Anh dũng trong chiến đấu - ấm tình đồng đội giữa đời thường

'Đối với mỗi cán bộ, hội viên, đất nước Lào là quê hương thứ 2, chứa đựng các ký ức hào hùng và bi thương không thể quên', CCB Phạm Xuân Ngoan, Chủ tịch Hội truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự (QTN&CGQS) huyện Hưng Hà chia sẻ.

Đất nước Lào - miền ký ức không phai

CCB Phạm Văn Ngoan sinh năm 1947, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Hưng Hà. Tuổi thơ của ông gắn liền với những câu chuyện đánh Tây, giết thù được cha, anh kể lại. Chính vì thế, mặc dù thuộc diện ưu tiên không phải đi nghĩa vụ quân sự (do có người anh đang tham gia chiến đấu ở chiến trường), nhưng mới qua tuổi 16, Ngoan đã xung phong viết đơn tình nguyện nhập ngũ và đến tháng 8-1964, Ngoan vinh dự được trở thành bộ đội thông tin Sư đoàn 316, Quân khu Tây Bắc. Tháng 12-1964, Ngoan nhận nhiệm vụ sang giúp đỡ nước bạn Lào và trở thành đài trưởng đài thông tin của Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 866. Ông Ngoan nhớ lại:

- Đầu tháng 5-1968, Tiểu đoàn 7 được lệnh đánh tập mật diệt sân bay Mường Ong (Xieng Khouang - Lào) (sân bay vận tải của địch). Nhiệm vụ của Ngoan là phụ trách máy thông tin 2W đi theo hướng chủ yếu dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thanh (quê Thanh Hóa) và đồng chí Bùi Văn Thuận chính trị viên đại đội. Từ căn cứ ở Khăng Khay (Xieng Khouang) đơn vị hành quân vượt qua các dốc đèo thăm thẳm, vạch lối băng qua những khu rừng già rậm rạp như chưa từng có người đặt chân ngang đây, đầy vắt rừng, muỗi mòng, rắn rết… Tối 11-5, toàn đơn vị đã có mặt ở sân bay theo kế hoạch tác chiến.

 CCB Phạm Văn Ngoan, Chủ tịch Hội truyền thống QTN và CGQS huyện Hưng Hà trao quà tặng các hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác hội.

CCB Phạm Văn Ngoan, Chủ tịch Hội truyền thống QTN và CGQS huyện Hưng Hà trao quà tặng các hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác hội.

Trời càng về khuya sương mùa càng dày đặc, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn cởi áo phơi sương và ngâm nước thuốc để tránh chó địch ngửi mùi phát hiện, đồng thời ngậm thuốc chống ho để đảm bảo yếu tố bí mật khi cơ động áp sát địch. 22h45 phút, trinh sát đơn vị bắt đầu dẫn các mũi bí mật theo lối mở vào trong sân bay. Khi mũi chủ yếu cách nhà địch khoảng 300m, bỗng nhiên tiếng chó sủa vang, cả đội hình dừng lại, địch bật dậy soi đèn. Nhờ sương mù nên từ phía dưới ngước lên ta nhìn thấy địch rất rõ, nhưng địch không thể phát hiện ra đội hình của Tiểu đoàn 7. Đang nằm, bỗng nhiên đại đội trưởng Thanh dí ngón tay vào trán Ngoan và nói khẽ: “muốn chết à”. Ngoan giật mình và chợt nhận ra, do bình tông nước bị vơi, nên khi bò nước sóng sánh phát ra tiếng kêu, dù rất nhỏ nhưng không lọt qua được đôi tai thính của chó. Sau đó, Ngoan nhẹ nhàng tháo hết nước. Còn bọn địch, sau khi không phát hiện được gì, chúng tiếp tục ngủ. Toàn bộ đơn vị tiếp tục triển khai tiến công theo kế hoạch, Sau gần 2 giờ chiến đấu, ta đã làm chủ được sân bay Mường Ong.

Kể đến đây ông Ngoan chậm giọng, cũng may là sơ xuất nhỏ của tôi không ảnh hưởng đến kết quả trận đánh. Còn trận đánh mật tập cao điểm 1900 - đồi A1 Mường Đốt (Xieng Khouang), ngày 6-5-1969. Không biết ai đã lấy mất cái dù pháo sáng bị mắc trên cây cổ thụ giữa lưng đồi vào ngày diễn ra trận đánh, nên địch đã biết và phòng bị. Đội hình Tiểu đoàn 7 khi vừa tiến sát vào công sự chiến hào của địch chưa kịp hành động thì đã bị địch phản kích. Chúng dùng các ống cho lựu đạn mỏ vịt (đã rút chốt vào), rồi văng ra theo cách đánh “lựu đạn chùm” khiến bên ta không thể ngóc đầu lên được. Hơn nữa, các đoạn hào, chiến hào của địch đều đã có chuẩn bị từ trước nên địch vừa di chuyển, vừa sử dụng súng, lựu đạn chùm để sẵn ở đó ném, bắn tới tấp vào đội hình chiến đấu Tiểu đoàn 7. Toàn đơn vị bắt buộc phải rút lui. Gần 40 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và bị thương.

