chợ A1 Phân xưởng 58/3; Ngô Văn Nhuận, Tổ trưởng Tổ lò chợ 56/3 và các tổ đào lò đá lập kỷ lục cao nhất của ngành than lúc đó là Nguyễn Tả Ngạn (lò đá Bình Minh), Phạm Văn Hào (lò đá 56), Hà Huy Châu (lò đá 58), Trịnh Đình Ninh...

Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh (thứ hai, bên phải, hàng đầu) chụp ảnh với đại biểu Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV năm 1967. Ông Nguyễn Văn Vỡi đứng thứ sáu, phải sang. Ảnh tư liệu gia đình

Trong quản lý lao động ở Phân xưởng 58/3, Nguyễn Văn Vỡi đã áp dụng việc tổ chức sản xuất “4 ca gối đầu”. Những thợ mỏ già ở Mạo Khê còn nhớ rõ về khai thác than ngày ấy nói rằng đào lò thượng là vất vả nhất. Tuy đào lò thủ công, song tổ lò chợ của ông Nguyễn Văn Vỡi luôn đạt kỷ lục trong đào lò than, mỗi ca đều đào được 15 - 17m trong điều kiện lò thì dốc và rất nóng để khai thác và đưa than ra lò. Đạt được kết quả ấy là bởi ông Vỡi luôn là tấm gương sáng lao động trong lò than và động viên anh em thợ lò đoàn kết, giữ vững sản xuất với năng suất cao, khai thác thật nhiều than để xây dựng đất nước.

Tôi đến thăm bà Trần Thị Sót, sinh năm 1930, hiện ở khu Vĩnh Tuy 2, phường Mạo Khê (TX Đông Triều), vợ Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Vỡi. Bà Sót đưa cho tôi tấm ảnh chồng bà đi dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV năm 1967 tại Hà Nội, được chụp ảnh cùng đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy tuổi cao, bà Sót vẫn nhớ chuyện vào tháng 4/1964, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng khi về thăm mỏ Mạo Khê đã xuống nhà thăm vợ chồng ông bà, xem đời sống gia đình thợ mỏ thế nào.

Làm việc ở Mỏ than Mạo Khê, từ Tổ trưởng sản xuất, ông Nguyễn Văn Vỡi được bổ nhiệm làm Phó quản đốc Phân xưởng 58/3, rồi quyền Thư ký công đoàn (nay là Chủ tịch công đoàn) mỏ Mạo Khê. Năm 1979, ông được điều động làm Chủ nhiệm Khách sạn Công đoàn Bãi Cháy. Năm 1985, ông Vỡi chuyển về công tác tại Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho đến năm 1986, ông được nghỉ hưu.

Sau khi nghỉ hưu, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Vỡi sinh sống tại phường Giếng Đáy (TP Hạ Long) rồi lại quay về sinh sống tại Mạo Khê và mất năm 2011 tại Mạo Khê.

Nguyễn Xuân (CTV)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202010/anh-hung-lao-dong-dau-tien-o-mo-than-mao-khe-2504433/