Anh em như thể tay chân

Trong các mối quan hệ, quan hệ anh chị em được ví như thủ túc, là một phần của cơ thể con người, chẳng may bị tách rời ra sẽ làm cho các bộ phận còn lại rất chông chênh và đau đớn.

Hồi nhỏ, thấy mấy đứa bạn có anh, chị, tụi nó được nhõng nhẽo, được anh chị cưng chiều, nhiều lúc tôi cũng tủi thân. Tôi được má tôi sinh ra đầu tiên, hơn một tuổi đã phải cái gì cũng nhường cho em. Lớn lên một chút, cái gì cũng phải nhịn cho em mà không phải một đứa đâu vì tôi có tới sáu đứa em.

Chỉ có anh chị em mới có cùng chung một thời thơ ấu, sống gắn bó bên nhau dưới một mái gia đình.

Tuổi thơ của tôi không khác gì một bà mẹ nhí loay quay quanh một bầy con mọn. Đứa này đi chưa vững, bụng má đã vượt mặt. Mỗi lần thấy má “ụa mửa” là tôi giận má lắm. Chừng má đẻ em ra, lo thương em, tôi quên, không giận má nữa. Cứ vậy, cho đến khi thằng Út lớn lên. Má không sinh em bé nữa, cũng kịp lúc tôi trở thành thiếu nữ.

Tôi trở thành thiếu nữ khi em gái duy nhất của tôi còn chưa đi học. Chừng nó biết làm duyên thì tôi đã theo chồng xa nhà hằng trăm cây số. Sự chênh lệch tuổi tác khiến hai chị em tôi không có được một thời con gái bên nhau. Có lẽ đó là điều làm tôi tiếc nhất. Nhưng cũng có thể vì thế mà hơn năm mươi năm làm chị em với nhau, hai chị em tôi chưa bao giờ to tiếng, thậm chí bất đồng với nhau bất cứ chuyện gì.

Nhưng với năm thằng con trai thì khác. Tôi không hiểu sao tôi có thể đối phó với bao nhiêu sự nghịch ngợm, quậy phá, bướng bỉnh, lì lợm của chúng. Tuy nhiên, công bằng mà nói, bây giờ ngồi nhớ lại, thân làm chị hai, gần mười năm bồng em chai hông, bị em nắm đầu, vả mặt, tôi cũng đã để lại cho mỗi thằng một “dấu ấn” khó phai. Đứa đi học bị tôi rước về bỏ quên ngoài mưa lạnh cóng. Đứa bị té cầu ao vì tôi mải chơi nhảy dây. Đứa bị tôi cho uống bia say như chết. Đứa bị tôi đưa một phát từ trên võng chui tọt vô gầm tủ giờ vẫn còn vết sẹo trên đầu.

Dân gian hay nói, anh chị em sinh ra cùng một nhà là do tứ nhân tương tụ (tứ nhân là trả nợ, đòi nợ, trả ơn và báo oán). Không biết có thật không nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác mình đang trả nợ, bị đòi nợ hay phải trả ơn, báo oán gì cả. Tôi sống với các em bằng sự thương yêu, nhường nhịn, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, không hề so đo tính toán. Ngược lại, các em đối với tôi cũng vậy. Tôi biết rằng, chúng tôi chỉ được làm chị em với nhau có một kiếp này thôi.

Bây giờ, khi bắt đầu bước dần sang bên kia con dốc cuộc đời, tôi mới nghiệm ra hình như tôi sinh ra là để làm… chị.

Có một thứ tình chị em không phải máu đào nhưng tình thân như ruột thịt

Bên ngoài gia đình, tôi cũng có không ít bạn đồng nghiệp nhỏ hơn nhiều tuổi gọi tôi là chị. Chị em chúng tôi không phải “máu đào” nhưng hoàn toàn không hề là “ao nước lã”.

Cuộc sống tụ tan là lẽ thường tình, nhưng không còn được gặp mặt nhau mỗi sáng, mỗi chiều, ngày mưa, ngày nắng trong cái văn phòng “thần thánh” 179 LCT nữa, đối với chị em chúng tôi, đó là một cuộc chia ly buồn như một buổi chiều tàn.

Vậy mà bao nhiêu năm trôi qua rồi, kẻ ở người đi, có đứa bay tuốt qua tận cái hòn đảo chơi vơi bên kia trời xa lắc… chúng tôi vẫn giữ gìn tình cảm chị em rất cẩn thận, vẫn đối đãi nhau chân tình, thân thiết như ngày nào. Cái H luôn đau đáu lo chị thất nghiệp, tìm hết việc này việc khác cho chị làm, còn sợ chị cô đơn, buồn tủi, vài bữa lại gọi ăn uống, shopping. ĐH lo chị già xấu cứ dưỡng da, dưỡng tóc, dưỡng móng gửi về liên tục. CL quan tâm chăm sóc sức khỏe “má” bằng thức ăn thức uống cho người già. HM dù đường xá xa xôi vẫn đón đưa cẩn thận không yên tâm để chị đi xe buýt…

Cũng chỉ là một kiếp mà thôi. Ý nghĩ ấy thường làm tôi ứa nước mắt.

Một mai cha mẹ qua đời, những ai không có anh chị em mới thấy mình bơ vơ cô độc biết chừng nào.

Trong các mối quan hệ, quan hệ anh chị em được ví như thủ túc, là một phần của cơ thể con người, chẳng may bị tách rời ra sẽ làm cho các bộ phận còn lại rất chông chênh và đau đớn. Chỉ có anh chị em mới có cùng chung một thời thơ ấu, sống gắn bó bên nhau dưới một mái gia đình. Đặc điểm đó không thể tìm thấy ở mối quan hệ nào khác.

Lớn lên, mỗi người có một gia đình, một cuộc sống riêng, anh chị em có khi rất ít cơ hội gặp nhau. Nhưng bù lại, thời đại thông tin toàn cầu, một cuộc gọi, một tin nhắn thường xuyên thăm hỏi nhau, một cuộc họp mặt anh em vào ngày lễ tết… đó là những việc nên làm để cho tình cảm anh chị em ngày càng gắn bó, bền chặt, đồng thời siết chặt tình thân cho các thế hệ tiếp sau.

Một mai cha mẹ qua đời, những ai không có anh chị em mới thấy mình bơ vơ cô độc biết chừng nào.

LƯƠNG GIA CÁT TƯỜNG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/anh-em-nhu-the-tay-chan-9411.html