Anh hùng lái xe Đoàn Minh Nguyệt kể về tuổi thanh xuân trên đường Trường Sơn huyền thoại

Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt là tuổi thanh xuân gắn bó với đường Trường Sơn huyền thoại, đến ngày đại thắng 30/4/1975, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Đoàn Minh Nguyệt đã không kiềm chế được cảm xúc vỡ òa vì hạnh phúc.

Bom đánh nổ tung xe, ra viện vẫn xin làm nhiệm vụ

Mấy hôm nay thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường khiến Anh hùng LLVTND Đoàn Minh Nguyệt (SN 1932), trú xóm 22, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cảm thấy đau mỏi khắp cơ thể, tim đập nhanh, những vết thương do mảnh bom năm xưa nhức nhối.

Chỉ đến khi bà Nguyễn Thị Tuất (SN 1949, vợ ông Nguyệt) bắt đi kiểm tra thì ông mới chịu đến bệnh viện Quân y 4. Thế nhưng trước khi đi, ông vẫn ngoái lại dặn dò bà lau chùi bàn thờ và bằng khen, giấy khen, huân huy chương treo khắp nhà để chuẩn bị kỷ niệm ngày 30/4.

Anh hùng LLVTND Đoàn Minh Nguyệt.

Bước vào tuổi xưa nay hiếm, đối với người cựu chiến binh thì đây không chỉ là phần thưởng của Đảng và Nhà nước đã dành cho ông, mà đó còn là những ký ức hào hùng còn lại sau khi đã cống hiến cả tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, lại là người con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em nên chàng trai trẻ Đoàn Minh Nguyệt tưởng chừng sẽ yên phận với công việc của cán bộ viện Thiết kế bộ Thủy lợi.

Thế nhưng đến năm 1963, khi chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang ngày càng ác liệt, người thanh niên trẻ đã quyết định hưởng ứng lời kêu gọi của đất nước, bỏ đi cuộc sống yên bình để cầm súng ra chiến trường.

Bàn tay ông đã vận chuyển hơn 1.000 tấn vũ khí, lương thực và đưa hàng trăm chiến sĩ vào chiến trường.

Người lính trẻ được biên chế vào Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Vào tháng 1/1965, ông Nguyệt được điều vào Nghệ An để thực hiện nhiệm vụ vận tải hàng hóa, vũ khí, lương thực từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam thông qua nước bạn Lào.

Cung đường mà cựu chiến binh Nguyệt đảm nhận là từ ngã ba Khe Ve, tỉnh Quảng Bình, qua Khăm Muộn - Xavanakhet - A tô pơ (Lào) để tập kết hàng hóa trước khi được vận chuyển vào miền Nam.

“Con đường Đông Trường Sơn bị đánh phá vô cùng ác liệt, vì vậy chúng ta đã quyết định bí mật xây dựng con đường Tây Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam thông qua nước bạn Lào. Tuy nhiên sau đó, đế quốc Mỹ "đánh hơi" được con đường này nên đã điên cuồng rải bom, khiến cho việc di chuyển vô cùng khó khăn và nguy hiểm”, ông Nguyệt kể.

Người cựu chiến binh nhớ lại, đường Tây Trường Sơn vốn đã khó đi, vào mùa mưa vô cùng trơn trượt càng khó gấp bội phần. Thậm chí, khi vượt suối qua cầu chỉ có 3 tấm gỗ ghép vào nhau, nếu không cẩn thận thì cả xe và hàng đều có thể bị lao xuống vực sâu.

Trọng tải xe chỉ quy định 2 tấn, nhưng với phương châm “tăng tấn lấn bước” tất cả vì chiến trường, có nhiều chuyến ông đánh bạo chất lên xe gần 3 tấn hàng mà vẫn đi bon bon.

Những ký ức không bao giờ quên đối với người anh hùng.

Nhớ về một lần thoát khỏi “ải tử thần”, ông Nguyệt kể: “Vào tháng 5/1965, tôi cùng 6 chiếc xe vận tải đang đi qua phà Bến Thủy (nối giữa 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) thì bất ngờ xuất hiện một chiếc máy bay ném bom. Do không thể tránh, chiếc phà bị một quả bom rơi trúng khiến toàn bộ xe nổ tung và chìm xuống dòng sông Lam.

Các chiến sĩ hy sinh nhiều lắm, chỉ có một vài người sống sót trong đó có tôi. Lúc đó, tôi bị sức ép của bom bay hàng chục mét, mặc dù choáng váng nhưng vẫn cố nổi lên và bơi vào bờ. Khi vừa đến nơi thì tôi ngất xỉu, lúc tỉnh dậy thấy mình ở trong trạm y tế”.

