Anh hùa theo Mỹ ép châu Âu tăng ngân sách quốc phòng

Châu Âu đang chia rẽ vì trước yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng cho NATO của Mỹ khi Anh đồng ý, Đức hứa trong khi nhiều nước chưa thể đáp ứng.

Theo Reuters, nhiều nước châu Âu từng cố gắng phản pháo lại các yêu cầu của Tổng thống Trump về vấn đề tăng ngân sách quốc phòng nhưng báo cáo thường niên của NATO lại cho thấy một số quốc gia đang cố gắng thực hiện yêu cầu này, khi ngày càng tiệm cận tới mức dành 2% GDP cho quốc phòng.

Được biết, ngân sách của Bulgaria, các nước Baltic và Hà Lan đã tăng 20% trong năm 2018 so với năm 2017. Mặc dù vậy, hiện vẫn chỉ có Estonia, Hy Lạp, Ba Lan, Latvia, Lithuania và Anh đáp ứng cam kết chi 2% GDP cho quân sự. Nếu tính trung bình các quốc gia châu Âu đang giành 1,51% GDP cho quốc phòng, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

NATO tập trận.

NATO tập trận.

Hồi năm 2018, vẫn có một vài quốc gia tại châu Âu chưa cho thấy sự tập trung hơn vào vấn đề quốc phòng. Ví dụ như Bỉ và Tây Ban Nha vẫn đang giành dưới 1% GDP cho quân sự, trong khi đó Đức, dù đã tăng cường 1,7 tỉ USD vào ngân sách trong năm 2018, vẫn đang duy trì khá vững ở mức 1,23% GDP cho quân sự.

Ngoài ra, chính quyền Đức còn khẳng định với NATO rằng, nước này sẽ tiếp tục tăng thêm đóng góp cho NATO vào năm 2024 so với hiện nay. Được biết, cùng với Đức, Anh còn hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ thúc giục các nước NATO tăng chi phí quốc phòng thêm 2% GDP để ngăn chặn sự trỗi dậy từ Nga.

Trong bài phát biểu tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã có những thúc giục đồng minh trong khối NATO nhanh chóng nâng chi phí quốc phòng lên 2% GDP.

Bộ trưởng Williamson nhấn mạnh rằng đã xuất hiện sự hồi phục vị thế của nhiều quốc gia trên toàn cầu, đem lại sự cạnh tranh an ninh rất lớn với NATO. Sự cạnh tranh này thậm chí còn tương đương với những thách thức của chủ nghĩa khủng bố.

Ông Williamson chỉ thẳng, Nga đang trỗi dậy với tham vọng tìm lại vị thế của Liên bang Xô viết trước đây, thông qua việc tái lập các kho vũ khí quân sự và lôi kéo các quốc gia từng thuộc về Liên Xô.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh cũng cáo buộc Trung Quốc đang tăng cường hiện đại hóa năng lực quân sự của mình. Cùng với sức mạnh của nên kinh tế thứ hai toàn cầu, Trung Quốc đã có những bước tiến rất nhanh về quân sự mà NATO cần phải cảm thấy Bắc Kinh đã phả hơi nóng vào gáy mình.

"Trong NATO, chúng ta phải có lập trường vững chắc nhằm phản đối việc Nga không tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nếu cần thiết sẵn sàng giải quyết những nguy cơ mà hệ thống tên lửa mới của Nga có thể tạo ra. Liên minh phải tăng cường năng lực của mình để giải quyết những kiểu khiêu khích như vậy mà Nga gây ra cho chúng ta" - Bộ trưởng Williamson cho biết.

Trong bài phát biểu này, ông Williamson cũng nhắc đến vấn đề quân đội chung châu Âu: "Chúng ta cần tin tưởng vào NATO, hãy đáp ứng mục tiêu 2% GDP để phục vụ chi phí quốc phòng. Chúng ta cần ngừng bối rối bởi quan niệm về một quân đội chung EU, nó không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

NATO cần phải gửi đi một tín hiệu rằng Nga sẽ phải trả giá, thay vì cho đối thủ thấy nội bộ chúng ta mâu thuẫn, không đoàn kết. NATO là lựa chọn đúng đắn nhất để bảo vệ chúng ta trước mọi đe dọa từ đối thủ".

Có thể thấy, Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã đưa ra những kêu gọi rất hợp ý Washington. Bản thân chính quyền của Tổng thống Donald Trump kể từ thời điểm vừa đắc cử đến nay đã luôn kêu gọi các nước đồng minh trong NATO phải nâng chi phí quốc phòng từ 1% thành 2% GDP.

Chỉ có điều, luận điệu mà phía London đưa ra có phần khác Washington. Ông Trump là người luôn nói thẳng, và ông chỉ ra rằng Washington đã chi trả quá nhiều để đảm bảo an toàn, an ninh cho các đồng minh trước nhiều mối đe dọa. Và vị Tổng thống doanh nhân này nhận thấy các thành viên nên chi trả thêm cho cái ô quân sự mà Mỹ vẫn căng ra trên toàn NATO ấy.

Ông Trump đã dùng những lời lẽ gay gắt để công khai chỉ trích, lên án các nước đồng minh tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 7/2018. Thậm chí, ông Trump không ngần ngại gọi các nước đồng minh là “tội phạm”.

Ông chủ Nhà Trắng còn gây sốc khi đặt câu hỏi về giá trị của liên minh NATO đối với nước Mỹ. Tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2018 đã có hàng loạt cuộc thảo luận với giới chức an ninh hàng đầu của nước này để bàn về việc rút Mỹ ra khỏi NATO. Diễn biến này thực sự đã khiến các đồng minh phương Tây của Mỹ choáng váng.

London có phần nhún nhường hơn, họ tìm cách thuyết phục các đồng minh của mình từ vị thế người trong cuộc. Nước Anh vẽ ra một kịch bản đáng sợ từ nhiều đối thủ và yêu cầu các đồng minh phải hành động. Nhưng dù sao, mẫu số chung vẫn là sự o ép đồng minh buộc phải rút hầu bao của họ.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/anh-hua-theo-my-ep-chau-au-tang-ngan-sach-quoc-phong-3376344/