Bản thân ông Ngoan, vào năm 1970, trong lúc cùng đơn vị hành quân, ông bị thương do B52 rải thảm và được chuyển về nước điều trị. Trận bom ấy đã làm mắt phải của ông vĩnh viễn không nhìn được. Năm 1972, khi hồi phục phần nào sức khỏe, ông được xuất ngũ, trở về quê nhà và là thương binh ¾.

Ấm tình đồng đội

Đến gặp các đồng đội nhân ngày họp mặt truyền thống, hội viên Phạm Văn Hiện, xã Phúc Khánh vui mừng rơi nước mắt. Trước đây, ông Hiện gặp rất nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng chất độc da cam nên thường xuyên bị đau ốm và người bị nổi u bướu, mất rất nhiều tiền chữa trị. 2 con của ông cũng bị ảnh hưởng di chứng da cam. Thế nhưng, do bị mất hết giấy tờ, nên ông không được làm chính sách để được hưởng trợ cấp. Thấy hoàn cảnh của ông, Ban chấp hành hội đã giúp đỡ, xác minh và giúp ông Hiện liên hệ với đơn vị cũ làm thủ tục xin cấp lại các giấy tờ cần thiết. Chính vì vậy, năm 2000, ông và 2 con đã được hưởng chế độ chính sách, hơn thế nữa ông còn được xã hội và huyện hội thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nên cuộc sống đã vượt qua được khó khăn và đi vào ổn định. Trước khi chia tay, ông Hiện nắm chặt tay chúng tôi và: “Các đồng đội là ân nhân cưu mang cuộc sống của tôi và gia đình”.

Còn hội viên Nguyễn Văn Quang, xã Điệp Nông trước đây cũng gặp nhiều khó khăn vì không có vốn để phát triển kinh tế gia đình. Thấu hiểu nguyện vọng trên, xã hội và huyện hội đã hỗ trợ anh vốn để anh mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, các hội viên khác còn giúp đỡ về con giống, cây giống và hướng dẫn anh kinh nghiệm trong sản xuất. Nhờ vậy, anh Quang đã vượt qua khó khăn xây dựng được trang trại chăn nuôi, trồng trọt với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và trở thành tấm gương điển hình của hội, của xã về ý chí Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận xóa đói giảm nghèo. CCB Phạm Xuân Ngoan cho biết: “Năm 1996, chúng tôi xin được thành lập Hội truyền thống QTN và CGQS với mong ước, cùng nhau ôn lại truyền thống, giúp đỡ những đồng đội vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ngày mới thành lập, chỉ có 37 cán bộ, hội viên đến nay đã phát triển lên 1.267 cán bộ, hội viên. Trước kia, gia đình hội viên nghèo và có hoàn cảnh khó khăn chiếm từ 10-20%, đến nay, nhờ tấm lòng tương thân, tương ái và nghĩa tình đồng đội, 100% gia đình hội viên có mức sống từ trung binh trở lên, trong đó tỷ lệ giàu đạt 25%”.

Qua trao đổi chúng tôi được biết thêm, ngoài việc hỗ trợ giúp đỡ đồng chí đồng đội, Ban chấp hành xã, huyện hội còn phát động nhiều phong trào thiết thực góp phần giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội như: Tạo điều kiện về công ăn việc làm giúp đỡ con, em các hội viên với mức thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/người/tháng; động viên các hội viên hiến trên 1.000m2 đất, ủng hộ hơn 3 tỷ và hàng nghìn ngày công lao động để tham gia các chương trình hoạt động giúp Hưng Hà là huyện đầu tiên về đích nông thôn mới của tỉnh Thái Bình; đóng góp hàng trăm triệu cho các quỹ an sinh xã hội, tri ân gia đình chính sách và tri ân, giúp đỡ nhân dân tỉnh Attapeu Lào bị sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian- Xe Namnoy… Những hoạt động thiết thực trên góp phần tỏa sáng hình ảnh QTN và CGQS giúp cách mạng Lào trên quê hương Hưng Hà.

Bài, ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/anh-dung-trong-chien-dau-am-tinh-dong-doi-giua-doi-thuong-598528