Lần ấy, ông Nguyệt bị mảnh bom trúng đầu và vai, phải nằm viện gần một tháng. Nhưng sau khi phẫu thuật, thấy sức khỏe có khá hơn, ông lập tức xin ra viện và ngay tối hôm đó lại tiếp tục lái xe sang Lào để chi viện cho chiến trường miền Nam.

“Nghe tin chiến thắng, chúng tôi đã ôm nhau khóc”

Năm 1969, người lính Đoàn Minh Nguyệt cùng 3 đồng đội được giao nhiệm vụ vận chuyển tài liệu và hàng hóa cực kỳ quan trọng cho Quân khu 5 Lào. Tuy nhiên, thời điểm này đang là mùa mưa, vì vậy các cây cầu trên đường đều bị cuốn trôi hết. Trước việc con đường độc đạo bị cắt, một số người đã bàn chuyện trở về báo cáo với chỉ huy để tìm cách thức khác. Tuy nhiên, ông Nguyệt vẫn nhất quyết thực hiện nhiệm vụ.

“Việc quân sự vô cùng cấp bách nên nếu quay lại thì sẽ bỏ lỡ thời cơ chiến thắng. Vì vậy, tôi động viên mọi người đi tới đâu, chặt cây rừng bắc cầu, vác đá xếp ngầm để qua các dòng suối tới đó. Sau khi bàn bạc, mọi người quyết tâm đi tiếp với tinh thần "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền". Nhiều ngày cố gắng, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được địa điểm giao hàng. Mặc dù chậm hơn so với yêu cầu, nhưng điều quan trọng là nhiệm vụ được hoàn thành”, ông Nguyệt nói.

Tóc ông đã bạc theo thời gian nhưng ký ức thì vẫn còn mãi.

Kể thì đơn giản nhưng để thực hiện xong chuyến hàng này, ông Nguyệt cùng đồng đội đã phải mất tới 2 tháng, bắc 22 chiếc cầu trong thời tiết mưa thối đất, thối rừng. Trong khi đó, với cung đường này, nếu thời tiết thuận lợi các lái xe chỉ mất 5 ngày chạy đường là hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Với nhiều thành tích trong chiến đấu, ông Đoàn Minh Nguyệt được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, vinh dự được Bác Hồ gắn Huy hiệu của Người tại Đại hội điển hình lái xe miền Bắc. Đặc biệt, tháng 8/1970, người lính lái xe này được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến không biết mệt mỏi của chiến sĩ Đoàn Minh Nguyệt.

Huân huy chương và bằng khen treo khắp ngôi nhà.

Nhưng nói về việc này, ông Nguyệt vô cùng bồi hồi: “Có nhiều người xứng đáng hơn tôi, đáng tiếc rằng họ không còn sống để được danh hiệu này. Khi biết tin tôi sẽ được Anh hùng LLVTND, điều đầu tiên tôi nhớ đến là các chiến sĩ đã cùng kề vai sát cánh trên từng chặng đường vận chuyển, ăn sương ngủ rừng, góp từng công sức nhỏ bé trong công cuộc kháng chiến vĩ đại của đất nước”.

Từ anh lính lái xe, cuối năm 1974, ông được phong Đại đội trưởng chỉ huy 37 xe của Trung đoàn 10, Đại đội 559, tham gia chiến dịch Đông Xuân (1974 - 1975) và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nói về ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975, ông Nguyệt kể: “Vào ngày 30/4/1975, tôi đang chở quân từ tỉnh Kon Tum đến Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Trên đường đi thì nghe tin quân ta đã tấn công vào Dinh Độc Lập khiến địch phải tuyên bố đầu hàng. Chiến thắng rồi! Giải phóng miền Nam rồi! Tất cả mọi người ôm nhau hò reo, có những người khóc nức nở vì sung sướng”.

Anh hùng LLVTND cho biết, nghe tin chiến thắng, ai nấy đều vô cùng hạnh phúc. Trong thời khắc này, ông nghĩ đến người vợ hiền cùng các con nhỏ đang chờ ở quê nhà, chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi cả gia đình sẽ đoàn tụ và chung sống trong cảnh yên bình không có tiếng bom.

Ông Đoàn Minh Nguyệt (hàng hai, thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Nhà nước trong lần tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012.

Sau đó, ông Nguyệt vẫn tiếp tục hành trình vận chuyển hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến tháng 6/1975, ông Đoàn Minh Nguyệt tiếp tục trở về công tác tại cục Hậu cần, Quân khu 4.

Cho đến năm 1983, người Anh hùng LLVTND mới chính thức xuất ngũ, trở về nhà làm ăn kinh tế. Với những thành tích trong chiến đấu, sản xuất, phát triển kinh tế, tháng 7/2012, ông Đoàn Minh Nguyệt tiếp tục vinh dự được tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/anh-hung-lai-xe-ke-ve-tuoi-thanh-xuan-tren-duong-truong-son-a368392.html