Anh: Gian nan bảo vệ di sản Stonehenge

Thập niên 1660, nhà buôn cổ vật người Anh là John Aubrey đã tiết lộ một kinh nghiệm dân gian rằng bột đá lấy từ Stonehenge bỏ vào trong giếng nước có thể khiến bọn cóc phải tránh xa. Cuối cùng khách du lịch không chỉ cướp đá ở Stonehenge mà họ còn để lại ký hiệu 'tự sướng' trên di tích cổ này.

Việc xây dựng hệ thống hỏa xa vào đầu thế kỷ 19 đã khiến cho du lịch nội địa trở nên thuận tiện hơn, và nhiều người Anh đi lại hơn đã gia tăng sự tàn phá các di tích lịch sử.

Năm 1847, đến với Stonehenge đã dễ dàng lắm rồi, khi đó đường sắt mở rộng đến gần Salisbury, và 10 năm sau đó đã có thêm một tuyến hỏa xa kết nối trực tiếp với thủ đô London. Sự bùng nổ hoạt động du lịch đi đôi với sự tàn phá di tích đã trở thành chủ đề tranh cãi công khai bắt đầu từ năm 1860, đó là nhờ bức thư của vị du khách được tờ Times đăng tải.

Vị du khách nói rằng khi viếng thăm Stonehenge một vài năm trước đó, đã tận mắt nhìn thấy có một người đàn ông sống ở thị trấn Amesbury cạnh di tích bán cho du khách những mẩu đá được cho là ở di tích Stonehenge. Nhưng 3 ngày sau khi bài báo phát hành thì người đàn ông bị tình nghi trong bài đã lên tiếng bác bỏ, nói rằng ông là người chăm sóc phế tích, và thật sự ông đang bán quà lưu niệm để làm giảm bớt mức độ phá hoại của du khách.

Từ lâu đã có 1 người canh gác ở Stonehenge, nhưng đây là một công việc tự do, không có ăn lương, theo công bố của nhà khảo cổ học Christopher Chippindale. Năm 1822, một giảng viên lưu động tên là Henry Browne đã đi đến thị trấn Amesbury để thực hiện một loạt các bài diễn thuyết về lịch sử cổ đại.

Những bức ảnh thời kỳ đầu về Stonehenge được chụp từ khí cầu và triển lãm vào năm 1906.

Ông Browne đã bị thu hút vào vẻ bí ẩn của vòng tròn đá cổ và tin rằng nó có từ trước khi xảy ra sự kiện Đại Hồng Thủy trong Kinh Thánh, ông Browne tự nhận mình là “người giám sát đầu tiên của Stonehenge”. Sau khi ông Browne qua đời vào năm 1839, con trai ông là Joseph đảm nhận việc thay cha. Nhưng vào lúc đó, chăm sóc phế tích lại là một công việc không lương nên người canh giữ nó buộc phải làm thêm để có tiền sinh nhai.

Về bản chất, những người giám hộ tự do sẽ kiếm tiền bằng cách giữ ngựa cho du khách hay thuyết minh cho họ về lịch sử của Stonehenge hơn là việc họ bảo vệ những khối đá này.

Thêm nữa vào cuối thế kỷ 19, người giám hộ Stonehenge thường chỉ làm việc vào ngày chủ nhật vì đây là ngày du khách đi tham quan đông nhất. Vào thời điểm này Stonehenge lại thuộc sở hữu tư nhân và đang nằm trong cuộc tranh luận quốc gia liên quan đến vai trò của chính phủ ở những di tích lịch sử đặc biệt quan trọng.

Năm 1882, Luật các tượng đài cổ đại (AMA) đã cung cấp sự hỗ trợ của chính phủ nhằm bảo vệ và phục hồi các di tích được chỉ định và Stonehenge nằm trong số đó. Nhưng Nam tước đệ tam, Sir Edmund Antrobus đã vận động hành lang chống lại luật của Quốc hội Anh. Ông ta từ chối nhượng quyền kiểm soát Stonehenge cho các Ủy viên di sản, bộ phận chuyên trách giám sát các di tích chiếu theo AMA. Sir Edmund Antrobus tạ thế vào năm 1899. Con trai ông là Nam tước đệ tứ Edmund Antrobus vẫn nắm quyền kiểm soát Stonehenge.

Năm 1901, Nam tước đệ tứ Edmund Antrobus đã cho xây dựng một hàng rào dây kẽm gai bao quanh vòng tròn đá Stonehenge và bắt đầu thu 1 đồng si-ling cho bất kỳ ai có định ghé tham quan. Bản thân vị Nam tước cũng có ý định bán Stonehenge cho chính phủ. Nam tước Antrobus ra giá chốt khoảng 125.000 bảng Anh nhưng kho bạc Anh đã không chấp thuận.

Khoảng năm 1915, Nam tước đệ tứ Antrobus qua đời, và bất động sản có tồn tại Stonehenge đã sang tay người em trai Cosmo. Người này liền lập tức mở đấu giá để bán phế tích. Một luật sư địa phương tên là Cecil Chubb đã mua phần tam giác bất động sản có chứa Stonehenge. Sau đó, gia đình Cecil Chubb đã hiến Stonehenge cho nhà nước, đổi lại gia đình họ sẽ được tham quan phế tích miễn phí và bất kỳ lúc nào.

Hiện nay, phí vào cổng tham quan phế tích đã tăng lên 17,50 bảng Anh/ người trưởng thành. Mọi hành động lấy cắp đá hay vẽ bậy ở Stonehenge nếu bị bắt quả tang ngoài bị phạt tiền, còn bị phạt tù.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/anh-gian-nan-bao-ve-di-san-stonehenge-505833/